Tìm hướng đi mới trong đầu tư phát triển vùng Trung du - miền núi phía Bắc

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngày 20/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức diễn đàn đầu tư phát triển vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Chương trình có sự đồng hành của đơn vị: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Tham dự diễn đàn về phía Bộ, ngành Trung ương có các đồng chí: Hầu A Lềnh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương; Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng lãnh đạo các tỉnh trong vùng.

Tìm hướng đi mới trong đầu tư phát triển vùng Trung du - miền núi phía Bắc - 1
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ

Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các chuyên gia đến từ các bộ, ngành Trung ương; Đại sứ quán Kazakhstan và Lào tại Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc cùng 200 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong vùng.

Tìm hướng đi mới trong đầu tư phát triển vùng Trung du - miền núi phía Bắc - 2
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Phát biểu khai mạc và định hướng diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn và ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Trung du và miền núi phía Bắc là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, gồm 14 tỉnh. Vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, đồng thời có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nhanh và bền vững. Những năm qua, vùng Trung du và miền núi phía Bắc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư phát triển làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của vùng, nâng cao đời sống người dân. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,37%/năm.

Trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành một số vùng sản xuất lúa đặc sản theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu. Công nghiệp phát triển nhanh, khai thác tốt tiềm năng về khai khoáng, thủy điện, chế biến lâm sản... Tuy nhiên, phát triển của vùng còn nhiều hạn chế vì là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Trong bối cảnh đó, diễn đàn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng trong bối cảnh mới, nhất là sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng với các mục tiêu phát triển rõ ràng hơn.

Tìm hướng đi mới trong đầu tư phát triển vùng Trung du - miền núi phía Bắc - 3
Các doanh nghiệp tiêu biểu đã được nhận Bằng khen của VCCI vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Nhằm thúc đẩy vượt qua những khó khăn, thách thức đối với vùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng cần xây dựng quy hoạch tổng thể của từng tỉnh và cả vùng, chú trọng liên kết giữa các tỉnh; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và có quyết tâm cao trong thực thi chính sách; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh.

Tìm hướng đi mới trong đầu tư phát triển vùng Trung du - miền núi phía Bắc - 4
Các chuyên gia, diễn giả trong phiên thảo luận

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nhiều vấn đề quan trọng như: Những tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức đối với vùng, các tỉnh trong vùng; đồng thời chỉ ra các cơ hội đầu tư, nguồn lực đầu tư công cho vùng, các tỉnh cũng như cơ chế chính sách đặc thù phù hợp cho phát triển vùng. Đánh giá về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và các địa phương trong vùng; thực trạng nguồn lực, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; năng lực cạnh tranh, thực trạng hợp tác và liên kết vùng trong phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp; giới thiệu, gợi mở mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo nhằm nhân rộng và tạo sức lan tỏa tích cực cho toàn vùng…

Ngoài ra tại chương trình, các doanh nghiệp tiêu biểu đã được nhận Bằng khen của VCCI vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm