Sự thật chủ quán nem chua rán Hà Nội "nghỉ 5 tháng du lịch châu Âu"
(Dân trí) - Bà chủ quán nem chua rán ở Hà Nội "nổi tiếng" bất đắc dĩ trên mạng xã hội, vì được cho là "nuôi hai con ăn học thành tài, nghỉ 5 tháng đi du lịch châu Âu".
Tan học chiều 30/3, nhiều học sinh tìm đến quán nem chua rán, xiên que của bà Nguyễn Thị Nga (67 tuổi) trong con ngõ nhỏ trên phố Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội). Một lúc sau, quán trở nên đông đúc, từ học sinh, người trẻ đến các hộ dân xung quanh.
Không chỉ khách mua hàng, có người nói rằng đến tận nơi chỉ để xác minh: "Liệu có thật bà Nga nghỉ bán hàng 5 tháng đi du lịch châu Âu?" như thông tin đồn thổi trên mạng xã hội hay không.
Người phụ nữ bật cười, không ngờ bản thân "nổi tiếng" bất đắc dĩ, liên tục nhiều ngày qua được cộng đồng mạng "săn đón".
Mọi chuyện bắt nguồn từ một video review quán xiên que, nem chua rán của bà Nga từ đầu tháng 1, nhưng dạo gần đây được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Dưới video, nhiều người dùng mạng nhận ra "bác Nga", gọi bà "là tuổi thơ của nhiều thế hệ học sinh Cát Linh", hay "học sinh Cát Linh ai mà chưa từng ăn thử nem chua rán của bác Nga cơ chứ".
"Tôi không dùng Facebook nên không hay biết, thấy mọi người hỏi nhiều mới nhớ ra từng có một nhóm bạn trẻ đến đây vừa ăn vừa quay video", bà nói.
Bà Nga kể bắt đầu gánh hàng rong của mình từ năm 1986, chuyên bán trứng vịt lộn. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng bà cố gắng làm lụng nuôi hai con: trai (SN 1984) và gái (SN 1986).
Năm 2003, bà chuyển sang bán nem chua rán, xiên que gần trường Tiểu học và THCS Cát Linh, tự tay chuẩn bị nguyên liệu, chế biến tương ớt. Thực đơn đa dạng, gồm: nem chua rán, phô mai que, gà rán, xúc xích, chả cá các loại,...
Thời đó, nem chua rán "thương hiệu bà Nga" nổi tiếng đến nỗi khách ngồi chật kín quán, xe tràn vỉa hè, nhất là vào khung giờ 16h30 - 18h30, thu nhập mỗi ngày lên tới 500.000 - 700.000 đồng. Nhiều khách hàng "hờn dỗi" vì phải đợi nửa tiếng mới đến lượt, cũng có người phải tự phục vụ, "rán nem" hộ bà chủ.
Thấy hàng quán vợ quá tải, chồng bà Nga nghỉ việc về phụ giúp. Ông làm cẩn thận, nhưng hơi chậm, đôi lúc khiến bà "phát cáu". Họ còn thuê thêm một người làm, nhưng vẫn không xuể.
Hai năm dịch Covid-19, bà Nga chuyển hướng bán hàng online, đưa nem chua rán lên các sàn thương mại điện tử. Khách quen cứ thế gọi điện đặt hàng hoặc vào tận nhà mua.
Từ ngày thành phố rào chắn, quây tôn đoạn phố Cát Linh để thi công ga ngầm, bà Nga buộc chuyển gánh hàng vào gần con ngõ nơi gia đình sinh sống. Gọi là hàng quán, nhưng thực chất là khoảng đất trống rộng 28m2 được vợ chồng bà thuê lại, đổ nền bê tông, quây rào xung quanh, bố trí thêm vài bộ bàn ghế.
Cũng từ đó, lượng khách giảm sút do đoạn rào chắn chật hẹp, gây khó khăn di chuyển, nhưng không thể ngăn những người yêu ẩm thực tìm đến bà Nga.
Theo lời bà chủ, để nuôi hai con ăn học trưởng thành, ngoài thương hiệu nem chua rán, gia đình bà còn cho thuê hai căn nhà ở Hà Nội, hiện đang rao bán vì "không thể quản lý khách thuê".
"Các con đều đã thành tài, định cư ở châu Âu, công việc và gia đình ổn định", bà Nga tự hào khoe.
Năm ngoái, vợ chồng bà nghỉ bán hàng 5 tháng, được các con đặt vé sang đoàn tụ, tiện du lịch 5 nước châu Âu. Nhiều khách hàng không biết vẫn tìm đến quán hoặc cố gắng liên lạc với bà chủ nhưng không được.
Cuối năm 2022, bà về Việt Nam, nghỉ ngơi một tuần rồi lại lên đường sang Ấn Độ. Cận Tết Nguyên đán, hai vợ chồng về nước, mở lại quán nem chua rán, xiên que.
"Lúc ở châu Âu, tôi từng hứa với các con sẽ không bán hàng nữa, dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng nhớ nghề nên tôi đành... thất hứa, cũng để đỡ buồn tuổi già", người phụ nữ cười, tâm sự.