Theo chân cảnh sát 113

“Alo 113! Khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ có đánh nhau. Hai nhóm thanh niên kéo đến rất đông!”. Nhận được tin báo, cán bộ trực tổng đài 113 vội vã chuyển tin cho chỉ huy. Một tổ Cảnh sát phản ứng nhanh (Cảnh sát 113, Công an TPHCM) tức tốc xuống hiện trường.

Từ hiện trường

Tối đó đúng là có hai nhóm thanh niên tụ tập, gây rối đánh nhau. Tổ cảnh sát báo về ca trực. Tình hình mỗi lúc một căng hơn khi số người kéo đến gần 2 nghìn người. Khi đó đã hơn 19h, đội Cảnh sát 113 phụ trách địa bàn quận 1 xin tăng cường lực lượng.

Trên phố, dòng người kéo nhau ùa đến khu vực gần đài phun nước vì nghe có hai thiếu nữ hẹn nhau trên facebook đánh nhau tại đây. Có cả hàng trăm, hàng nghìn người hiếu kì đổ về xem đánh nhau. Nhìn từ trên cao, cảm giác đây không còn là phố đi bộ mọi người dạo chơi mỗi buổi tối, một cảnh tượng hỗn loạn khi dòng người nháo nhào chạy ùa theo tiếng la ó.

Một số khác đang dạo phố chưa biết chuyện gì xảy ra, bị đám đông chạy qua xô đẩy loạng choạng chân té ngã. Tối nay không phải là cuối tuần, tự nhiên phố đi bộ cấm xe, công an đứng đông hai đầu đường. Nhiều người chưa hiểu chuyện gì cũng dừng xe lại ngó tí khiến hai đầu phố kẹt cứng.

Theo chân cảnh sát 113 - 1

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, trong năm 2015, tổng đài 113 tiếp nhận hơn 20 nghìn tin báo đủ các loại thông tin, trong đó gần một nửa là tin về an ninh trật tự. Đơn vị đã huy động hơn 11 nghìn lượt Cảnh sát 113 xuống hiện trường ngay khi tiếp nhận tin báo.

Nắm được tình hình, quyết chặn ngay nhóm của hai cô gái này và sẽ làm tan rã các nhóm đông “ăn theo” khác, Cảnh sát 113 phối hợp với cảnh sát bảo vệ khu vực phố đi bộ, cảnh sát cơ động, công an vào cuộc. Tiếp cận vào đám đông, cảnh sát nhanh chóng “đưa” những người “nhiệt tình”, chủ chốt trong nhóm ra ngoài. Vậy là lần lượt 15 cá nhân “nhiệt tình” nhất của hai nhóm được đưa ra khỏi phố, mời lên phường sau gần một tiếng “khẩu chiến”. Không còn hai nhân vật chính trên phố, vậy là đám đông giải tán. Phố đi bộ trở lại bình yên vốn có của nó, là nơi để người dân dạo chơi giữa một thành phố ồn ào.

Thế nhưng, mọi việc chưa kết thúc. Tại công an phường Bến Nghé, nhóm bạn của hai cô gái đến gây áp lực. Cảnh sát 113 ở lại bảo vệ nơi này đề phòng họ kích động làm bậy. Nhiều mũi khác được chia ra, bảo vệ hiện trường phố đi bộ, phân luồng giao thông, ổn định tình hình.

Một ngày làm việc tưởng chừng như đã kết thúc, bộ đàm trên tay Trung tá Nguyễn Phi Long (cán bộ đội 1) vang lên, quận 8 có “ngáo đá” ôm bình gas cố thủ trong nhà, các anh xuống hỗ trợ. Tổ của anh Long xuống ngay xuống hiện trường. Khi đến nơi, người dân vây xung quanh căn nhà đối tượng “ngáo đá” cố thủ rất đông. Đối tượng vừa đánh người thân, đuổi ra khỏi nhà, khóa cửa, leo lên gác ôm bình gas cố thủ. Cảnh sát 113 giải tán đám đông, đưa người dân tránh xa căn nhà, gọi lực lượng cứu hỏa đến hiện trường đề phòng gã “ngáo đá” kích động làm nổ bình gas. Công an địa phương cũng đã đến. Khu vực căn nhà được phong tỏa, Cảnh sát 113 bắt đầu thuyết phục. Mọi điều kiện đưa ra đều bị gã này từ chối, vẫn khăng khăng giữ yêu cầu công an phải rời khỏi nhà. Mãi hơn một tiếng đồng hồ không có kết quả.

Trung tá Long bắc thang trèo vào nhà, gã “ngáo đá” tiếp tục ném đá xuống. Đợi đến khi đối tượng này không còn đá để ném nữa, anh mới trèo lên gác tiếp tục thuyết phục. Khi đối tượng mất tập trung, anh nhanh chóng lao vào tước con dao cùng bình gas, không chế bắt giữ. Chiếc xe đặc chủng được điều động đến đưa người về công an phường trong tiếng vỗ tay của người dân.

“Những trường hợp trấn áp đối tượng cố thủ có hung khí là khó khăn hơn cả, phải biết trước đối tượng mang trong người những hung khí gì để có phương án tiếp cận. Nhiều trường hợp đối tượng có súng, hàng nóng thì ngoài những đòn tâm lý, anh em phải nhờ đến công cụ hỗ trợ mới tiếp cận khống chế được”, Trung tá Long nói.


Cảnh sát 113 túc trực tổng đài 24/24h để tiếp nhận tin báo từ người dân. Ảnh: Việt Văn.

Cảnh sát 113 túc trực tổng đài 24/24h để tiếp nhận tin báo từ người dân. Ảnh: Việt Văn.

Đến tổng đài 113

Đó là hai trong số hàng trăm vụ việc tổng đài 113 tiếp nhận mỗi ngày từ người dân. Người dân thành phố gọi báo về đủ thứ chuyện trên đời từ đâm chém, đánh nhau, trộm cướp, tai nạn giao thông, cháy nổ…đến những chuyện vợ chồng cãi nhau gây mất trật tự, hàng xóm chửi lộn, hỏi đường đi… Hoạt động 24/24 nhận tin tình hình an ninh trật tự, người dân cần giúp đỡ nhưng cũng không ít tin báo chọc phá, trêu đùa.

Căn phòng tổng đài 113 (Trung tâm chỉ huy thông tin của Cảnh sát 113, Công an TPHCM) không rộng lắm nhưng bên trong là hàng chục loại thiết bị điện tử, viễn thông hiện đại từ bộ đàm, điện thoại, máy tính,…được trang bị và hoạt động liên tục. Ở đây có hơn chục cán bộ  gắn bó lâu năm, phụ trách thay phiên nhau trực cả ngày lẫn đêm, tiếp nhận xử lý tất cả các cuộc gọi báo từ người dân thành phố. Tổng đài 113 trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi khi người dân cần công an xuống giải quyết. “Vào đây, toàn những chuyện buồn chứ không có gì vui đâu. Hàng ngày nhận những tin gọi báo có vụ chém giết nhau ở chỗ này, chỗ kia. Có ẩu đả đánh nhau của mấy anh thanh niên, của mấy ông nhậu say, hay những vụ tai nạn thương tâm, cháy nổ, đến cả những chuyện hàng xóm chửi nhau,….”, Trung tá Nguyễn Hoàng Phi chia sẻ.


Cảnh sát 113 khống chế thành công đối tượng “ngáo đá” ôm bình gas cố thủ trong nhà. Người dân theo dõi rất đông. Ảnh: Việt Văn.

Cảnh sát 113 khống chế thành công đối tượng “ngáo đá” ôm bình gas cố thủ trong nhà. Người dân theo dõi rất đông. Ảnh: Việt Văn.

Nói về điều này, nhiều cán bộ trực tại tổng đài lắc đầu ngao ngán. Nhiều lắm, không nhớ hết, chuyện gì cũng có. Từ việc những người rảnh rỗi ngồi bấm 113 gọi nói chuyện chơi, hỏi thăm hay những người nhậu say gọi báo tin giả, chọc phá,…thậm chí hù dọa con trẻ hết khóc để ăn cơm cũng gọi.

Giờ cao điểm là từ xế chiều đến tối khuya, tổng đài liên tục nhận tin báo từ khắp 24 quận huyện của thành phố. Màn hình máy tính nhấp nháy liên tục, chuông điện thoại reo không ngớt. Họ nói vui đây là giờ của “bợm nhậu” vì tin tức báo về nhiều, tin thật cũng nhiều mà tin giả, chọc phá cũng không ít.

Ngồi trong phòng trực một buổi tối cuối năm, đợi trò chuyện với Trung tá Nguyễn Hoàng Phi, người hơn 10 năm trực tổng đài 113. Anh nhăn nhó: “Bận quá! Em có thể ngồi chờ tí rồi mình nói chuyện”. “Giờ này điện thoại tổng đài reo liên tục, phải giải quyết hết để nói chuyện cho suôn sẻ”, anh Phi phân trần. Chưa dứt lời, màn hình máy tính nhấp nháy, chuông điện thoại reo. Anh bắt máy: “Alo! 113 xin nghe”. Đầu dây bên kia là một giọng nam say xỉn nhựa nhựa nói: “Cảnh sát 113 phải không? Đến đường Trần Hưng Đạo nhanh. Tôi bị côn đồ đánh. Nhanh lên không là có án mạng!”.

Chưa kịp hỏi chính xác địa chỉ thì đầu dây bên kia tắt máy cái rụp. Anh dò vào màn hình mới biết vị trí số điện thoại vừa báo. Xác định xong, anh chuyển thông tin cho chỉ huy ca trực điều lực lượng xuống hiện trường. Một lát sau, giọng nói từ bộ đàm cho biết đã xuống vị trí cung cấp nhưng không có vụ việc nào xảy ra như tin đã báo. Chỉ có một nhóm thanh niên ngồi nhậu trong quán cười đùa.


Cảnh sát 113 trấn áp băng nhóm sử dụng vũ khí, hàng nóng trong một vụ gây rối trật tự công cộng. Ảnh: Việt Văn.

Cảnh sát 113 trấn áp băng nhóm sử dụng vũ khí, hàng nóng trong một vụ gây rối trật tự công cộng. Ảnh: Việt Văn.

Hơn mười phút sau, chuông điện thoại tiếp tục reo: “Có phải 113 không? Rảnh cho người qua Nguyễn Thị Thập, quận 7 rước. Tôi say quá! Sau đó là một loạt tiếng cười sặc sụa”. Anh Phi quay sang nói, giờ này là giờ cao điểm của mấy anh “bợm nhậu”, nhậu say vào là không biết làm gì, bắt máy lên chọc phá.

Những trường hợp gọi 113 để dọa con, anh cho biết khung giờ hay nhận những tin loại này là buổi trưa. “Có phải Cảnh sát 113 không? Con tôi nó không chịu ăn cơm! Con nghe chưa! Cảnh sát 113 đó. Ăn cơm đi. Mẹ gọi mấy chú công an  rồi đó”, anh Phi  nhớ lại. Hơn 10 năm trực tổng đài 113, anh không nhớ hết bao nhiêu là chuyện dở khóc, dở cười, những phiền phức bị trêu đùa, chửi bới. “Nhiều khi căng thẳng lắm vì phải xử lý thông tin, mà gặp mấy trường hợp này là điên lên nhưng cũng phải kìm xuống giải thích cho họ đừng gọi trêu đùa, nếu không có việc gì khẩn cấp”, anh Phi nói.

Nói về những trường hợp báo tin giả, Thượng tá Lương Văn Đùa, Phó trưởng phòng Cảnh sát phản ứng nhanh 113 từng cảnh báo, những trường hợp chọc phá, báo giả nhiều lần, đơn vị đã lưu số điện thoại, đưa vào diện quản lý, nếu những lần sau vẫn chọc phá tiếp thì cuộc gọi sẽ không được tiếp nhận nữa. Nếu được nhắc nhở nhiều lần mà vẫn tái phạm, công an sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm