Thủ phủ quất miền Trung "chạy nước rút" đón Tết cổ truyền

Công Bính

(Dân trí) - Hơn 1.000 hộ dân trồng quất tại TP Hội An (Quảng Nam) đang tất bật cho vụ làm ăn lớn nhất năm, mong một cái Tết đủ đầy.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 1

Những ngày này, người dân vùng trồng quất lớn nhất miền Trung ở TP Hội An đã cho cây vào chậu phục vụ Tết. Nơi đây có hơn 1.000 hộ dân ở các xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà… trồng trên 70.000 chậu quất cảnh.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 2

Tại các nhà vườn, những chậu quất quả dày đặt, nặng trĩu, chín vàng ươm đang chờ đến Tết. Giá bán quất cảnh đa dạng, cây lớn vài triệu, cây nhỏ thì vài trăm, có cả quất mini với giá bình dân để khách lựa chọn.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 3

Người dân tất bật chăm sóc vườn quất, tưới nước, tỉa cành, tạo dáng…  hết sức tỉ mỉ, công phu. Quất Hội An nổi tiếng nhờ việc người trồng ngoài ruộng và sau đó được bứng chăm sóc một năm tạo tán, cho quả trĩu cành mới mang bán. Trái quất chín để được 5 tháng mới rụng.

Ông Nguyễn Năm (phường Thanh Hà, TP Hội An) cho biết, năm nay gia đình ông trồng 2.000 chậu quất mini và 700 chậu quất lớn, nhỏ các loại. Hiện nay thương lái đã đặt cọc gia đình toàn bộ quất mini và hơn 80% quất chậu.

"Giá quất mini nhỉnh hơn chút ít vì khó làm, còn các loại vẫn giá ổn định như mọi năm. Diện tích quất năm nay giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái, do dịch bệnh và cây giống ít. Chúng tôi tích cực chăm sóc để quất phát triển tốt, dáng đẹp, đợi ngày thương lái chở đi tiêu thụ", ông Năm chia sẻ thêm.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 4

Theo người trồng quất cho biết, dù thương lái đã đặt cọc nhưng người dân cũng phải đảm bảo chăm sóc, tưới tiêu… để cây phát triển tốt, đạt chất lượng đợi ngày "xuống phố" thì họ mới hoàn thành trách nhiệm.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 5

Sau một năm với bao biến cố dịch bệnh, thời tiết thất thường, người trồng làng quất Hội An trông chờ vào một vụ mùa cuối năm bội thu. "Thời tiết năm nay thuận lợi hơn, nhưng giá cả vật liệu tăng cao từ phân bón, đến chậu cây… khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Diện tích năm nay của gia đình giảm hơn năm ngoái do lo ngại dịch bệnh, hiện vườn đã được đặt cọc hơn 70%, giá vẫn ổn định", ông Lê Tuấn (xã Cẩm Hà, TP Hội An) cho hay.

Làng quất Hội An tất bật dịp cận Tết

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 6

Ai cũng tràn đầy hy vọng về việc quất được mùa sẽ được thương lái thu mua giá cao, qua đó giúp bà con có thêm một khoản thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình, sắm sửa cho Tết cổ truyền dân tộc.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 7

Theo ông Nguyễn Bình (thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, TP Hội An), năm nay diện tích quất của người dân giảm còn 1/3 so với mọi năm do lo ngại tình hình dịch bệnh, bên cạnh đó là ảnh hưởng thời tiết cực đoan năm ngoái khiến quất giống giảm. "Tại thôn Bầu Ốc, hầu hết người dân đã được thương lái đặt cọc khoảng 95%, giá cả ổn định so với mọi năm. Trong đó quất mini tăng nhẹ do ít người trồng, khó làm hơn các loại quất chậu khác", ông Bình nói thêm.

Thủ phủ quất miền Trung chạy nước rút đón Tết cổ truyền - 8

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ vườn vẫn "đỏ mắt" chờ thương lái. Ông Nguyễn Thắng (thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà, TP Hội An) cho hay: "Nhiều vườn chỉ mới tiêu thụ 30%, có vườn chỉ vài thương lái hỏi thăm chưa thấy đặt cọc. Vườn tôi trồng 200 chậu nhưng vẫn chưa có ai "chốt". Diện tích năm nay giảm chỉ còn 1/3 so với mọi năm, hy vọng thời gian đến sẽ có thương lái đến đặt cọc để còn gỡ gạc lại vốn".

Ông Nguyễn Thành Được - Phó Chủ tịch xã Cẩm Hà cho hay, cả xã có khoảng 400 hộ trồng quất. Năm nay, do tình hình dịch phức tạp nên người dân chủ động giảm bớt số lượng phục vụ thị trường Tết.

"Mọi năm địa phương tổ chức ngày hội quất để người dân đưa sản phẩm đến trưng bày, quảng bá và bày bán. Đồng thời có văn bản gửi các địa phương khác tạo điều kiện cho người dân vận chuyển, tiêu thụ. Tuy nhiên năm nay tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên cũng chưa có kế hoạch cụ thể", ông Được cho hay.