"Thổi hồn" vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan

Hoài Trang

(Dân trí) - Bén duyên với nghệ thuật cắt giấy kirigami một cách tình cờ, Nguyễn Duy Duy (25 tuổi, Hà Nội) biến những tờ giấy "vô tri vô giác" thành tác phẩm nghệ thuật "có hồn" khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Năm 2017, chàng sinh viên năm cuối đang thực hiện đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa (Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội) vô tình tìm thấy bộ môn nghệ thuật cắt giấy Nhật Bản kirigami rất độc đáo và có thể "thổi hồn" vào trong khung hình. Từ đó, Duy quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, biến cái hay của họ thành cái mới và theo phong cách riêng của mình.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 1
Những tờ giấy vô tri vô giác được Nguyễn Duy Duy "thổi hồn" thành tác phẩm nghệ thuật khiến nhiều người ngưỡng mộ

Sau khi đồ án tốt nghiệp kết thúc, Duy quay về làm nội thất cùng gia đình, đồng thời nghiên cứu luyện tập thêm các kỹ năng cắt giấy kirigami. Hướng ánh mắt vào các hộp đèn giấy, Duy chia sẻ, ngoài sử dụng giấy để viết, vẽ những bức tranh sống động, Duy nhen nhóm ước vọng biến những tờ giấy mỏng manh đó trở thành một tác phẩm nghệ thuật để khắc họa nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Những ngày đầu xây dựng ý tưởng, Duy nhận thấy áo dài cổ phục đang "hồi sinh" nên Duy quyết định thực hiện bộ đèn về áo dài cổ phục cho dự án đầu tay của mình. Khi bức tranh áo dài hoàn tất, Duy kết hợp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, để tôn lên nét đẹp truyền thống của từng thời kỳ trong bộ đèn giấy.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 2
Loại giấy sử dụng cho bộ đèn giấy là giấy mỹ thuật, được tác giả phác họa bằng tay

Có lẽ, niềm đam mê với nghệ thuật cắt giấy và tài hoa "trời phú" khiến kho tàng tác phẩm đèn nghệ thuật của Duy ngày một nhiều và đa dạng hơn. Mỗi sản phẩm là cả tâm huyết và sức sáng tạo vô biên của chàng trai trẻ, mang đến cảm giác mới lạ cho người xem.

Ánh mắt Duy toát lên niềm tin vào sự cố gắng của mình, Duy cho hay, để có cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, Duy thường nghe những bản nhạc về Hà Nội hoặc đi nhiều địa danh và chụp lại những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng.

Duy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên mỗi khi nghe bài hát "Nhớ về Hà Nội" của ca sĩ Hồng Nhung, chàng trai trẻ lại rạo rực tình yêu mong muốn đưa những hình ảnh góc phố, con người Hà Nội vào trong bộ đèn giấy nghệ thuật.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 3
Bộ đèn hình tượng phụ nữ mặc áo ngũ thân từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thế kỷ 18

"Mình luôn mong những chiếc đèn giấy này sẽ tái hiện nên một bức tranh sống động, bắt mắt chạm vào trái tim mỗi người. Để từ đó, bộ đèn giấy không chỉ dừng lại ở sản phẩm nghệ thuật mà nó còn là một thế giới thu nhỏ về cảnh đẹp, văn hóa và con người", Duy chia sẻ.

Nhìn những tác phẩm nghệ thuật của Duy, ít ai biết để tạo ra được một chiếc đèn giấy này người nghệ nhân trẻ phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Từ việc lên ý tưởng, thiết kế, dàn cảnh, cắt trổ giấy cho đến ghép các lớp giấy với nhau, hay phối màu vào trong khung hình, mỗi công đoạn Duy đều phải tính toán cẩn thận.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 4
Qua từng bộ đèn, tác giả muốn thể hiện cho người xem thấy được tà áo dài đặc trưng của người phụ nữ Việt trong thời kỳ đó

Sau khi cắt xong, Duy sẽ ghép các lớp giấy lại với nhau tạo thành chiều sâu không gian và cố định trong khuôn hoàn chỉnh. Duy cho biết, để xác định một bộ đèn giấy bền, đẹp thì chất liệu giấy rất quan trọng. Nếu chọn không đúng loại giấy khi chiếu sáng giấy sẽ bị biến dạng. Cuối cùng, Duy quyết định sử dụng mica - nhựa trong suốt để giữ cho giấy thẳng và ánh sáng vẫn có thể xuyên qua mà giấy không bị nhăn nhúm.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 5
Tác giả của những bộ đèn giấy nghệ thuật khiến nhiều người ngưỡng mộ

"Trung bình một hộp đèn sẽ có 5-7 lớp giấy, thậm chí nhiều hộp cầu kỳ có khi lên tới 15 lớp giấy, tùy vào bối cảnh và hình ảnh của từng hộp đèn. Tuy đây là một loại hình nghệ thuật mới, chủ yếu là xếp lớp nhưng rất khó để chia lớp, bố cục về hình ảnh, ánh sáng nên phải kiên nhẫn và tỉ mỉ từng công đoạn", Duy nói.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 6
Bộ đèn miền Tây sông nước được tác giả tái hiện qua đèn giấy nghệ thuật

Từ những bộ đèn giấy cổ phục đầu tiên, hiện nay Duy đã có nhiều bộ đèn như bộ đèn Đức Phật Thích Ca, Nhã nhạc cung đình Huế, Sông nước miền Tây, hay mới đây nhất là một bộ đèn về Việt Nam - Đất nước - Con người. Qua mỗi bộ đèn, Duy luôn hy vọng sẽ quảng bá được nét đẹp truyền thống của Việt Nam và được mọi người nhiệt tình ủng hộ.

Thổi hồn vào đèn giấy nghệ thuật, chàng trai 9x kể chuyện qua giác quan - 7
Duy luôn mong được góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới qua từng sản phẩm

Duy cho biết, dự định trong thời gian tới, Duy sẽ tiếp tục phát triển các dự án mới như: "Những ngày thơ ấu", "Nơi tôi sinh ra" "Mẹ đức phật"... Ngoài ra, Duy sẽ nghiên cứu để phát triển thêm những loại đèn giấy đặc biệt hơn nữa và trong hộp đèn nhân vật có thể di chuyển được hậu cảnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm