Sắp diễn ra Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững”

(Dân trí) - Vào sáng ngày 27/12 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng với Báo Dân trí tổ chức Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững”.

Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào sáng 12/1, tại Hà Nội.
Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào sáng 12/1, tại Hà Nội.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay ngành nông nghiệp đang phải đối phó với thực trạng không ít người dân lạm dụng, tùy tiện sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng, dẫn đến lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm vật nuôi cao. Điều này đã gây hại cho chính sức khỏe con người.

Chính từ thực trạng nêu trên, Bộ NN&PTNT đã cùng phối hợp với Báo Dân trí tổ chức Hội thảo “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững”, hội thảo này sẽ diễn ra vào sáng 12/1, tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đến tham dự Hội thảo nói trên có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ra còn có đại diện Cục Quản lý và Khám chữa bệnh và Cục quản lý Dược của Bộ Y tế. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia cùng bàn luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, dựa trên cơ sở khoa học. Hiện nay, vấn đề kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp đang làm “đau đầu”, thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, Hội thảo này được kỳ vọng là cơ hội để tìm ra giải pháp nhằm “dẹp loạn” kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp, mở ra một nền sản xuất nông nghiệp sạch và phát triển bền vững.

Theo Cục Quản lý và Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khi con người ăn phải những sản phẩm vật nuôi có lượng kháng sinh tồn dư cao sẽ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh trong cơ thể, kéo dài thời gian điều trị bệnh và nguy cơ tử vong cao.

Đại điện Cục Quản lý và Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết thêm, theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm; ở Mỹ, khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm… Điều này tác động đến kinh tế - xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ USD/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.

Đối với Việt Nam, hệ thống các văn bản quy định việc sử dụng kháng sinh trong y tế đã được quy định tương đối đầy đủ (Thông tư hướng dẫn kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú năm 2016, Hướng dẫn sử dụng kháng sinh năm 2015, Hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh năm 2016…). Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định này còn chưa được đầy đủ.

Nguyễn Dương