Hội An:

Tất bật mưu sinh với “nghề thời vụ” cuối năm

(Dân trí) - Để niềm vui đoàn viên, sum họp trong ngày Tết thêm trọn vẹn, nhiều người từ giáp Tết đã tất bật mưu sinh với “nghề thời vụ” cuối năm.

Với giá 5 ngàn đồng/ một lon cát, đây là kế sinh nhai của nhiều người vào những ngày cuối năm. Cát có màu trắng và sạch, không pha tạp chất nên rất dễ thu hút người mua. Thường thì cát lư hương được lấy từ các huyện của Quảng Nam như Thăng Bình, Duy Xuyên… vì cát ở đây trắng, sạch đẹp.

Với giá 5 ngàn đồng/một lon cát, đây là kế sinh nhai của nhiều người vào những ngày cuối năm
Với giá 5 ngàn đồng/một lon cát, đây là kế sinh nhai của nhiều người vào những ngày cuối năm

Chị Lê Thị Thúy (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Cát trắng được lấy trên đồi nên rất sạch. Sau khi lấy về phải qua các công đoạn sàng, loại bỏ rác, phơi khô rồi thuê xe bò kéo ra Hội An bán. Trừ chi phí hết ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn”.

Cát có màu trắng và sạch, không pha tạp chất nên rất dễ thu hút người mua
Cát có màu trắng và sạch, không pha tạp chất nên rất dễ thu hút người mua

Việc mua cát lư hương diễn ra rất nhanh chóng vì cát được định giá sẵn. Bán theo lon hoặc theo bao đã được định lượng, bao nhỏ có giá 10 ngàn/bao, bao lớn thì 20 ngàn/bao.

Cô Trần Thị Hồng (nhà ở Hội An) chia sẻ: “Bình thường tôi đi làm thuê, nhưng đến gần Tết thì chuyển sang bán cát lư hương. Mặt hàng này bán rất chạy, vì cuối năm ai cũng có nhu cầu trang trí bàn thờ tổ tiên. Nghề này trở thành kế sinh nhai của nhiều người trong dịp Tết”.

Đánh bóng lư đồng cũng là nghề có thu nhập cao và đắt khách nhất dịp Tết
Đánh bóng lư đồng cũng là nghề có thu nhập cao và đắt khách nhất dịp Tết

Đánh bóng lư đồng cũng là nghề có thu nhập cao và đắt khách nhất dịp Tết. Những ngày cuối năm, ai cũng muốn làm mới và trang trí bàn thờ ông bà, tổ tiên nên đánh bóng lư đồng là việc làm không thể thiếu.

Nghề này độc hại hơn so với nghề khác, vì người thợ phải tiếp xúc với máy mài lư đồng cả ngày. Không cẩn thận thì bụi đồng mài bay vào mắt rất nguy hiểm. Vì vậy lúc nào người thợ cũng phải đeo khẩu trang, bao tay và kiếng để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Đánh lư đồng cũng như một số nghề liên quan đến tâm linh, người đánh phải giữ tâm trong sáng
Đánh lư đồng cũng như một số nghề liên quan đến tâm linh, người đánh phải giữ tâm trong sáng

Hơn 10 năm rồi, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cụ Lê Văn An lại mang máy mài ra ngồi đợi khách. Ông An bộc bạch: “Ngày thường thì tôi làm nghề cơ khí, đến Tết lại mang máy mài ra ngồi vỉa hè này để đánh lư đồng kiếm thêm tiền tiêu Tết. Ngày thường thì không ai mài lư, nhưng đến Tết thì họ đặt hàng nhiều lắm. Nhiều lúc tôi phải tranh thủ làm cả buổi tối để kịp giao cho khách”.

Dịp cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên nghề chở hàng thuê cũng đắt khách
Dịp cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên nghề chở hàng thuê cũng đắt khách

Dụng cụ đánh lư đồng gồm một mô-tơ điện, chất tẩy rửa (chanh, giấm, nước) và phốt-bàn chải. Những người đánh lư đồng thường làm nghề từ khoảng 7-10 ngày/năm, bắt đầu từ đầu tháng Chạp. Tiền công đánh lư đồng bộ lớn khoảng 350 ngàn đồng, bộ trung 250 ngàn đồng, bộ nhỏ từ 80-100 ngàn đồng.

Chờ khách mua hoa rồi chở thuê
Chờ khách mua hoa rồi chở thuê

Ông Trần Sự (Hội An) chia sẻ: “Đánh lư đồng khó nhất là đánh đỉnh lư (nồi) vì có nhiều góc cạnh. Nếu để mô-tơ chạy ngược chiều thuận của lư rất dễ bị quật trái tay vừa gây nguy hiểm cho người đánh, vừa ảnh hưởng đến độ bóng và nguyên vẹn của lư đồng. Đánh lư đồng cũng như một số nghề liên quan đến tâm linh, người đánh phải giữ tâm trong sáng. Nước, thau, xô, vải… đều phải sạch. So với những công việc phổ thông khác, đánh lư đồng có thu nhập tốt hơn”.

Mỗi chuyến vận chuyển sẽ có giá thuê khác nhau, còn tùy vào quãng đường và độ lớn, vướng víu của cây cảnh
Mỗi chuyến vận chuyển sẽ có giá thuê khác nhau, còn tùy vào quãng đường và độ lớn, vướng víu của cây cảnh

Dịp cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên nghề chở hàng thuê cũng đắt khách. Những người làm nghề này vốn đã vất vả quanh năm, cận Tết lại càng tất bật hơn. Họ làm việc cật lực chạy đua với Tết, mỗi ngày cũng kiếm gần một triệu đồng.

Chở xuân về với mọi nhà. Đối với người lao động nghèo, Tết chỉ về khi có thu nhập kha khá từ những nỗ lực trong lao động
Chở xuân về với mọi nhà. Đối với người lao động nghèo, Tết chỉ về khi có thu nhập kha khá từ những nỗ lực trong lao động

Chợ hoa Hội An những ngày này tấp nập kẻ bán, người mua. Tại đây bán đầy đủ các loại mai, quất tết, mãn đình hồng… phục vụ nhu cầu Tết người dân. Vì thế, đây cũng là nơi tập trung đông đúc của những người làm nghề chở hàng thuê vì nhu cầu vận chuyển tăng cao.

Khách thuê chở mai, quất, cây cảnh chủ yếu là những người ở xa, hoặc cây lớn nên không vận chuyển được bằng xe máy. Theo đó, mỗi chuyến vận chuyển sẽ có giá thuê khác nhau, còn tùy vào quãng đường và độ lớn, vướng víu của cây cảnh. Có chuyến vận chuyển chỉ 50 ngàn đồng, nhưng có chuyến lên đến hơn 300 ngàn đồng.

Làm thợ mỗi ngày thu nhập khoảng 200-250 ngàn đồng nhưng bữa có bữa không; đến Tết chở hàng thuê có ngày cũng kiếm được cả triệu đồng
Làm thợ mỗi ngày thu nhập khoảng 200-250 ngàn đồng nhưng bữa có bữa không; đến Tết chở hàng thuê có ngày cũng kiếm được cả triệu đồng

Ngồi chờ khách thuê, tranh thủ hút điếu thuốc lá cho ấm, ông Nguyễn Văn Năm (Hội An) cho biết: “Trong năm tôi làm thợ nề, từ vài năm nay cứ hễ đến Tết tôi lại kéo xe bò ra đây để làm nghề chở thuê. Năm trước cũng kiếm đủ cái Tết cho cả gia đình. Làm thợ mỗi ngày thu nhập khoảng 200-250 ngàn đồng nhưng bữa có bữa không, nhưng chở hàng thuê có ngày cũng kiếm được gần triệu đồng, nếu khách đông thì có khi cũng gần 1,5 triệu”.

Không khí Tết đang len lỏi khắp các con đường, ngõ phố và ngay cả trên khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ. Thế nhưng, những người dân nghèo vẫn còn lầm lũi mưu sinh cho dù cái Tết nguyên đán đang cận kề. Đối với họ, Tết chỉ về khi có thu nhập kha khá từ những nỗ lực trong lao động.

N.Linh-C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm