Quảng Trị: Người dân Vân Kiều đan chổi đót kiếm tiền sắm Tết

(Dân trí) - Để có tiền sắm Tết cho gia đình và may quần áo mới cho các con, nhiều hộ dân Vân Kiều tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đang ngày đêm tất bật đan chổi đót đem ra chợ bán với mong muốn mùa Xuân này, họ có được một cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn.

Với người dân nơi đây, họ luôn xem những vật phẩm từ cây rừng là phương tiện kiếm sống. Và, cây chổi đót thực sự đã và đang mang lại cho bà con ở xã nghèo Đakrông, huyện Đakrông nguồn thu nhập đáng kể.

Có mặt tại bản Cu Pua, chúng tôi chứng kiến không khí tất bật của người dân khi ngày Tết đang cận kề. Gặp chúng tôi, anh Hồ Ê Nót, trưởng thôn Cu Pua chia sẻ: “Tết cũng gần đến rồi nên những ngày qua, bà con trong bản cũng bận bịu hẳn. Bà con tích cực làm chổi mang ra chợ bán để kiếm tiền lo cho Tết cổ truyền. Hiện Hợp tác xã chổi đót ở địa phương cũng thu hút được hàng chục hộ dân tham gia”.

Anh Hồ Ê Nót khẳng định nghề làm chổi đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong xã nhưng thị trường chưa ổn định
Anh Hồ Ê Nót khẳng định nghề làm chổi đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong xã nhưng thị trường chưa ổn định

Huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là một trong 64 huyện nghèo của cả nước, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, PaKô. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các nghề truyền thống của đồng bào được phát triển. Tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn, nên nghề truyền thống tại các làng nghề đang dần mai một.

Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, nhiều năm nay được sự hỗ trợ từ Dự án phát triển cộng đồng, các chương trình đào tạo nghề, người dân đã duy trì được nghề thủ công truyền thống làm chổi từ cây đót, xem đó như là “cứu cánh” giúp bà con thoát nghèo.

Người dân phơi đót trước khi kết thành chổi
Người dân phơi đót trước khi kết thành chổi

Anh Hồ Ly Sơ cho biết, làm nghề chổi đót không khó, mình có thể tận dụng được thời gian rảnh buổi trưa hoặc buổi tối. Còn ban ngày thì đi rẫy hoặc lên rừng lấy cây đót. Mỗi ngày vợ chồng mình làm được từ 25 – 30 cái chổi đót. Với giá bán hiện nay khoảng 35 – 40 ngàn đồng/cái. Nhờ nguồn thu nhập từ chổi mà vợ chồng mình cũng trang trải được các chi phí trong cuộc sống, mua sắm được ti vi và các vật dụng cần thiết, cho con cái học hành. Tết cũng gần đến, hai vợ chồng sẽ tích cực làm chổi đem bán để sắm sửa cho gia đình.

Mỗi ngày vợ chồng anh Hồ Ly Sơ cũng làm được từ 25-30 cái chổi đót
Mỗi ngày vợ chồng anh Hồ Ly Sơ cũng làm được từ 25-30 cái chổi đót

Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 30 hộ làm chổi đót. Anh Nót cho biết, từ ngày người dân địa phương quay lại với nghề truyền thống làm chổi, họ được tạo điều kiện vay vốn để phát triển nghề. Bên cạnh đó, nghề làm chổi đã tạo cho chị em phụ nữ Vân Kiều có được công việc ổn định, với nguồn thu nhập đáng kể.

Điều khiến anh Nót cũng như bao hộ dân Vân Kiều còn băn khoăn là việc sản xuất hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thị trường chưa ổn định, khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, anh Nót cũng khẳng định, nghề làm chổi đót đã góp phần thay đổi cuộc sống của bà con theo hướng tích cực hơn so với trước.

Chị Vân tích cực làm chổi để kiếm tiền sắm Tết
Chị Vân tích cực làm chổi để kiếm tiền sắm Tết

Chị Hồ Thị Vân bộc bạch: Hàng ngày mình tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm chổi bán. Nếu làm tích cực thì mỗi ngày cũng kết được khoảng 20 cái/người/ngày. Nhờ có nghề chổi đót mà mình có điều kiện mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình cũng như mua sắm các thứ để đón Tết Nguyên đán. Nghề làm chổi không đòi hỏi cao về kỹ thuật nên chỉ cần chú ý là làm được.

Các thanh niên ở bản cũng phụ giúp gia đình làm chổi
Các thanh niên ở bản cũng phụ giúp gia đình làm chổi

Bên cạnh cây sắn thì sản phẩm chổi đót đã mang lại cho bà con nơi đây nguồn thu nhập ổn định. Mùa Xuân mới lại về, hy vọng bà con Vân Kiều ở các bản làng vùng cao sẽ có thêm một cái Tết đầm ấm từ chổi đót và những vật phẩm đặc trưng của vùng.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm