Gia Lai

Tết của bà con đồng bào Tày, Nùng trên Cao Nguyên

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, những bà con đồng bào Tày, Nùng đã di cư vào làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) để lập nghiệp. Tuy xa quê từ lâu nhưng bà con đồng bào phía Bắc vẫn luôn giữ gìn phong vị tết cổ truyền và những nét văn hóa trong dịp năm mới.

Giữ gìn phong vị tết cổ truyền

Cứ mỗi dịp xuân về, những hộ dân người đồng bào Tày, Nùng ở làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng) vùng Đông Trường Sơn lại nô nức đi hái lá dong, ủ rượu, làm các loại bánh cổ truyền, lấy cây nêu về dựng trước nhà để đón chào một năm mới.

Gần 30 năm sinh sống và lập nghiệp ở làng Kdâu, bà Triệu Thị Phong (72 tuổi) dân tộc Nùng cho biết: “Tôi vào Kbang lập nghiệp từ năm 1991. Tính đến giờ cũng đã mấy chục năm. Tuy xa quê đã lâu, nhưng chúng tôi vẫn gìn gìn phong vị tết cổ truyền theo phong tục người Nùng ở phía Bắc.

Năm nào cũng vậy, khoảng sau 20 tết thì dọn nhà, 25 tết lại đi hái lá dong, đụng heo để chuẩn bị gói bánh chưng. Chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh Khảu Sli, một loại bánh không thể thiếu trong dịp tết của người dân tộc chúng tôi. Đến đêm 30 thì chuẩn bị đồ cúng, đi lấy cây nêu về dựng trước nhà. Đối với chúng tôi, lấy cây nêu dựng trước nhà chính là báo hiệu một mùa xuân mới lại về”.

Tết của bà con đồng bào Tày, Nùng trên Cao Nguyên - 1
Những ngày tết, người dân làng Kdâu lại ngồi lại với nhau làm những món bánh cổ truyền để thưởng thức

Cũng là một người xa quê nhiều năm, gia đình anh Đổng Văn Tung (55 tuổi, cùng trú làng Kdâu), dân tộc Nùng cho biết: “Ngày tết xa quê, dân làng lại đến chúc tết lẫn nhau, mời nhau chén rượu xuân. Đối với chúng tôi, tết cổ truyền là một lễ tết rất quan trọng, những ngày này là những ngày chúng tôi thể hiện sự hiếu kính với ông bà, tổ tiên mình”.

“Người Nùng có phong tục vào ngày mùng 2 tết, con gái đi lấy chồng thì phải về chúc tết bên ngoại, có nghĩa đến cảm ơn đối với người đã sinh thành và nuôi nấng mình. Đặc biệt, khi về chúc tết ông bà ngoại cũng phải chuẩn bị chuẩn bị gà, bánh chưng, bánh khảo, bánh khảu sli... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.

Gia đình sẽ cùng nhau ăn cơm, ông bà mừng tuổi cho các cháu. Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia. Dù đã sinh sống lập nghiệp ở Kbang nhiều năm qua, nhưng bây giờ chúng tôi vẫn giữ những phong tục như ngoài miền Bắc”, ông Tung cho biết thêm.

Hòa chung văn hóa vui xuân giữa các đồng bào

Ngoài những lễ nghi, hương vị tết cổ truyền luôn được gìn giữ nhiều năm qua thì những nét văn hóa, văn nghệ như đàn tính, hát then, các trò chơi mang đậm bản sắc người đồng bào phía Bắc cũng được các hộ dân nơi đây lưu giữ và giao lưu với các đồng bào khác qua lễ hội vui xuân.

Người dân nơi đây cho biết, trong đêm giao thừa thanh niên trong làng sẽ rủ nhau thành một nhóm đi gõ cửa chúc gia chủ một năm mới phát tài. Các ông, bà lớn tuổi không đi được thì sẽ ở nhà đánh đàn, hát then với nhau. Tiếng đàn vang trong đêm giao thừa chính là để gợi nhớ về quê hương. Đây cũng là một nét văn hóa nghệ thuật vô cùng đặc sắc của người đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc.

Tết của bà con đồng bào Tày, Nùng trên Cao Nguyên - 2
Đàn tính, hát then là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về

Vốn có tài đánh đàn hay nhất nhì làng Kdâu, Bà Tô Thị Kiệm (72 tuổi) cho biết: “Nhiều năm sinh sống và lập nghiệp nơi đây, cứ vào dịp lễ hội, xuân về, những người xa quê như chúng tôi lại ngồi bên nhau, đàn tính, hát then để cảm nhận được không khí quê nhà. Nhiều người còn làm thơ tặng nhau bằng tiếng Nùng. Lời ca tiếng nhạc hòa chung vào không khí xuân về giúp chúng tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương khi không về đoàn tụ được với gia đình.”.

Chị Cam Thị Ngọc, trưởng thôn làng Kdâu cho biết: “Làng Kdâu hiện có 61 hộ, 241 khẩu, người dân tộc Tày, Nùng chiếm 99%. Nhiều năm qua, dù xa quê lập nghiệp nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ những bản sắc đặc trưng của người dân tộc phía Bắc vùng Đông Bắc. Ngày xuân, để thắt chặt tình làng, nghĩa xóm các hộ dân nơi đây đều nhiệt tình tham gia các lễ hội vui xuân. Nhờ vậy mà đời sống tinh thần của người làng Kdâu ngày càng khởi sắc hơn.”.

Tết của bà con đồng bào Tày, Nùng trên Cao Nguyên - 3
Bánh Khảu Sli một loại bánh không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về của người Tày Nùng

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là những thứ không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của người dân trên mọi miền tổ quốc. Những cơn gió của mùa xuân đang len lỏi khắp các ngôi nhà của người dân vùng Đông Trường Sơn. Đặc biệt hơn là đối với những hộ dân người đồng bào DTTS ở phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Dọc quanh con đường vào các thôn, làng có người DTTS phía Bắc sống, người ta cảm nhận đã cảm nhận được không khí tết của vùng cao phía Bắc báo hiệu một năm mới lại về …

Phạm Hoàng