Thuốc thúc chín hoa quả độc hại đến đâu?

Thông tin về việc hoa quả sử dụng thuốc thúc chín đã khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang, nhiễu loạn. Trong khi đó, chưa có một cơ quan nào đứng ra thông tin đầy đủ cho người dân về tác hại thực sự của các loại thuốc này càng khiến người tiêu dùng mất niềm tin, nhiều doanh nghiệp, người nông dân cũng lao đao về những “tiếng oan” do sự mù mờ thông tin như vậy.

Thuốc thúc chín hoa quả độc hại đến đâu? - 1

Theo các chuyên gia, trong sản xuất và kinh doanh hoa quả, việc sử dụng thuốc thúc chín đôi khi là cần thiết và không phải thuốc thúc chín nào cũng nguy hiểm. Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hoa quả thì trong ngành chế biến nông sản, không thể chờ từng trái cây chín rồi mới chế biến, nhất là các loại trái cây khó chín đồng loạt. Vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ sinh học bảo đảm an toàn để làm chín trái cây đồng đều.

Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên người tiêu dùng Việt Nam cứ nghe đến “thuốc thúc chín” là lo sợ. Đặc biệt là khi nhiều phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc nông dân và thương lái buôn bán hoa quả ở miền Đông Nam Bộ, Đăk Lắk sử dụng một loại hóa chất có tên là ethephon để thúc chín các loại hoa quả như chuối, mít, đu đủ, sầu riêng… và cho rằng chất này chỉ được dùng để kích thích mủ cây cao su và có độc đối với sức khỏe con người.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh học nông nghiệp (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, không nên đánh đồng việc sử dụng hóa chất sinh học là đều độc hại. Hóa chất sinh học vốn là sản phẩm của thành tựu công nghệ sinh học nên nếu sử dụng những chất được công nhận là an toàn sẽ không gây hại cho sức khỏe con người. Ví dụ như ethephon, chất thúc chín được sử dụng phổ biến ở Việt Nam đã được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch.

Tại Việt Nam, cách đây 20 năm, dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm ethephon từ Cộng hòa Liên bang Nga vào Việt Nam” đã được tiến hành. Kết quả nghiên cứu của dự án được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai với các ứng dụng chính là điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái để tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn, nhằm phục vụ cho xuất khẩu quanh năm các loại trái xoài, nhãn, thanh long… Ethephon cũng được sử dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Còn theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (TARCC) thì ở Việt Nam, cách làm chín trái cây truyền thống theo kinh nghiệm dân gian từ khí đá. Chất ethephon thực ra là khí đá nóng được làm lỏng, do đó vô hại đối với sức khỏe con người. Thời gian phân hủy của ethephon rất nhanh nên hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhìn nhận, dù ethephon an toàn, nhưng nếu sử dụng với liều lượng lớn nhằm làm trái cây chín nhanh là không nên. Hơn nữa hiện nay trên thị trường có rất nhiều hóa chất thúc chín khác nhau có nguồn gốc cả ở Việt Nam và ở Trung Quốc, vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý chặt để tránh làm người tiêu dùng hoang mang.

Theo An ninh Thủ đô