Thấy mẹ nhặt ve chai trên phố Hà Nội, chàng trai bí mật tới khoe giấy khen
(Dân trí) - Đang hì hục nhặt chai nhựa trong túi rác, bà Vân vội dừng việc, tháo găng tay, nâng niu và ngắm nghía tấm bằng khen "sinh viên giỏi" của con trai.
Tấm giấy khen tặng mẹ
Kết thúc buổi trao tặng giấy khen cho sinh viên xuất sắc và giỏi năm học 2022-2023 chiều 29/12/2023, Phạm Thành Trung (20 tuổi) không vội về phòng trọ, mà vòng qua những đoạn đường ở Hà Nội mẹ thường đạp xe nhặt ve chai.
Thấy bóng dáng quen thuộc, đôi vai gầy cùng chiếc xe chở hàng đã hoen gỉ dừng bên túi rác trên phố Giảng Võ, chàng trai nhận ngay ra mẹ.
Cậu tiến lại gần từ phía sau, lấy từ trong balo giấy khen được đóng khung do nhà trường trao tặng, tạo bất ngờ cho mẹ.
Bà Phạm Thị Thanh Vân (50 tuổi) đang hì hục nhặt chai nhựa trong túi rác, vội dừng việc, tháo găng tay, nâng niu và ngắm nghía món quà bất ngờ của con trai.
"Trên đoạn đường xe cộ đang di chuyển tấp nập, em chỉ tập trung vào đôi mắt của mẹ. Trong ánh mắt luôn chất chứa bao nỗi vất cả cực nhọc ấy, lúc này lại ánh lên sự hạnh phúc và tự hào", chàng sinh viên nói.
"Mẹ thấy con trai được không?" - nghe con hỏi, bà Vân gật đầu, mỉm cười mãn nguyện.
Hai mẹ con tranh thủ chụp vài bức ảnh kỷ niệm, trước khi bà Vân tiếp tục công việc kéo dài đến 2h sáng, còn Trung phụ chở một số đồ ve chai nặng về căn phòng trọ tập thể trên phố Thái Hà (quận Đống Đa).
Thành Trung, sinh viên năm 2 Khoa Quản lý xã hội, ngành Du lịch, Học viện Hành chính Quốc gia (Hà Nội), nói sẽ chẳng có tấm giấy khen này nếu không có sự tần tảo và hi sinh của ông Phạm Văn Giáp (52 tuổi) và bà Vân.
Chàng trai biết ơn bố mẹ đã cố gắng kiếm từng đồng tiền bằng việc nhặt vỏ chai, thùng xốp mỗi ngày để ba anh em được đến trường.
Cách đây không lâu, nhà trường thông báo mở đơn đăng ký xét duyệt danh hiệu sinh viên giỏi và xuất sắc. Trung kiểm tra thành tích học tập, mạnh dạn làm hồ sơ và gửi đi.
Đến buổi lễ, chàng trai không quá kỳ vọng. Khi thấy tên mình trong danh sách "đạt danh hiệu sinh viên giỏi", cậu vừa bất ngờ vừa vui sướng. Thành quả bước đầu đã đền đáp công sức học tập của bản thân và sự kỳ vọng của bố mẹ.
"Bố mẹ xứng đáng nhận tấm bằng khen này hơn ai hết", cậu nói.
Chia sẻ câu chuyện gia đình lên trang cá nhân như bao lần khác, Trung bất ngờ khi hình ảnh của mẹ được mọi người đón nhận và lan tỏa mạnh mẽ. Bài viết thu hút hơn 1.300 lượt yêu thích và hàng trăm bình luận.
"Không ai có quyền được chọn hoàn cảnh mình sinh ra nhưng có quyền chọn cách sống. Em là người con tuyệt vời, nỗ lực vượt qua khó khăn và tự hào đứng bằng đôi chân của mình, không ai nâng đỡ.
Chúc mừng bố mẹ em có một người con ngoan, chúc mừng nhà trường có một trò giỏi, chúc mừng em có một thành tích tốt! Cố gắng lên nhé!", tài khoản Nguyễn Mạnh Cường khích lệ.
"Tôi thích cách mà em thể hiện vì không phải ai cũng dám đưa những hình ảnh như thế này lên mạng xã hội và tự hào khoe với cả thế giới rằng "tôi là con trai của mẹ". Chúc em có thêm nhiều bước tiến hơn nữa trong học tập và cuộc sống", tài khoản Hữu Phước động viên.
"Rác có thể bẩn, nhưng đồng tiền kiếm được là đồng tiền sạch"
Hơn 15 năm trước, ông Giáp và bà Vân từ quê nhà ở huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) lên Hà Nội nhặt ve chai mưu sinh. Đôi vợ chồng bám từng vỉa hè, từng túi rác, mong kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng giấc mơ đến trường của ba cậu con trai.
"Nghèo về vật chất, nhưng đừng nghèo về tình cảm. Chúng tôi chịu vất vả, nhưng con cái ngoan ngoãn và học giỏi, chính là động lực để chúng tôi cố gắng", bà Vân nói.
Từ bé, Trung đam mê làm diễn viên, đặt mục tiêu thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Năm lớp 12, chàng trai nhận ra bản thân không còn phù hợp với ước mơ ngày bé, chuyển hướng sang ngành du lịch. Cậu quyết định thi khối C, nộp hồ sơ vào Học viện Hành chính Quốc gia.
Ngày Trung nhận kết quả đỗ đại học, gia đình và họ hàng phấn khởi chúc mừng, khiến vợ chồng ông Giáp tự hào và hạnh phúc.
"Đó là niềm vui rất lớn của cả em, bố mẹ và gia đình", cậu nói.
Tân sinh viên từ Nam Định chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng bố mẹ và anh trai trong phòng trọ tập thể - nơi tập hợp những người lao động nghèo từ các vùng quê. Em út học lớp 6 được gửi lại nhà bác ở Nam Định.
Sau này, anh trai đến năm cuối đại học và đi thực tập, đã chuyển ra phòng trọ khác gần trường. Phòng trọ nhỏ được ngăn đôi bằng tấm gỗ, chỉ đủ nằm ngủ và ngồi ăn cơm, vẫn được Trung dành riêng một góc học tập.
Mỗi ngày, ông Giáp và bà Vân đi làm từ sớm, đến 1h30-2h sáng hôm sau mới trở về. Ngoài đi học, Trung tranh thủ thời gian làm thêm, tối phụ mẹ chở ve chai cồng kềnh.
Hôm 17/12 năm ngoái, chàng trai bí mật mua bánh kem nhỏ, dự định tổ chức sinh nhật cho bà Vân. Lúc bà về đến phòng trọ, đồng hồ đã điểm 2h ngày 18/12. Dù đã qua ngày mới, hai mẹ con cùng thắp nến và nguyện ước về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
20 năm qua, Trung chưa từng được tổ chức sinh nhật, nhưng cậu thấy "không vấn đề gì". Bố mẹ cũng vậy, ngày sinh nhật của cả gia đình cứ thế trôi qua như bao ngày bình thường khác.
Từ ngày lên Hà Nội và bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ làm thêm, chàng trai phấn đấu tổ chức sinh nhật cho bố mẹ và tặng họ những món quà dù giá trị nhỏ.
"Mẹ rất vui, nhưng dặn lần sau chỉ cần nhớ ngày sinh nhật và chúc mẹ là được, không cần mua bánh kem", cậu nói.
Là người sống tình cảm, Trung thường xuyên tâm sự với bố mẹ. Cậu còn lập một trang blog cá nhân, nơi chia sẻ những câu chuyện của bản thân và gia đình, đôi khi chỉ là những mẩu chuyện nhỏ trong cuộc sống vội vã hàng ngày.
Nhiều lần, thương bố mẹ nhặt ve chai vất vả, cậu gợi ý chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn, nhưng vợ chồng bà Vân không muốn.
"Em nghĩ công việc này đã gắn bó với bố mẹ gần 20 năm, là một phần cuộc sống nên bố mẹ không muốn thay đổi. Công việc vất vả nhưng cũng là niềm vui trong cuộc sống của bố mẹ", cậu cho hay.
Chàng trai chưa từng xấu hổ hay tự ti về nghề nhặt ve chai của bố mẹ, bởi "nếu tự ti, đã không có em của ngày hôm nay". Ngược lại, cậu thực sự tự hào, thường kể những câu chuyện của bố mẹ với nhiều người bạn.
Trung phấn đấu trở thành một người sống đàng hoàng và tử tế như mong muốn của bố mẹ. Cậu cũng hướng tới hoàn thiện bản thân, mong sau này có công việc ổn định, để ông Giáp và bà Vân không phải đi nhặt ve chai sớm hôm.
Nhớ lại khoảnh khắc cầm trên tay giấy khen của con trai, bà Vân vẫn chưa hết xúc động. Với bà, thành công của con cái chính là sự đền đáp xứng đáng nhất cho những năm tháng mưu sinh mệt mỏi.
Còn với Trung, chàng trai trân quý từng giọt mồ hôi, công sức của bố mẹ. Họ từng dạy anh "rác có thể bẩn, nhưng đồng tiền kiếm được là đồng tiền sạch" - những đồng tiền đã nuôi dưỡng ba anh em nên người.