Quảng Nam:
Tấm gương sáng cho phụ nữ nghèo
(Dân trí) - Từ những nỗ lực thoát nghèo của bản thân, cô Nguyễn Thị Kim Ánh (trú thôn Lăng Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều năm trước, nhờ sự trợ giúp của Hội phụ nữ, cô được vay vốn 15 triệu đồng để gầy dựng đàn heo nái, heo thịt, tạo sinh kế nuôi con ăn học. Nhưng không may, sau đợt dịch heo tai xanh tại Quảng Nam, giá heo bắt đầu giảm sút nghiêm trọng.
Không nản chí, cô quyết định đầu tư qua nuôi bò, đồng thời trồng thêm các loại cây hoa màu, rau củ để cải thiện cuộc sống. Công việc của cô Ánh thường bắt đầu từ 4h30 sáng cho đến 9-10 giờ tối mới ngơi tay, việc nhà nông không đâu mà kể siết.
Bên cạnh nuôi con cái, cô cũng đảm nhiệm chăm lo mẹ già (mẹ ruột cô), nên dù cố gắng làm lụng vẫn không bao giờ lấp đầy. Ba đứa con, đứa nào cũng ham học, có chí hướng nên cô luôn lấy đó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Mình cô, vừa làm cha, làm mẹ, vừa là tấm gương sáng cho đàn con noi theo.
Sau khi mẹ mất, cô nhanh chóng xin xã cho ra khỏi hộ nghèo, nhường cơ hội cho người khác. Cô chia sẻ: “Lúc trước còn mẹ già, không làm được nhiều vì còn bận chăm lo cho mẹ (mẹ cô bị bệnh tai biến 15 năm, ung thư 2 năm-PV). Bây giờ mẹ cô đi rồi, cô có thêm nhiều thời gian để làm lụng nuôi con nên không cần hỗ trợ nữa. Với lại, ở trong hộ nghèo mãi cũng không nên, mình phải nhường cơ hội cho người khác để họ có thêm động lực vươn lên”.
Sau khi thoát nghèo, cô quay lại giúp đỡ, hỗ trợ những chị em phụ nữ khác có động lực vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững, là người cán bộ chi hội mẫu mực cho nhiều chị em khác noi theo.
Tham gia công tác hội, đảm nhận vị trí chi hội phó từ rất lâu, nhưng chính thức là chi hội trưởng của thôn Lang Châu Bắc từ năm 2012. Từ đó đến nay, cô luôn làm tốt vai trò của mình, là tấm gương thoát nghèo bền vững cho nhiều chị em khác noi theo.
Ai cần hỗ trợ gì đều tìm đến cô nhờ giúp đỡ, như cần xe bán bánh mỳ thì cô xin Hội hỗ trợ họ xe bán. Cần nồi hấp nấu xôi cô lại đi xin hỗ trợ nồi. Có gì khó khăn, cần trợ giúp chị em đều tìm đến cô.
Theo cô quan niệm, cho bao nhiêu tiền rồi người ta cũng tiêu hết, rồi còn tạo tâm thế thụ động, vì vậy mình hỗ trợ “cần câu cơm” cho họ là tốt nhất. Chị em vừa có sinh kế, vừa rèn luyện ý chí vươn lên, cố gắng đưa gia đình thoát nghèo, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Mỗi vùng một địa thế, tình hình dân cư khác nhau. Với Lang Châu Bắc là vùng chuyên về thâm canh cây rau quả theo mô hình VietGap duy nhất tại xã Duy Phước. Vì vậy, chị em phụ nữ hiếm khi có thời gian tham dự các cuộc họp đoàn thể. Hiểu được điều đó, cô luôn cố gắng vận động chị em bớt chút thời gian buổi tối nghe phổ biến. Linh hoạt tổ chức nhiều trò chơi lớn, tạo sân chơi, nơi giao lưu học hỏi cho phụ nữ quê nhà.
Từ đó, chỉ cần đưa ra một nghị quyết, hay kêu gọi gì mọi người đều nhiệt tình tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Bên cạnh đó, những học sinh nghèo hiếu học cũng được cô quan tâm sát sao, tạo điều kiện hỗ trợ cho các em có động lực tiếp tục đến trường. Những gia đình nghèo khó, cần giúp đỡ cấp bách và con em có nguy cơ bỏ học luôn được cô Ánh quan tâm đầu tiên. Với cô, dù khó khăn đến mấy mình cũng phải cố gắng kêu gọi hỗ trợ cho họ, để các em được tiếp tục cắp sách đến trường.
Và niềm vui với người phụ nữ chân quê là trong thôn hầu như không có trường hợp bạo lực gia đình. Từ những hỗ trợ của chi hội phụ nữ, nhiều chị em đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mục tiêu sắp tới của cô là làm sao để giúp thêm nhiều chị em phụ nữ nữa để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống, có sinh kế bền vững nuôi con ăn học.
Với những điều cô đã làm được, nhiều năm liền cô Ánh được Hội phụ nữ xã và huyện khen tặng Cán bộ chi hội tiên tiến, gương điển hình cho nhiều chị em khác noi theo. Được Tỉnh khen tặng trong Tổng kết 15 năm vì người nghèo: gương 5 năm thoát nghèo bền vững.
N.Linh-C.Bính