Sập nhà ở Hà Nội: Khoảnh khắc bất lực nhìn nơi ở thành đống đổ nát

Tuệ Minh Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo nhân chứng, trước khi đổ sập, căn nhà 2 tầng đã xuất hiện rung lắc, vênh nền kèm vết nứt toác do người hàng xóm đào móng ở nhà liền kề.

18h40 ngày 4/11, căn nhà 2 tầng tại số 62, đường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đổ sập. Gia chủ và người dân có mặt ở bên kia đường bất lực, tiếc nuối, đứng nhìn từng mảng bê tông sụp xuống, phát ra âm thanh rào rào. Trong vòng ít giây, mọi thứ trở thành đống đổ nát.

Đã có dấu hiệu báo trước

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, con trai chủ nhà (xin giấu tên) cho biết, vụ sập nhà xảy ra do ảnh hưởng của việc đào móng sâu tại nhà liền kề - số 60 đường Quang Trung.

Căn nhà bị sập có 2 tầng, diện tích mỗi sàn hơn 50m2, trong đó tầng một là  tiệm làm tóc, tầng hai là nơi ở của vợ chồng con trai chủ nhà cùng 2 người con. 

Sập nhà ở Hà Nội: Khoảnh khắc bất lực nhìn nơi ở thành đống đổ nát - 1

Khoảnh khắc căn nhà bị đổ sập (Ảnh cắt từ clip).

Trong khi hàng xóm đào móng, căn nhà đã có dấu hiệu rung lắc, xuất hiện nhiều vết nứt.

Chiều 4/11, khi nhìn thấy các vết nứt toác ngày càng lớn và không đóng được cửa do nền nhà bị vênh, chủ nhà đã kêu gọi nhân viên, khách và mọi người sơ tán ra bên ngoài. Với các dấu hiệu cảnh báo từ trước, việc sập nhà xảy ra hoàn toàn không quá bất ngờ. 

Căn nhà 2 tầng ở Sơn Tây bị đổ sập do nhà liền kề đào móng (Nguồn: Ngân Sunny).

"Sau tiếng rung lắc, tầng 2 bị nghiêng sang một bên rồi toàn bộ các bức tường sập xuống chỉ trong ít giây. Phần mái tầng một bị giật sập, biển hiệu tan tành... Chỉ trong tích tắc, căn nhà kiên cố ngổn ngang bụi và bê tông.

Toàn bộ đồ đạc của tiệm tóc hư hỏng hoàn toàn. Nhìn tài sản đổ sập ai cũng xót xa, chúng tôi chỉ biết động viên của đi thay người. May mắn, chúng tôi kịp sơ tán nên không có thiệt hại về người, nếu không thì không biết điều gì sẽ xảy ra", con trai chủ nhà cho biết.

Hiện, vợ chồng con trai chủ nhà cùng hai con chuyển đi nơi khác sống tạm, chờ phương án giải quyết để sớm gây dựng lại cuộc sống.

"Cửa tiệm của tôi mới sửa sang lại hồi đầu năm nay, sự việc xảy ra cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và việc kinh doanh. Tôi chưa ước tính con số thiệt hại, dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi", người đàn ông này cho biết.

Sập nhà ở Hà Nội: Khoảnh khắc bất lực nhìn nơi ở thành đống đổ nát - 2

Căn nhà bị sập giờ chỉ còn là đống đổ nát (Ảnh: Diễn đàn phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây).

Chuyên gia nhận định mối nguy từ đào móng nhà 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia đồng thời là chủ một đơn vị chuyên thi công xây dựng ở Hà Nội nhận định, nguyên nhân chính khiến ngôi nhà 2 tầng đổ sập là do nhà bên cạnh thi công, đào móng sâu hơn móng của ngôi nhà 2 tầng. Đất đỡ chân cột của nhà 2 tầng bị chảy ra, gây lún móng và phá hoại kết cấu căn nhà.

Chuyên gia này không đồng tình với ý kiến cho rằng, ngôi nhà 2 tầng đổ sập là do kết cấu yếu.

"Công trình này có thể đã tồn tại nhiều năm và vận hành sử dụng từ trước đó. Chỉ có một khả năng khiến ngôi nhà này tự sập đó là khi gia chủ cải tạo nhà, tải thêm phía trên. Tuy nhiên, hình ảnh thực tế cho thấy, công trình hiện không có hoạt động sửa chữa nào diễn ra", vị chuyên gia nói.

Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế không hiếm những vụ nhà hàng xóm lún nứt, đổ sập khi có công trình xây chen bên cạnh. Đặc biệt, hầu hết những ngôi nhà làm tầng hầm trong phố, khi xây chen đều ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.

Vì thế, khi xây dựng công trình xen kẽ trong các khu đô thị, khu phố, chủ nhà nên thuê những đơn vị có chuyên môn đánh giá rủi ro có thể xảy ra trước khi thi công và phương án phòng tránh, khắc phục.

"Theo quy định của Luật Xây dựng, chủ hộ trước khi khởi công xây dựng buộc phải hoàn thành biên bản xác nhận hiện trạng hộ liền kề, đánh giá kết cấu của nhà hàng xóm. Sau quá trình đánh giá, chủ hộ và đơn vị thi công phải có biện pháp làm giảm tối đa ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Chẳng hạn, nếu đào móng sâu hơn thì phải ép cừ để đất nhà bên cạnh không trôi sang, giữ chân móng của nhà bên cạnh, đào đến đâu cần gia cố móng và tường của nhà bên cạnh để tránh việc đổ…", vị này nói.

Tất cả quá trình nêu trên cần được thực hiện bởi đội ngũ có chuyên môn, kinh nghiệm. Tuy nhiên, chi phí để thuê các đơn vị đánh giá không rẻ, ít nhất khoảng 70 triệu đồng-80 triệu đồng/công trình nhà ở. Nhiều gia đình cảm thấy công tác đánh giá này không quá quan trọng, thường không muốn chi tiền.

Chuyên gia thi công này cũng chia sẻ, nhiều gia đình vì tiếc khoản thuê đơn vị đánh giá mấy chục triệu nhưng sau đó lại phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả khi nhà hàng xóm bị lún nứt, đổ sập.

Liên quan đến nội dung này, kiến trúc sư Đặng Duy Khánh cho hay, thiết kế xây chen là thiết kế khó, phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn, hiểu được các nguyên lý trong xây dựng, đánh giá được tác động của công trình mới tới công trình lân cận để có giải pháp khắc phục, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận.

"Có những công trình khi xây dựng không chỉ ảnh hưởng tới 2-3 nhà bên cạnh hay đằng sau, có thể ảnh hưởng tới hàng chục hộ khác (những nhà trong những phố đông đúc, dân cư sinh sống san sát)… Vì vậy, nếu chỉ dựa vào những kinh nghiệm xây dựng thông thường sẽ khó đánh giá được rủi ro", kiến trúc sư Đặng Duy Khánh nói.

Như Dân trí đã đưa tin, công an thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) cho biết sự cố sập nhà xảy ra tại số 62 đường Quang Trung, phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây), lúc 18h30 ngày 4/11.

Căn nhà số 60 đường Quang Trung của bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1941) thời điểm đó đang tiến hành đào móng xây dựng. Quá trình đào móng gây ra sạt lở làm nghiêng, sập căn nhà số 62 của ông Nguyễn Đức Toàn (SN 1967).

Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người. Sau khi xảy ra sự việc, các đơn vị chức năng đã tới hiện trường làm rõ. "Cả 2 gia đình trong vụ việc đang tiến hành thỏa thuận bồi thường", đại diện Công an thị xã Sơn Tây thông tin.