Quý bà H'Mông Forbes vinh danh: Phụ nữ có công việc sẽ không thể bị chèn ép

Hồng Anh

(Dân trí) - Bà Mai cho biết, vì thấy phụ nữ người H'Mông quá vất vả nên từ lâu, bà luôn muốn kéo những người phụ nữ ấy ra khỏi cuộc sống quanh quẩn trong góc nhà và nương rẫy.

Đứng giữa sân khấu Khi phụ nữ làm chủ, trong bộ váy áo rực rỡ của người H'Mông, bà Vàng Thị Mai (63 tuổi) không ngừng khiến người khác trầm trồ.

Với phong thái tự tin, bà Mai kể về câu chuyện truyền cảm hứng của bản thân và hành trình thay đổi cuộc sống, cũng như nâng cao vị thế của người phụ nữ H'Mông vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Bà Vàng Thị Mai là người sáng lập Hợp tác xã sản xuất vải lanh truyền thống Lùng Tám, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Quý bà HMông Forbes vinh danh: Phụ nữ có công việc sẽ không thể bị chèn ép - 1

Bà Vàng Thị Mai tại chương trình 'Khi phụ nữ làm chủ" (Ảnh: VTV).

Bà Mai cho biết, vì thấy phụ nữ người H'Mông quá vất vả nên từ lâu, bà luôn muốn kéo những người phụ nữ ấy ra khỏi cuộc sống quanh quẩn trong góc nhà và nương rẫy.

Năm 1999, bà Mai sáng lập Hợp tác xã sản xuất vải lanh truyền thống Lùng Tám. Với cương vị là người sáng lập, bà đã có nhiều thay đổi làm hồi sinh nghề dệt vải lanh và đem lại công ăn việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ trên địa bàn.

Từ mức thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng, đến nay, các hội viên trong hợp tác xã đã có mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/người trở lên. Có những người già 70 tuổi vẫn có thể làm được mức lương 8,5 triệu đồng/tháng.

Quý bà HMông Forbes vinh danh: Phụ nữ có công việc sẽ không thể bị chèn ép - 2

Các sản phẩm trong hợp tác xã của bà Mai (Ảnh: Trọng Trinh).

Các sản phẩm từ hợp tác xã không chỉ theo chân du khách tới khắp mọi vùng miền trên cả nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, sang châu Âu…

Nhờ có sự ổn định về kinh tế mà vị thế của người phụ nữ H'Mông trong gia đình và ngoài xã hội cũng được nâng lên.

Đạt được những thành công đó là sự nỗ lực không ngừng của bà Mai và các hội viên. Để hợp tác xã hoạt động ổn định và phát triển như ngày nay, bà Vàng Thị Mai đã phải thực hiện nhiều biện pháp mềm mỏng khác nhau để thay đổi nhận thức của đồng bào nơi mình sinh sống.

Theo bà Mai, trước đây, trong nhiều gia đình người H'Mông, đàn ông không tham gia làm việc nhà, đi uống rượu về còn đem những bó lanh (nguyên liệu để làm vải lanh) của vợ ném ra ngoài sân.

Có ông chồng còn phản đối việc trồng lanh và khẳng định gia đình chỉ trồng lúa, trồng ngô; có người sẵn sàng đến xưởng sản xuất để phá đám, không cho vợ làm kinh tế.

Thấy vậy, bà Mai bèn đề xuất với lãnh đạo xã cắt cử lực lượng công an đến để đảm bảo an toàn cho các chị em phụ nữ an tâm sản xuất.

"Ngoài ra, đến ngày phát lương của hợp tác xã, tôi gọi người đàn ông ấy đến rồi bảo cầm tiền lương, cầm tiền sản phẩm về để sửa chuồng gà, sửa chuồng lợn. Người này thấy thế thì vô cùng vui sướng", bà Mai kể.

Thấy rõ lợi ích của việc trồng lanh và việc vợ tham gia dệt lanh trong hợp tác xã, nhiều ông chồng H'Mông đã thay đổi thái độ.

Từ khi nghề dệt được bà Mai cùng nhiều hội viên khôi phục, đời sống của nhiều gia đình ở Lùng Tám đã khấm khá lên. Đặc biệt, lớp trẻ trong vùng đã bắt đầu tiếp cận và ham thích học nghề, tạo cơ hội mới cho các em có thêm việc làm, phụ giúp gia đình tăng thêm thu nhập.

Từ 30 hội viên thời điểm năm 1999-2001, đến nay, hợp tác xã này đã có 130 thành viên với 9 tổ sản xuất.

"Người phụ nữ có công việc, phụ nữ thoát nghèo, phụ nữ không bị chèn ép nữa, phụ nữ đứng lên cầm tay chỉ việc cho phụ nữ", bà Mai nói.

Quý bà HMông Forbes vinh danh: Phụ nữ có công việc sẽ không thể bị chèn ép - 3

Bà Mai lên mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm của hợp tác xã (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhờ những đóng góp của mình, bà Mai được người dân trong vùng tin yêu, trở thành động lực truyền cảm hứng cho những phụ nữ dân tộc vươn lên làm kinh tế. Bà được nhiều người yêu mến gọi là "Quý bà vải lanh người H'Mông".

Năm 2017, bà Mai còn được Tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Mới đây, trong hội nghị Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang, nhiều đại biểu cũng tán đồng ý kiến cho rằng, việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi khác sẽ góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam; tăng trách nhiệm, giảm gánh nặng chăm sóc và nội trợ của phụ nữ; thúc đẩy tiếng nói, vai trò của phụ nữ ở địa phương và cộng đồng…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm