Tải app giao thức ăn, hàng quán "hoa mắt" vì... bán không xuể
(Dân trí) - Vừa lên app để tăng doanh số, chưa kịp mừng thì nhiều chủ quán đã dở khóc dở cười vì "khách đông không kịp thở".
"Cháy đơn" khi lên app
Anh Lê Minh Thuận - chủ tiệm Bún Cay (TP HCM) tiết lộ, từ khi tham gia GrabFood thì bất ngờ thấy lượng đơn tăng vọt, doanh thu cũng theo đó mà đi lên theo "cấp số nhân". Anh Thuận cho biết, món bún Thái có nguyên liệu tươi sống, nên giá đắt đỏ hơn hủ tiếu, mì, phở… Nhờ các ứng dụng như GrabFood mà quán ở quận Tân Bình của mình cũng có thể tiếp cận khách hàng ở khu trung tâm, bán không thua các hàng ở quận 1, quận 3”, anh Thuận nói.
Không riêng anh Thuận, nhiều hàng ăn dù chỉ là quán ven đường cũng ghi nhận mức bán hàng nhảy vọt, doanh thu ròng tăng gấp 3-5 lần. Trước kia, các hàng quán đều dựa 100% vào lượng khách quen và khách vãng lai. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, công nghệ phát triển đã tạo điều kiện cho các cửa hàng mở rộng buôn bán. Các ứng dụng đặt, giao thức ăn trở nên phổ biến, nhiều nhà hàng, quán ăn đã tham gia “lên app”, mở rộng tệp khách hàng, tăng doanh số và thu nhập của toàn bộ nhân viên.
Nhưng “vui quá hoá buồn”, tăng thêm 10-20 đơn thì phấn khởi, đến khi tài xế ùa đến mua về, đặc biệt là vào giờ cao điểm thì nhiều quán phải… toát mồ hôi vì quá tải. Đơn đổ dồn cùng lúc kéo theo việc quán trở nên đông đúc do các tài xế tụ lại đặt món, nhân viên bối rối, đầu bếp không chuẩn bị kịp lượng đơn quá nhiều cùng lúc. Tình trạng này dẫn đến cảnh tài xế hối thúc, khách đến ăn tại hàng cũng mất kiên nhẫn vì phải xếp sau hàng dài shipper. “Vào giờ cao điểm, mình quay đi quay lại nào là viết hóa đơn cho shipper, nhập đơn cho bếp, kiểm món, thối tiền... Cũng vì mấy chuyện lặt vặt mà mỗi đơn mất 20 phút mới xong, tài xế nói khách đói bụng quá, huỷ đơn mất rồi”, anh Thuận nói.
Đồng quan điểm trên, anh T.Nghị - chủ một cửa hàng thức ăn Hàn Quốc tại quận 1, TP HCM cũng phân trần, nhiều lần anh phải “tiến thoái lưỡng nan" vì shipper cùng lúc đến mua hàng quá nhiều, lượng món cần làm vượt qua cả lượng nguyên liệu hiện có và tốc độ chế biến của bếp không kịp giao. Lúc đó, anh phải ngậm ngùi nhờ shipper báo lại khách là quán đã hết hàng. “Vậy nên lên app thì đúng thật là có nhiều khách biết tới và nhiều đơn hàng hơn đó, nhưng để giữ phong độ cho quán thì không dễ dàng gì”.
Ung dung tăng doanh thu với mô hình tích hợp
Nhận thấy tình trạng ứ đơn khiến quán đánh mất một lượng khách hàng tiềm năng, nhiều dịch vụ giao nhận thức ăn - đơn vị “đồng cam, cộng khổ" với các hàng quán - đã khuyến khích các cửa hàng chuyển qua mô hình tích hợp - khác với mô hình tài xế mua hộ như trước kia, để tối ưu khả năng vận hành, rút ngắn thời gian giao hàng, tăng thêm lợi thế cạnh tranh. “Họ (đơn vị cung cấp ứng dụng - PV) kiên trì lắm, giải thích rõ cho tôi cách chuyển qua mô hình mới, từ chuyện đơn khách đặt sẽ báo trực tiếp trên ứng dụng thế nào, đến việc tiền sẽ về tài khoản mình ra sao…”, chị M.Hoa - chủ cửa hàng bún chả tại quận 4, TP HCM cho biết.
Với mô hình tích hợp, ngay khi khách hàng chốt đơn, đơn hàng sẽ lập tức được báo trên ứng dụng của quán, thông qua điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy POS tại cửa hàng. Trong khi tài xế tìm đường đến quán, thì hoạt động chế biến đã diễn ra. Shipper đến cũng là lúc thức ăn nóng sốt ra lò, rút ngắn đáng kể thời gian chờ đợi tại quán so với trạng thái bị động đợi tài xế đến mua hàng như trước đây. Quy trình đặt hàng - chuẩn bị món - lấy hàng trở nên nhịp nhàng và liền mạch hơn.
“Ban đầu tôi cũng ngại chuyển sang mô hình mới vì đâu có rành công nghệ, nhưng bên GrabFood có xuống hỗ trợ cài đặt ngay trên điện thoại, nên cũng yên tâm hơn. Rồi từ ngày đổi mô hình, quán tôi đâu ra đó, vì đơn hàng tăng mà hoạt động quán nhịp nhàng chứ không lộn xộn như xưa”, chị Hoa hồ hởi chia sẻ.
Rất rõ ràng, mô hình giao nhận tích hợp đang mang đến nhiều thuận lợi cho cửa hàng. Ngoài việc giúp quy trình giao nhận thức ăn nhịp nhàng hơn so với mô hình mua hộ trước đây, chuyển sang mô hình tích hợp cũng là lúc toàn bộ việc thanh toán đều tự động hoá theo nền tảng của ngân hàng, giảm bớt phiền toái cho shipper khi phải chi tiền mặt, quán cũng tiết kiệm được thời gian tính toán thu chi.
“Ở quán tôi, đơn sẽ báo qua máy POS. Trước khi có máy, tôi toàn phải tự viết tay đơn hàng, rồi tính tiền. Không thể tránh khỏi sai sót do mình không thể minh mẫn, sáng suốt cả ngày. Từ khi sang mô hình mới và có máy POS, tôi thoát hẳn gánh nặng do máy tự in hóa đơn, mình kiểm kê sản phẩm theo đơn này và giao cho tài xế là xong. Không cần nặng nhọc tiền bạc như trước”, anh Hoàng Chương - chủ cửa hàng xôi gà Xã Đàn (Hà Nội) nói trong hào hứng.
Không chỉ chị Hoa, anh Chương mà với hàng trăm hàng quán khác, đây được chứng minh là phương thức cạnh tranh thông minh, hiệu quả, đưa sức mạnh của công nghệ dữ liệu (data) và đám mây (cloud) vào kinh doanh, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng. Theo thống kê từ GrabFood, nhiều chủ quán đầu tư chuyển sang mô hình mới đã chứng kiến tổng giá trị giao dịch trung bình tăng 300-400% trong khi tỷ lệ hủy đơn giảm đi một nửa. Thành tích khả quan này có được trong chỉ hơn nửa năm “ông lớn” mảng giao nhận triển khai mô hình hoạt động mới này.