Quảng Trị:

Tấp nập phiên chợ quê ngày 28 Tết

(Dân trí) - Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân đành gác lại công việc đồng áng, hối hả mang những sản vật, cây trái, rau củ, quả…đưa về chợ phiên Cam Lộ để trao đổi, và mua sắm những thứ cần thiết cho những ngày Tết.

Chợ quê những ngày này cũng trở nên tấp nập hơn ngày thường. Ai cũng nô nức chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho những ngày Tết cổ truyền được đầy đủ, ấm cúng.

Phiên chợ ngày cuối năm

Vào ngày 28 Tết, không khí đã tràn ngập chợ phiên Cam Lộ. Đây là chợ trung tâm của cả một vùng nên sản vật khắp trên rừng, dưới bể đổ về theo bước chân khách thương hồ.

Phiên chợ quê ngày 28 Tết trở nên khá tấp nập
Phiên chợ quê ngày 28 Tết trở nên khá tấp nập

Theo bà Lê Thị Lý (72 tuổi) người làng Cam Lộ, chợ sầm uất nhất vào những ngày cuối năm. Khi đó cháu con xa xứ tìm về cố hương, muốn ra chợ quê để tìm lại những ký ức thân thuộc ngày nào. Những người bán buôn ở các vùng khác cũng đưa hàng hóa đến chợ với hy vọng mua may bán đắt. "Tui đã bán hàng ở đây gần trọn đời. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là chợ lại nhộn nhịp. Ai cũng muốn đến chợ Phiên. Đã đến đây là không bao giờ bị thiệt" - bà Lý nói.

Những hoa, trái, sản vật tự tay bà con làm ra được đưa đến chợ để trao đổi
Những hoa, trái, sản vật tự tay bà con làm ra được đưa đến chợ để trao đổi
Những hoa, trái, sản vật tự tay bà con làm ra được đưa đến chợ để trao đổi
Trước đây chợ họp theo phiên, nhưng hiện nay được nhóm họp thường xuyên và trở nên nhộn nhịp, đông đúc không kém gì các chợ trung tâm

Người dân Cam Lộ vốn “một nắng, hai sương”, sản vật quê hương nức tiếng vẫn là các gia vị như tiêu, gừng, nghệ…cũng như các loại đặc sản như gà, cau,…Những mặt hàng này tại chợ Phiên cuối năm vẫn được khách thương từ xa đến hỏi thăm, người thì mua về bán lại, người mua dùng dần, làm quà biếu. “Một năm được 3 ngày Tết, người bán thì để dành hàng tốt bán cuối năm, người mua hàng thì thoải mái chi tiêu sau những tháng ngày chắt bóp, ai cũng thỏa cái sở nguyện”- bà Lê Thị Năm (75 tuổi, làng Cam Lộ, xã Cam Thành), bộc bạch.

Cau là món hàng đặc trưng tại chợ Phiên cũng như các chợ miền quê
Cau là món hàng đặc trưng tại chợ Phiên cũng như các chợ miền quê

Nhắc đến chợ phiên phải nhắc đến một món hàng đặc biệt, đó là cau. Những mẻ cau khô khon, đượm mùi nắng được các mệ chắt chiu trong một năm ròng đưa bán trong ngày giáp Tết. Cau ở Cam Lộ nức tiếng thơm ngon. Đất Cam Lộ bờ xôi ruộng mật, nước Hiếu giang ngọt lành đã khiến cho miếng cau, lá trầu nơi đây có vị rất riêng, say nồng. Bà Võ Thị Táo (72 tuổi, làng Cam Lộ, thị trấn Cam Lộ) trải lòng: "Những ngày này, cau thực sự là "hàng nóng", nhà nào cũng cần đôi miếng cau khô, vài miếng thuốc, miếng vỏ, rồi cả cau tươi, lá trầu để cúng gia tiên, ông bà…Tại chợ Phiên, cau thì không thiếu, đã thiếu cau thì hãy đến chợ Phiên".

Hai bà cụ đang trao đổi với nhau hàng thuốc lá, một loại cây dùng để hút được trồng ở nông thôn
Hai bà cụ đang trao đổi với nhau hàng thuốc lá, một loại cây dùng để hút được trồng ở nông thôn

Người bán buôn, khách mua hàng tại chợ phiên đa phần là bà con làng xóm quen mặt, biết tên, nên mua bán đều giữ cái duyên, cái tín. “Năm nay, hàng hoa hàng quả, hàng quà có phần phong phú hơn bởi cái thế “cận thị, cận lộ, cận giang” (gần thành phố, gần đường giao thông, gần sông gần biển). Nhưng cũng một phần do đời sống của người dân nay đã đỡ phần cơ cực, cuối năm người bán, người mua đều thoải mái” - ông Lê Văn Hỷ, Trưởng làng Cam Lộ, cho biết.

Có lẽ, không khí mua sắm tại nhiều chợ trung tâm thành phố, thị trấn sẽ nhộn nhịp, đông đúc hơn rất nhiều. Nhưng khi đến chợ phiên, và các chợ ở vùng quê, mọi người sẽ cảm nhận được sự thú vị, bởi hàng hóa nơi đây chủ yếu là những mặt hàng nông sản, gia sức, gia cầm do bà con nông dân trong vùng làm ra để trao đổi, mua bán với nhau. Tùy theo túi tiền của mỗi người để có cách tiêu dùng hợp lý, nhưng không làm giảm đi phong vị của ngày Tết. Bên cạnh đó, mọi người có thể tìm lại nét văn hóa dân dã.

Đậm chất chợ quê

Chợ phiên Cam Lộ được hình thành từ cách đây hàng trăm năm. Trải qua biết bao biến thiên của thời cuộc; hiện nay chợ họp thường xuyên nên nhộn nhịp và khá sầm uất.

Người dân nơi đây quan niệm, trao đổi hàng cốt ở việc tin nhau, không lo lắng về giá cả quá đắt
Người dân nơi đây quan niệm, trao đổi hàng cốt ở việc tin nhau, không lo lắng về giá cả quá đắt

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng đến Chợ phiên và ghi lại với khung cảnh sầm uất hàng trăm năm trước: “Người buôn các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt đến đất người Man để đổi lấy hàng hóa, thóc gạo, trâu bò, gai, sáp, mây, gió, vải Man, màn Man thuê chở về Cam Lộ. Người Man cũng lấy voi chở hàng về Cam Lộ để bán. Mỗi con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 20 bát. Cũng có nhiều phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá bán mỗi con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ 2 hốt bạc và 1 khẩu súng nhỏ...”.

Ông Lê Văn Hỷ, Trưởng làng Cam Lộ (thị trấn Cam Lộ) cho biết: Trước chợ vốn ở họp ở Tân Tường, bên Quốc lộ 9, quãng cột mốc cây số 15 bây giờ, sau chuyển về cạnh bến Đuồi, bên bờ sông Hiếu và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Cũng theo ông Hỷ, chợ trước đây vốn kết hợp với đình làng Cam Lộ như một không gian không thể tách rời. Sau đó, vì một số lý do, chợ và đình được tách riêng thành hai không gian riêng biệt. Bây giờ khách thương hồ đến chợ, nếu quen lối cũ vẫn thường vào đình thắp hương khấn vái sau đó mới vào chợ. Chợ phiên Cam Lộ vốn được xưng danh là "tiểu Trường An" vì đây là nơi giao thương buôn bán lớn của cả một vùng Trị - Thiên (tỉnh Bình -Trị- Thiên trước đây).

Người dân nơi đây quan niệm, trao đổi hàng cốt ở việc tin nhau, không lo lắng về giá cả quá đắt
Trước đây, chợ vốn kết hợp với đình làng Cam Lộ, nhưng về sau khi xây chợ mới thì được tách riêng 

“Tôi vẫn thường nghe ông bà kể lại vào những ngày phiên, chợ rất đông vui nhộn nhịp. Đều đặn những ngày phiên, lái buôn, thương nhân người Lào qua Lao Bảo dùng voi thồ hàng xuống chợ với nếp, bò, trâu, ngà voi, sáp ong, nhựa thông, trầm hương, sợi móc làm nón; thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha… chở vải vóc, hương liệu từ khắp nơi trên thế giới ngược sông Hiếu lên. Những sản vật địa phương như cá khô, tiêu, muối, vải, dao rựa, đồ sắt, lưỡi cuốc, nồi đồng…cũng được thương lái mua lại để mang đi phân phối các nơi” - ông Hỷ thông tin.

Với địa thế phù hợp khi nằm trên con đường "hương liệu" nối Cửa Việt hải (Cảng Cửa Việt, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh hiện nay) với Lào qua Lao Bảo, thuận cả về đường thủy bộ. Chợ lại tọa lạc giữa xóm làng trù mật, nên hội tụ đủ những điều kiện để thành một trung tâm thương mại sầm uất.

Mứt gừng là món hàng không thể thiếu tại chợ quê
Mứt gừng là món hàng không thể thiếu tại chợ quê

Địa thế của chợ Phiên vẫn còn được lưu truyền qua câu đối được viết ngay ngắn ngay cổng đình làng: “Đông triều Phiên thị minh minh/ Cam giang Hiếu thủy Mai non hướng/ Lộ sơn tả hổ hữu long triều/ Tây hướng thuyền xa nhật nhật (đại ý, chợ Phiên nằm về phía Đông/ bên bờ sông Hiếu và theo hướng núi Mai; Chợ nằm gần ngay hai con đường lớn là Quốc lộ 15 cũ và Đường 9).

Gà vùng Cam Lộ được đánh giá rất ngon, thịt chắc được mọi người đưa đến chợ trao đổi
Gà vùng Cam Lộ được đánh giá rất ngon, thịt chắc được mọi người đưa đến chợ trao đổi

Đình làng và chợ Phiên Cam Lộ vừa được công nhận là cụm di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đó là một tin vui đối với người dân vùng Cam Lộ. Cuộc sống ngày một đổi thay nhưng những nét quê vẫn mãi tồn tại như một định chế bất thành văn, được lưu giữ bảo tồn bởi tình đất hồn người Cam Lộ.

Đăng Đức