Sản phụ nặng 140 kg chật vật vượt cạn
Tăng gần 50 kg trong thai kỳ, trải qua một tháng dưỡng thai tại Bệnh viện Hùng Vương với nhiều bệnh lý phức tạp, sản phụ 36 tuổi sinh bé trai đầu lòng.
Sản phụ sinh năm 1979 trải qua những ngày tháng cuối thai kỳ gầu như gắn chặt với giường bệnh bởi trọng lượng cơ thể quá nặng, đau khớp vùng xương chậu khiến việc di chuyển khó khăn. Chị nhập viện ngày 24/8 lúc thai 30 tuần, với cân nặng 109 kg.
Kết quả kiểm tra cho thấy thai nhi phát triển bình thường, riêng thai phụ có hàng loạt vấn đề như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, viêm gan B mạn có biến chứng xơ gan kèm theo bất thường đông máu, gan to, lách to, dịch ổ bụng rất nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, Khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết thai phụ trải qua rất nhiều cuộc hội chẩn với các bác sĩ gan mật, huyết học... Khi mới nhập viện, có những lúc chị nguy kịch thật sự khi đường huyết tăng cao đến hơn 300 mg/dL, đứng trước nguy cơ hôn mê, mất thai nhi. Phải trải qua thời gian dài truyền thuốc và sau đó tiêm thuốc khống chế đường huyết mới dần ổn định được tình hình. Bệnh nhân được điều trị hạ đường huyết, thuốc hạ huyết áp, kháng sinh nhiễm trùng tiểu, theo dõi tình trạng rối loạn đông máu...
Ngay cả quyết định thai phụ sẽ sinh như thế nào, mổ hay sinh thường, cũng là cả một vấn đề khó khăn với các bác sĩ, khi bệnh nhân cuối thai kỳ béo phì gần 140 kg kèm theo rối loạn đông máu. Chị đau khớp vùng chậu nên rất khó thực hiện tư thế nằm rặn sinh để có thể đẻ thường.
Nếu em bé chào đời bằng phương pháo sinh thường thì mẹ sẽ đối diện với nguy cơ băng huyết do tình trạng rối loạn đông máu. "Nếu phải mổ thì mẹ vừa có nguy cơ băng huyết lại vừa chảy máu vết mổ rất nguy hiểm, có thể vết mổ khó lành cũng như dể nhiễm trùng do cơ địa béo phì và đái tháo đường", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Một lần vào toilet, trong lúc đi vệ sinh, chị quá nặng lại đau khớp xương chậu xoay trở khó khăn đã làm vỡ cả lavabo. Các nữ hộ sinh phải hỗ trợ bệnh nhân đi lại, tập trung băng bó chăm sóc vết thương bởi cơ địa của người đái tháo đường cực kỳ khó lành vết thương, dễ nhiễm trùng.
Ban đầu các bác sĩ dự kiến chấm dứt thai kỳ cho bệnh nhân lúc 36 tuần, song kết quả đánh giá sức khỏe thai nhi thấy em bé không thể chịu đựng được thử thách sinh ngã âm đạo nên bác sĩ quyết định thực hiện ca mổ sinh lúc thai nhi 35 tuần tuổi vào ngày 25/9. Xuyên suốt ca mổ, ê kíp phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh và bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Hữu Nguyên kết hợp truyền các chế phẩm của máu một cách thích hợp cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật dự phòng băng huyết cho sản phụ.
Ca mổ khá khó khăn vì thành bụng bệnh nhân rất dày, lớp mỡ hơn 10 cm. Nhờ bác sĩ dự phòng và kiểm soát tốt tình hình, bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,5 kg, khóc tốt. Lượng máu của sản phụ mất lúc mổ khoảng 300 ml. "Trong những ngày tới, sản phụ được tiếp tục theo dõi nhiễm trùng, tình trạng chảy máu, vấn đề lành vết mổ trên cơ địa người đái tháo đường và béo phì", phó giáo sư Khánh Trang cho biết.
Không giấu được vui mừng mẹ tròn con vuông sau chuỗi ngày mang thai nhọc nhằn, sản phụ cho biết chị lập gia đình muộn nên có con trễ. Trước kia cân nặng của chị chỉ khoảng hơn 50 kg, sau cơn bệnh sốt xuất huyết phải truyền nước và tẩm bổ nhiều nên chị bắt đầu tăng cân không kiểm soát. Cố gắng luyện tập, ăn kiêng nhưng nữ công nhân vẫn nặng hơn 90 kg. Đến lúc chị mang thai thì trọng lượng tăng nhanh chóng, đau khớp vùng xương chậu và gặp nhiểu rối loạn đa cơ quan phải nhập viện dưỡng thai.
Phó giáo sư Khánh Trang phân tích đây là trường hợp tăng cân quá nhiều trong thai kỳ. Theo các khuyến cáo mới nhất các thai phụ béo phì có BMI>30 thì mức tăng cân trong cả thai kỳ chỉ nên 5-9 kg. Việc tăng cân quá mức có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho cuộc sinh của thai phụ. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc khám thai định kỳ là cần thiết.
Theo SKĐS