Thành lập HTX dịch vụ hậu cần nghề cá đầu tiên tại Đà Nẵng

(Dân trí) - Sáng 25/6, tại UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã diễn ra hội nghị thành lập HTX dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ Đà Nẵng. Đây là HTX dịch vụ hậu cần nghề cá đầu tiên tại Đà Nẵng.

HTX dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ Đà Nẵng là tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các thành viên có nhu cầu lợi ích chung tự nguyện góp vốn, góp sức lao động, nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ gia đình của thành viên trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản và mở mang một số ngành nghề khác nhằm không ngừng cải thiện đời sống ngày càng cao cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh – xã hội của địa phương.

Ra mắt HTX dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ Đà Nẵng

Ra mắt HTX dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ Đà Nẵng

Ngành nghề sản xuất, kinh doanh là thu mua, chế biến, bảo quản kinh doanh thủy, hải sản và các sản phẩm từ thủy, hải sản tại TP Đà Nẵng. Mua bán xăng dầu và các loại sản phẩm có liên quan.

Buôn bán lương thực thực phẩm, các nhu yếu phẩm phục vụ tàu khai thác, đánh bắt xa bờ và các sản phẩm thủy sản sau đánh bắt; dịch vụ kho đông lạnh, đóng mới và sữa chữa tàu các loại; tư vấn, thiết kế, xây dựng, nạo vét các công trình cảng biển, xử lý ô nhiễm môi trường, sự cố tràn dầu trên biển; dịch vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.

HTX sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua thủy, hải sản trực tiếp trên biển với tất cả các chủng loại mà ngư dân đánh bắt theo chuyến.

Được biết, vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000 km2, có các động vật biển phong phú trên 266 giống loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao gồm 16 loài. Tổng trữ lượng hải sản các loại là 1.136.000 tấn. Hàng năm có khả năng khai thác 150.000 – 200.000 tấn.

Hiện nay hoạt động đánh bắt thủy sản thường được ngư dân thực hiện ngắn ngày do lượng nguyên liệu, lương thực dự trữ không đáp ứng đủ cho việc đánh bắt dài ngày trên biển. Vì thế năng suất đánh bắt không cao, trong khi nhu cầu về hải sản của người dân càng lớn. Bên cạnh đó, việc các chủ đầu nậu ép giá trong việc thu mua sản phẩm cũng khiến cho ngư dân có thu nhập không cao so với công sức lao động. Từ thực tế đó, cho thấy việc tham gia của hợp tác xác vào thị trường là rất cần thiết.

Khánh Hồng