Tiếng than thở từ “làng rác”
Làng Khoai là tên thường gọi của thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, TP. Hưng Yên, vốn nổi danh là một “làng rác” nhưng nhờ… rác mà đời sống người dân ở đây có phần sung túc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, làng Khoai cũng là khu vực ô nhiễm môi trường bậc nhất nước ta hiện nay.
Với gần 1.000 hộ dân và đa số các hộ đều theo nghề tái chế nhựa, làng Khoai là nơi tập chung lớn nhất của loại rác thải từ các địa phương lân cận đổ về.
Sống cùng…rác
Chúng tôi có mặt ở làng Khoai những ngày gần đây. Làng Khoai cuối giờ chiều không khí thật nhộn nhịp, cái nhộn nhịp ở đây là do những xe chở nguyên liệu nối nhau chạy vào làng và những phụ huynh đi đón con em mình tan trường về tạo nên. Một người dân nơi đây cho chúng tôi biết, mỗi ngày làng Khoai tiếp nhận khoảng 160 - 180 tấn rác thải phế liệu, xử lý lại thành các loại đồ dùng mới như túi xách siêu thị, túi nilon, dây máy bơm, dây buộc đến cả ống nhựa PVC, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh.
Tới làng Khoai, dễ dàng bắt gặp trên các con đường bê tông với hai bên chất đầy những bao rác thải, những bóng hình bé nhỏ nô đùa nhau về nhà. Những đứa trẻ ngây thơ sinh ra ở đây vẫn đến trường như bao nhiêu trẻ em trên mọi miền đất nước này, chỉ khác một điều đường về nhà của các em không được tô điểm bởi các hàng cây, hay ruộng lúa xanh mướt, mà thay vào đó là các núi rác độc hại và những con mương bốc mùi hôi thối.
Theo chân những em nhỏ vào sâu hơn trong làng Khoai, vượt qua những ngõ hẹp đang bị bóp nghẹt bởi các bao bố đựng túi nhựa, cảm nhận đầu tiên là sự bức bách do thiếu không gian, sau nữa là khó thở bởi mùi nhựa khét lẹt bủa vây ngôi làng. Các ngõ ngách trong thôn đã rất hẹp lại được trang hoàng thêm bởi các đống bao ni lông nguyên liệu khiến việc đi lại càng gặp khó khăn hơn. Thi thoảng lại xuất hiện các xe tự chế chất đầy túi rác chạy vào bít kín lối đi. Đây đó các đoạn đường lênh láng nước thải từ các xưởng tư nhân xả ra có màu nhờ nhờ và bốc mùi khó chịu. Hình ảnh các em nhỏ đi xe đạp co chân khi đi qua vũng nước là dễ dàng bắt gặp. Và chẳng ai biết được các em sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh khi băng qua những vũng nước thải này?
Trẻ em ở làng Khoai gần ba mươi năm nay sinh ra, lớn lên với rác và cũng vui chơi bên rác thải. Kinh tế của làng Khoai thuộc loại khá giả, nhà cửa trong làng đều được xây dựng rất khang trang bởi chính nhờ nghề... gom và tái chế rác thải. Nhưng dù có khang trang đẹp đẽ đến đâu thì xung quanh các ngôi nhà tiện nghi đó vẫn được bao bọc bởi rác và rác. Mật độ dân số cao, cộng với việc các xưởng tư nhân tận dụng triệt để khoảng trống để làm nơi tập kết vật liệu khiến nơi vui chơi cho trẻ em gần như biến mất. Vòng vo trong các ngõ ngách chất đầy rác không khác gì mê cung, chúng tôi tình cờ đến được một không gian trống hiếm hoi còn lại để các em có thể vui đùa. Một sân vuông với diện tích khiêm tốn, là nơi duy nhất các em có thể chạy nhảy đá bóng, đánh cầu lông, chơi kéo co... nhưng bốn bên tường rào của sân cũng chất đầy các bao tải rác. Nhà Văn hóa - Thể thao của làng Khoai cũng bị trưng dụng thành nơi chứa rác và giờ đây đã trở thành nơi hoang phế. Khi chúng tôi hỏi người dân ở đây nơi sinh hoạt vui chơi của cả làng ở đâu, họ chỉ chúng tôi ra đình làng mới được tu bổ khá khang trang nhưng khoảng sân đình chật hẹp.
Có thể “tử” vì rác?
Bất kỳ ai đến với làng khoai lần đầu, việc đầu tiên làm sẽ là tìm mua ngay cho mình một chiếc khẩu trang để đối phó với các thứ mùi uế tạp đặc trưng ở đây. Nhưng với những người sinh ra và lớn lên ở đây thì động tác ấy là thừa, ngay cả bọn trẻ cũng vậy. Dạo qua các ngõ nhỏ trong thôn một vòng với chiếc khẩu trang bịt kín mít, chúng tôi trở thành tâm điểm để ý của cư dân làng Khoai. Ở đây chúng ta dễ dàng bắt gặp các em bé sơ sinh được mẹ bế ẵm đi dạo, những em bé lớn hơn đang nô đùa bên đường làng không hề có sự bảo vệ nào dù là giản đơn trước môi trường ô nhiễm độc hại.
“Ôi giời quen rồi anh ơi! Người lạ ai vào đây cũng thấy khó thở nhưng chúng em thì quen rồi, cả bọn này cũng thế” - đó là những lời bông đùa của người phụ nữ đang đưa con đi chơi dành cho chúng tôi khi được hỏi về việc phòng tránh ô nhiễm cho đứa bé ngồi sau xe. Người xưa có câu “sống đâu âu đấy”, hiểu được câu này thì chúng tôi thấy những thắc mắc của mình là thừa, lại càng thấy xót xa cho các em bé ở đây. Các em không thể lựa chọn nơi mình sinh ra và lớn lên, đó là sự thiệt thòi của các em, nhưng càng thiệt cho các em hơn khi chính những người sinh ra các em vì lý do mưu sinh mà bỏ qua việc bảo vệ con em mình.
Chỉ cần quan sát bằng mắt thường và ngửi mùi hôi thối bốc lên từ rác thải ở làng Khoai, có thể dễ dàng nhận thấy nơi đây đã bị ô nhiễm môi trường khá nặng nề. Đáng chú ý và lo ngại hơn cả, việc chế biến rác ở đây được người dân thực hiện thủ công. Người lao động không hề được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, họ dùng tay làm hầu hết mọi việc, từ thu mua, phân loại, phơi khô để đưa vào hệ thống máy sơ chế và ép thành từng phên nhựa, sau đó chuyển vào hệ thống máy cắt. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, nước thải ở các xưởng thu gom, tái chế rác thải không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường.
Cho tới nay, vẫn chưa có một sự kiểm tra sức khỏe nào cho người dân cũng như trẻ em ở làng Khoai. Việc đánh giá tác động của môi trường tới con người ở đây vẫn chưa có một kết luận nào cụ thể. Nhưng với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề kéo dài ở địa bàn làng Khoai thì chẳng có gì đảm bảo không có sự ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe con người. Chẳng ai có thể khẳng định bệnh tật không viếng thăm chủ nhân của những ngôi nhà, đồng thời cũng là xưởng tái chế nhựa ở làng Khoai.
Có lẽ, chúng ta cần phải rút ra một bài học kinh nghiệm sâu sắc, về một địa điểm tương tự như làng Khoai và cũng ở huyện Văn Lâm. Cách đây không lâu, ở thôn Đông Mai đã có một đợt kiểm tra sức khỏe cho hơn 400 người mà phần đa là trẻ em. Kết quả cho thấy 33 em nhỏ được xác định phải tẩy độc chì ngay lập tức, 27 em khác có biểu hiện thiếu máu trầm trọng. Sở dĩ có câu chuyện buồn này vì thôn Đông Mai cũng là một trong những làng nghề lâu đời là phân loại và tái chế chì. Phải chăng, những con số từ đợt khám sơ bộ ở làng Đông Mai dường như không có chút tác động nào đến suy nghĩ của người dân làng Khoai. Ngày đêm các xưởng tư nhân vẫn hoạt động hết công xuất, các xe chở nguyên liệu từ khắp nơi vẫn dồn dập tiến về làng. Và rác vẫn ngập đường, ô nhiễm môi trường vẫn ngày càng trầm trọng. Ai dám chắc người dân ở làng Khoai không mắc các căn bệnh từ rác, và một khi “sinh nghề tử nghiệp” bởi rác thì rất đáng buồn!?
Giải quyết bằng cách nào?
Trao đổi với bà Nguyễn Minh Thúy - Trưởng ban cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, bà Thúy cho rằng muốn giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trong làng nghề phải đưa hoạt động sản xuất của các hộ vào cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai có diện tích hơn 11 ha, đi vào hoạt động được ba năm đã giải quyết được nhiều vấn đề: Các hộ di dời sản xuất khỏi làng vào cụm công nghiệp có mặt bằng rộng, xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên, vật liệu, thành phẩm đã giúp giảm tải sản xuất trong làng; góp phần giảm ô nhiễm khu dân cư, đường thôn, ngõ xóm phong quang hơn, giảm ắch tắc giao thông. Do vậy, nhu cầu di dời sản xuất ở làng nghề Minh Khai là rất lớn; hơn 400 hộ sản xuất trong làng Minh Khai muốn ra cụm công nghiệp nhưng hết đất. Để đáp ứng đủ nhu cầu của làng nghề, huyện Văn Lâm đang cho triển khai mở rộng cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai thêm 50 ha .
Để hiểu rõ hơn về vấn đề quy hoạch làng nghề ở Hưng Yên, chúng tôi tìm gặp ông Trần Đăng Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hưng Yên. Ông cho biết: Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển ổn định, bền vững tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, hỗ trợ di dời sản xuất ở những làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp ở những nơi người dân có điều kiện về nguồn lực, nhu cầu di dời sản xuất ra khỏi làng.
Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường khả thi, phù hợp với từng làng nghề, điều kiện ở địa phương cũng rất cần thiết. Hơn nữa, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý cụm công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, công nghệ, vốn vay, thuê đất... nhằm tạo môi trường hấp dẫn để các hộ trong làng nghề tự nguyện di dời sản xuất từ làng vào trong các cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi nghề...
Là một làng nghề có bề dày nhiều chục năm nay gắn bó với nghề tái chế nhựa, những con người ở đây đang đứng trước nguy cơ rất lớn về sức khỏe bởi các chất độc hại mà các xưởng tư nhân xả ra hết công suất mỗi ngày. Và đối tượng gặp nguy hại hơn ai hết chính là những công dân nhỏ tuổi ở làng rác này.
Theo Sức khỏe Đời sống