Tài xế công nghệ 9X ở Hà Nội hiến máu và tiểu cầu 100 lần trong 8 năm
(Dân trí) - Suốt 8 năm, từ lúc còn là sinh viên năm nhất đến nay, anh Thanh vẫn đều đặn duy trì hoạt động hiến máu và tiểu cầu, đóng góp chút sức lực của mình để giúp thêm nhiều bệnh nhân có hy vọng sống.
Chàng trai 26 tuổi hiến máu và tiểu cầu hơn 100 lần trong 8 năm
Vài ngày nay, trang facebook cá nhân của chàng trai Nguyễn Văn Thanh (SN 1996, hiện sống ở huyện Mê Linh, Hà Nội) liên tục nhận được hàng loạt thông báo và tin nhắn từ người quen lẫn người lạ.
Theo đó, bức ảnh chụp Thanh thành công hiến tiểu cầu lần thứ 100 được fanpage của Viện Huyết học - Truyền máu TƯ đăng tải nhanh chóng gây "sốt" trên nhiều diễn đàn.
"Mình rất bất ngờ và xúc động khi biết hành động đẹp của bản thân đã tạo hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng mạng cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người", Thanh nói.
Chia sẻ với PV Dân trí, Thanh cho biết đã tham gia hiến máu từ năm 2014. Thời điểm đó, Thanh mới ra Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học. Những lần đứng chờ xe bus ở điểm dừng trường Đại học Thương Mại, 9X thường bắt gặp các chuyến xe hiến máu di động, xung quanh có nhiều tình nguyện viên và sinh viên.
"Lúc đừng chờ xe, mình được lắng nghe những lời tư vấn từ các anh chị sinh viên rằng hiến máu là hoạt động ý nghĩa, có thể mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nên mình quyết định tham gia. Lần đầu hiến máu, nhận phần quà là gấu bông, mình thấy rất vui và hạnh phúc", chàng trai trẻ nhớ lại.
Sau lần đó, chàng sinh viên năm nhất bắt đầu "bén duyên" với hoạt động hiến máu và trở thành "vị khách" thường xuyên có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ. 9X mong sao có thể giúp thêm nhiều bệnh nhân có cơ hội duy trì và kéo dài sự sống.
Có đợt, ở bệnh viện, nhu cầu về tiểu cầu cao nhưng ít người biết và tham gia nên khi được tư vấn, Thanh quyết định thử sức. Chàng trai quê Mê Linh cũng mạnh dạn tham gia cả hai cách thức vì thời gian hiến máu toàn phần phải cách nhau khoảng 3 tháng, còn hiến tiểu cầu chỉ cần sau 21 ngày.
Mỗi năm, Thanh có thể hiến máu toàn phần tối đa 4 lần và hiến tiểu cầu 14 - 15 lần. Đầu tháng 6 vừa qua, chàng trai nhóm máu B này đã vượt cột mốc 100 lần hiến tiểu cầu và máu khiến không ít người phải ngưỡng mộ.
Trung bình cứ 3 tuần, Thanh lại tới viện một lần để kiểm tra và hiến tiểu cầu hoặc máu. Chàng trai trẻ tiếc nuối quãng thời gian phải mổ tay và giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021 vì dịch Covid-19 khiến bản thân không thể tham gia hoạt động ý nghĩa này.
Thời gian đầu hiến máu và tiểu cầu, Thanh nhận tiền hỗ trợ để có thêm khoản nhỏ dành dụm chi tiêu cho cuộc sống sinh viên. Sau này, 9X chuyển sang nhận các phần quà như gấu bông hoặc phiếu khám sức khỏe. Anh cũng chia sẻ gấu bông cho các em, các cháu trong nhà, chỉ giữ lại một phần làm kỷ niệm.
Thanh thừa nhận, bản thân nhiều lần hiến máu và tiểu cầu nhưng bố mẹ không hay biết. Thậm chí, thời gian đầu mới lập gia đình, vợ anh cũng có chút hoài nghi vì thấy chồng thường xuyên đi hiến máu.
"Biết vợ thắc mắc nhưng mình không giải thích nhiều, chỉ cười cho qua và thỉnh thoảng chia sẻ những bài viết về các bệnh nhân đang ngày đêm chờ tiếp tế máu để duy trì sự sống. Lâu dần, vợ cũng thấu hiểu cho hành động của mình", chàng trai 26 tuổi tâm sự.
Ăn uống khoa học, tập luyện điều độ để giúp được nhiều bệnh nhân
Có lần, sau khi hiến tiểu cầu về, cảm thấy còn khỏe, Thanh tham gia đá bóng cùng bạn bè. Chỉ khoảng 10 phút sau, anh thấy xuất hiện tình trạng choáng váng, hoa mắt, mệt mỏi. Từ đó, anh chú ý lời căn dặn của bác sĩ, phải tập trung nghỉ ngơi, ngủ sớm, tránh hoạt động nặng và dừng các tập luyện thể thao trong 2-3 ngày sau khi hiến máu hoặc tiểu cầu.
Để có thể lực và sức khỏe tốt đảm bảo cho việc hiến máu, tiểu cầu, chàng trai Hà Nội duy trì thói quen tập luyện thể thao lành mạnh và ăn uống khoa học hàng ngày. Trước những đợt dự định hiến máu và tiểu cầu, chàng trai trẻ không sử dụng rượu bia, nước có ga hay chất kích thích.
"Có những lần mình đến bệnh viện nhưng không được hiến vì huyết tương đục, không lấy được tiểu cầu nên thấy rất hụt hẫng. Sau đó, mình được các bác sĩ tư vấn nên hạn chế các loại đồ ăn nhiều chất đạm như thịt, trứng, sữa, cá,... và phải uống nhiều nước trước khi hiến máu hoặc tiểu cầu", 9X kể.
Cảm phục hành động của Thanh, vợ anh là chị Nguyễn Thị Nhật Lệ (26 tuổi) cũng thường xuyên động viên chồng cố gắng giữ gìn sức khỏe. Mỗi lần chồng đi hiến tiểu cầu hoặc máu, chị ở nhà lại chuẩn bị một số món ngon, đầy đủ dinh dưỡng để "bồi bổ" cho anh.
Với những đóng góp của bản thân, Thanh nhiều lần được mời tham dự lễ tri ân những người hiến tiểu cầu và máu. Góp mặt tại sự kiện, lắng nghe những người bệnh chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động, chàng trai trẻ tự nhủ bản thân phải tiếp tục và làm tốt hơn nữa công việc tình nguyện này.
"Khi tới hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, mình gặp rất nhiều bệnh nhi và bệnh nhân lớn tuổi đang từng ngày vượt qua cơn đau để chống chọi với các căn bệnh về máu. Sau những lần như vậy, mình càng mong muốn có thể làm điều gì đó để có thể níu giữ những tâm hồn đẹp ở lại với cuộc đời, giúp họ có cơ hội sống và thực hiện ước mơ, hoài bão", Thanh trải lòng.
Ngoài việc hiến tiểu cầu và máu, chàng trai 26 tuổi còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như trao quà và quần áo cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) hay các phong trào tình nguyện của đoàn thanh niên tại thôn, xã…
9X mong muốn sẽ có thêm nhiều người biết đến và tham gia vào công tác hiến tiểu cầu và máu để giúp các bệnh nhân vượt qua khó khăn, bệnh tật.