“Siêu xe hạng sang, biệt phủ dát vàng” chật kín phố Hàng Mã mùa Vu Lan
(Dân trí) - Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên trong ngày rằm tháng bảy nhiều gia đình không tiếc tiền chi bạc triệu sắm sửa những đồ lễ đắt tiền như siêu xe hạng sang, biệt phủ dát vàng cho người đã khuất.
Mặc dù còn hơn một tuần nữa mới đến lễ Vu Lan và rằm tháng bảy thế nhưng tại nhiều con phố chuyên bán đồ cõi âm ở Hà Nội như: Lương Văn Can, phố Hàng Mã… không khí mua sắm đã trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Năm nay, ngoài những mặt hàng quen thuộc đã cũ , thị trường còn ngập tràn các đồ mã cao cấp như: biệt phủ “dát vàng” có kèm sổ đỏ, siêu xe ô tô hạng sang Rolls – Royce, Lexus hay iPhone 7, iPad đời mới…
So với mọi năm, giá cả các mặt hàng năm nay không có nhiều biến động. Trong đó, các loại quần áo có giá từ 30 – 100.000 đồng/ bộ, ô tô, xe máy từ 90 – 300.000 đồng/ chiếc. Bộ đồ công nghệ với các loại điện thoại, tai nghe, sim, thẻ nạp giá khoảng 180 – 250.000 đồng.
Đắt nhất vẫn là các căn biệt phủ, nhà cao tầng dành cho người âm. Theo đó, tùy từng kích thước, chất liệu mà giá cả sẽ khác nhau. Trung bình, một căn nhà 2 tầng, với đầy đủ đồ dùng bên trong đi kèm sổ đỏ có giá thấp nhất là 200.000 đồng, những căn biệt phủ lớn, dát vàng với sân vườn, hàng rào, ghế đá ngoài trời… giá từ 500.000 đồng trở lên.
Chị Hương, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã chia sẻ, các loại đồ mã cao cấp chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Trong đó, nhiều gia đình cầu kỳ sẵn sàng chi hàng chục triệu sắm đầy đủ đồ đạc từ: nhà cửa, xe hơi, quần áo, đồ công nghệ… cho người thân đã khuất.
Cửa hàng chị từng nhận đặt làm những căn nhà với thiết kế cầu kỳ, cao hàng mét… với giá lên tới hàng triệu đồng/ căn. Nhiều người còn yêu cầu lên bản vẽ, thiết kế 3D rồi mới tiến hành làm.
“Có gia đình chỉ làm lễ đơn giản như: tiền vàng, quần áo nhưng cũng có gia đình có điều kiện hơn, trên này có gì họ cũng đặt làm bằng được để gửi xuống cho người thân đã khuất. Thậm chí năm nay ra iPhone 7 hoặc siêu xe gì họ cũng đưa mẫu nhờ thiết kế theo”, chị Hương nói.
Chủ cửa hàng này cũng chia sẻ, vài năm trước, việc mua sắm khá tấp nập và nhộn nhịp, thời gian gần đây việc đốt vàng mã đã được hạn chế nhiều vì thế người dân cũng có phần dè dặt hơn. “Có những năm tôi bán hàng không xuể tay, làm không kịp để bán nhưng gần đây sức tiêu thụ của người mua giảm đi nhiều, các mặt hàng bán khá chậm, người mua chủ yếu chuộng các mặt hàng đơn giản, giá cả phải chăng”, chủ cửa hàng này cho hay.
Vừa trọn đồ mã, chị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa cẩn thận ghi chép và xem lại danh sách các đồ cần mua để tránh sai sót. Chị cho biết, em gái chị mất trong một vụ tai nạn cách đây 3 năm, nên năm nào vào những dịp này chị cũng mua đồ, sắm sửa không thiếu thứ gì. Ngoài quần áo, tiền vàng, túi xách, chị Hạnh còn đặt mua thêm một căn nhà ba tầng và một chiếc ô tô hạng sang. “Mình mua đồ lễ không phải là khoa trương mà đơn giản chị muốn nguôi ngoai nỗi đau mất người thân của mình”, chị Hạnh nói.
Thực tế, việc đốt vàng mã là một tập tục của người Việt đã có từ lâu đời, thể hiện tấm lòng báo hiếu, tưởng nhớ người đã chết. Tuy nhiên, ngày nay tập tục này đang bị lạm dụng và sa đà vào mê tín, dị đoan. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình không tiếc tiền chi bạc triệu sắm đồ lễ đắt tiền.
Việc này không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường mà cũng ít nhiều làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp trong những dịp lễ, Tết.
Hà Trang