Tìm giải pháp tài chính bảo đảm đủ nguồn thuốc ARV phục vụ điều trị HIV/AIDS
NDĐT - Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng trong cuộc chiến với HIV/AIDS, nhất là những bước tiến dài trong công tác điều trị, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm. Nhưng kết quả đó đang đứng trước những thách thức, khi viện trợ quốc tế cho hoạt động này sẽ chấm dứt vào năm 2017.
Theo thống kê, đến tháng 7- 2015, cả nước có khoảng 227.000 ca nhiễm HIV được báo cáo.
Công tác chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ tăng số người được điều trị, mà còn nâng cao chất lượng điều trị bằng thuốc kháng virút ARV (thuốc kháng vi-rút HIV) cho người nhiễm HIV/AIDS.
Việc điều trị bằng thuốc ARV đem lại hiệu quả cao khi kết hợp ít nhất ba loại thuốc ARV có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, giúp người nhiễm sống lâu hơn, khỏe hơn, đồng thời làm giảm lây truyền HIV sang người khác do tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV trong cơ thể người.
Với sự hỗ trợ của quốc tế, việc điều trị bằng thuốc ARV được triển khai thí điểm năm 2004 với 500 bệnh nhân đã tăng lên gần 100.000 trường hợp ở giai đoạn hiện nay .
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công Sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị ARV về các trạm y tế xã. Hiện nay, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và trên 560 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh.
Bên cạnh đó, để mở rộng điều trị ARV, Việt Nam cũng đã nâng ngưỡng điều trị ARV lên mức CD4<500 và điều trị ARV ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 cho nhiều nhóm đối tượng nguy cơ cao theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đang được tích cực mở rộng, lồng ghép vào hệ thống y tế chung và phân tuyến về y tế cơ sở nhằm đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng tiếp cận, giảm chi phí đi lại, tăng cường tuân thủ điều trị của người bệnh.
Tuy nhiên, khoảng 95% nguồn thuốc ARV đang điều trị cho người bệnh HIV hiện nay là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Chỉ có khoảng 5% là từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dự tính nguồn tài trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm từ tháng 3-2016 và chấm dứt vào cuối năm 2017. Như vậy, nếu không có giải pháp bù đắp kịp thời việc thiếu hụt thuốc ARV thì gần 100.000 bệnh nhân này sẽ phải gián đoạn điều trị và các bệnh nhân nhiễm HIV chưa điều trị ARV sẽ không được bắt đầu.
Điều này gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Người nhiễm HIV sẽ sớm chuyển sang AIDS và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Tỷ lệ người nhiễm HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém gấp tám đến 10 lần để điều trị so với HIV chưa kháng thuốc.
Do đó, yêu cầu bảo đảm đủ nguồn thuốc ARV để điều trị liên tục cho người nhiễm HIV đang trở thành vấn đề cấp bách.
Thuốc ARV được WHO khuyến cáo sử dụng cho người nhiễm HIV và được đánh giá là giải pháp thông minh bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giúp kiểm soát sự bùng phát của dịch HIV. Hiệu quả của điều trị bằng thuốc ARV chính là cơ sở để Chương trình phòng, chống AIDS của Liên Hiệp Quốc đưa ra mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030.
Từ năm 2001, một số điều luật quốc tế với các điều khoản đặc biệt đã cho phép các nước đang phát triển được sản xuất thuốc với chức năng kháng virút tương tự, phục vụ cho lợi ích của cộng đồng mà không cần trả chi phí bản quyền sáng chế. Điều này giúp việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV có thể được nhân rộng ra trên quy mô toàn cầu.
Kinh nghiệm tại các nước trong khu vực như: Thái-lan, Indonesia và Malaysia trong việc bảo đảm thuốc ARV từ ngân sách nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn sự gia tăng của dịch HIV/AIDS.
Như tại Thái-lan, ước tính có khoảng 360.000 người nhiễm HIV được báo cáo trong đó có 239.000 người đang được điều trị ARV. Chi phí cho chương trình điều trị HIV bằng ARV sử dụng 99% ngân sách nhà nước và chỉ có 1% từ nguồn tài trợ quốc tế. Việc chi trả điều trị ARV ban đầu tại Thái-lan được thực hiện qua bảo hiểm y tế với cơ chế bệnh nhân đồng chi trả. Tuy nhiên, trước tình hình bỏ trị của bệnh nhân ngày càng gia tăng nên vào năm 2002 chính phủ Thái-lan đã quyết định chính ngân sách cung cấp điều trị ARV miễn phí cho người nhiễm HIV. Giai đoạn năm 2007-2013, chi phí điều trị ARV ở nước này giảm từ 140 triệu xuống và giữ ở mức 100 triệu USD mỗi năm do giá thuốc ARV giảm 50% trong khi đó số lượng bệnh nhân được điều trị tăng lên hơn 174.000 người.
Tại Indonesia, giai đoạn từ năm 2005 đến 2015, số bệnh viện công và tư cung cấp dịch vụ điều trị ARV tăng từ 25 đến 444; chi phí cho điều trị ARV từ ngân sách nhà nước cũng đạt hơn 90% vào năm 2014. Indonesia bắt đầu cung cấp miễn phí thuốc ARV điều trị HIV từ năm 2005. Tại nước này, ngoài phát triển cơ chế mua sắm phân phối tập trung đã phát triển thêm mô hình đẩy mạnh nguồn lực quản lý từ địa phương để điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV.
Tương tự như tại Malaysia, chi tiêu cho thuốc ARV hầu hết là từ ngân sách nhà nước mua và cấp miễn phí. Indonesia có chính sách mua sắm thuốc ARV tập trung vào nguồn thuốc sản xuất trong nước với hệ thống đấu thầu minh bạch để chọn ra các nguồn cung cấp chất lượng tốt với giá cạnh tranh, hệ thống phân phối liền mạch từ trung ương đến địa phương.
Để giải quyết vấn đề thuốc ARV sau năm 2017, theo ông Nguyễn Hoàng Long thì cần có các giải pháp tổng thể để có nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV, mà chủ yếu dựa vào kinh phí trong nước. Việc thu phí dịch vụ điều trị ARV của người bệnh là khó khả thi vì hầu hết người bệnh HIV/AIDS là những người nghèo, không có khả năng chi trả; hơn nữa, thu phí dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, tăng tỷ lệ HIV kháng thuốc và tăng chi phí điều trị ARV. Trước mắt, Chính phủ cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc ARV, bảo đảm các bệnh nhân đang điều trị ARV được duy trì liên tục.
Giải pháp lâu dài là cần nhanh chóng triển khai chi trả khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm lâu năm từ các quốc gia láng giềng trong việc xây dựng cơ chế chi trả điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bao gồm chi phí thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế; thiết lập mô hình mua sắm thuốc với giá rẻ và phân phối thuốc hiệu quả; và đầu tư cho các cơ sở điều trị có đủ năng lực và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV trong toàn xã hội.
ARV là thuốc được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1987 trong điều trị cho người nhiễm HIV. Với tác động ức chế sự nhân lên của HIV, thuốc ARV có khả năng phục hồi sức đề kháng của cơ thể, giúp người nhiễm HIV sống khỏe hơn, kéo dài tuổi thọ đồng thời làm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm nhiễm HIV mới trong cộng đồng.
Theo Phương Trang
Nhân dân