Quảng Nam:
Thơm ngọt đặc sản chuối ép làng cổ Lộc Yên
(Dân trí) - Với mong muốn đưa món chuối ép dân dã của Tiên Phước (Quảng Nam) đến gần hơn với bạn bè gần xa, chị Võ Thị Ánh (SN 1983, ở làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam) đã mạnh dạn phát triển mô hình chuối ép mang thương hiệu Lộc Yên. Hiện nay sản phẩm đã và đang tạo được sự yêu thích, phản ứng tích cực từ khách hàng gần xa.
Cây chuối từ bao đời gắn bó với người nông dân Tiên Phước, Quảng Nam. Ở vùng quê bán sơn địa, ruộng đồng manh mún này thì chỉ có cây chuối là dễ trồng, dễ sống và mau cho thu hoạch.
Và cũng chỉ có chuối mốc mà người Tiên Phước vẫn thường gọi là chuối nai, dùng làm chuối ép mới có thể cho hương vị ngọt ngào, đúng điệu. Nhưng chuối ép chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ dịp tết hoặc làm ăn trong gia đình.
Chuối được chọn là chuối mốc (hay còn gọi là chuối nai) để khi sấy mới có độ dẻo và hương vị ngọt ngào đúng điệu
Nhận biết được điều này, tháng 8/2018 chị Võ Thị Ánh đã mạnh dạn đầu tư máy móc và cải tiến thêm cách làm truyền thống để mang hương vị ngọt ngào của quê nhà vươn xa, sẻ chia cùng mọi người gần xa; đồng thời, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm chuối tươi của nông dân.
Chị Võ Thị Ánh chia sẻ: “Lúc trước tôi cũng tham gia làng nghề bánh thuẫn, nhưng sau đó nhận thấy món chuối ép địa phương ít được biết đến. Khoảng cuối 2018, tôi bàn với chồng mua thêm lò nướng điện để chế biến món chuối ép này. Một phần tôi muốn đưa hương vị chuối ép dân dã, truyền thống của Tiên Phước giới thiệu đến bạn bè gần xa; một phần là tôi thấy người dân ở đây trồng chuối vất vả nhưng nhiều khi giá lại rất thấp, tôi mong muốn tạo thêm đầu ra cho chuối tươi miền núi Tiên Phước, Trà My”.
Chị Ánh chọn nướng bằng lò nướng điện để đảm bảo vệ sinh hơn, dễ kiểm soát độ lửa khi nướng
Chuối nai (hay còn gọi chuối mốc) được chị Ánh chọn lựa tỉ mỉ. Buồng chuối phải chín đều cả nải thì mới đạt độ ngọt, dẻo thơm. Chuối khi chín muồi vỏ bắt đầu se se lại, lúc này vỏ chuối đã mỏng, chỉ cần bóc nhẹ, tách vỏ rồi đem sấy trên lò nướng. Trong lúc sấy cần trở cho đều hai mặt để trái chuối bắt đủ lửa mềm ra.
Sau đó, dùng tấm ván bào nhẵn lót lá chuối vào và đặt những trái chuối vừa sấy lên trên, lót bên trên một lớp lá nữa và dùng tấm ván còn lại ép nhẹ tay cho trái chuối dẹt ra, độ dày lát chuối tầm 0,5cm là vừa.
Những lát chuối dẻo mật nâu sẫm, thơm lừng hương mật và thoang thoảng vị gừng, được tô điểm lấm tấm những hạt mè trắng thật bắt mắt
Sau khi ép chuối dẹt rồi đưa vào lò nướng, thỉnh thoảng trở cho đều. Sau đó nướng đợt 1 khoảng 10 tiếng, chuối sẽ được ép tiếp lần hai rồi nướng thêm vài tiếng nữa cho đến khi mật chuối sánh lại một màu nâu sẫm dịu dàng.
Cuối cùng là cho thêm gừng và vừng (mè) trắng được rang thơm rải đều lên hai mặt. Những lát chuối dẻo mật nâu sẫm, thơm lừng hương mật và thoang thoảng vị gừng, được tô điểm lấm tấm những hạt mè trắng thật bắt mắt.
Theo chị Ánh, sở dĩ phải ép hai lần vì để cho chuối đạt được độ dẻo, thơm, mật chuối lên đều hơn và hạn sử dụng sẽ lâu hơn. Sở dĩ chị không chọn nướng than vì sợ khói bếp bay lên dễ bám bụi, tất cả quy trình đều được chị theo dõi tỉ mỉ, đảm bảo vệ sinh nên được khách hàng rất ưa chuộng. Sản phẩm không dùng chất bảo quản, có thể để trên 3 tháng hoặc lâu hơn vì qua quá trình theo dõi sản phẩm chị nhận thấy càng để lâu thì mật chuối càng lên hương và thơm ngon hơn.
Khi đến với xã Tiên Cảnh, sau khi tham quan làng cổ Lộc Yên hay hang dơi. Bạn có thể thưởng thức thêm món chuối ép thơm ngọt nơi đây, hoặc mua về làm quà cho họ hàng, bạn bè
“Hiện nay, cơ sở của tôi vẫn đang trong giai đoạn khởi nghiệp nên số lượng mỗi ngày không nhiều lắm nhưng đơn đặt hàng luôn cao. Khi thấy sản phẩm được yêu thích và công nhận, tôi thật sự rất vui mừng, hy vọng sản phẩm chuối ép Tiên Phước càng ngày càng được ưa chuộng hơn nữa”, chị Ánh nói thêm.
Để có mẻ chuối ép tuy đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Lửa nướng không “non” quá mà cũng không “già” quá. Độ nóng vừa phải và đều sẽ cho trái chuối chín vàng đẹp mắt, không bị nám đen mà cũng không khô cứng, làm mất hương vị dẻo thơm, đậm đà.
Hiện nay, sản phẩm chuối ép mang thương hiệu làng cổ Lộc Yên của chị Võ Thị Ánh được khá nhiều người biết đến. Không chỉ tiêu thụ tại các vùng lân cận mà còn đến tận Đà Nẵng, phía Bắc Quảng Nam và cũng được nhiều người mua biếu bà con tận Hà Nội, nước ngoài… Sản phẩm của chị đã được chứng nhận sản phẩm làng nghề của xã và huyện Tiên Phước.
C.Bính-N.Linh