Quan khách hai họ tím mặt bỏ về khi ca sỹ vừa cất lời

Trong đám cưới, ca sỹ vừa cất tiếng hát thì họ hàng hai bên bất ngờ bỏ về với thái độ bức xúc. Gia đình nhà trai cũng rất bực bội, yêu cầu ca sỹ phải ngừng ngay phần trình diễn.

Suốt 20 năm lăn lộn với các sự kiện lớn nhỏ, MC, ca sỹ Nhật Linh (SN 1979, quê Bắc Giang, hiện đang sống và làm việc tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh đã từng trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc.

“Làm MC đám cưới hay tổ chức sự kiện giống như làm dâu trăm họ . Có nơi, mình dẫn ngắn gọn, lịch sự thì họ bảo thuê phí tiền, dẫn thơ văn dài dòng thì họ bảo mình nói lắm”, MC Nhật Linh tâm sự.

Nam MC cho biết, sau một thời gian làm nghề, anh mới rút ra được kinh nghiệm đó là luôn hỏi ý kiến gia chủ để có lối dẫn phù hợp hơn.


MC Nhật Linh

MC Nhật Linh

“Ở nông thôn, phần lớn mọi người muốn MC phải nói nhiều, hài hước và văn thơ lai láng. Ở thành phố thì khác, các sự kiện, đám cưới được tổ chức ở nhà hàng khách sạn nên gia chủ bao giờ cũng yêu cầu nói ngắn gọn, súc tích và lịch sự. Họ không cần văn thơ và đặc biệt là không thích cách nói hài thô thiển”, MC Nhật Linh chia sẻ.

Tuy vậy, MC này cũng phải thừa nhận, trong quá trình làm nghề, có rất nhiều sự việc đến bất ngờ khiến người dẫn chương trình đám cưới dù có dày dặn kinh nghiệm đến đâu cũng không tránh khỏi lúng túng.

Nhật Linh kể, có lần, đồng nghiệp của anh nhận dẫn chương trình cho một đám cưới ở ngoại thành Hà Nội. Gia đình chú rể thuộc hàng giàu có. Bản thân chú rể cũng là người có quan hệ rộng nên quan khách rất đông.

Đám cưới được tổ chức hoành tráng, MC ra sức dùng những lời hay ý đẹp để thể hiện trước mọi người. Không ngờ, đến màn trao nhẫn cưới thì gặp sự cố.

“MC giới thiệu màn trao nhẫn rất hoành tráng. Cô dâu chú rể cũng rất hào hứng tiến về phía sân khấu. Tuy nhiên chỉ mấy giây sau, mặt chú rể đang hạnh phúc bỗng chuyển sang tái mét. Hóa ra, chú rể đã quên không mang theo nhẫn cưới.

May mắn sao, người MC dẫn chương trình hôm đó cũng là người dày dặn kinh nghiệm nên đã nói đỡ lời, cứu chú rể một bàn thua trông thấy. Anh nói vài câu hài hước rồi nhanh chóng dẫn dắt hôn lễ đến phần tiếp theo”, MC Nhật Linh nhớ lại.

Tuy nhiên theo nam MC này, sai sót trên là chuyện nhỏ trong quá trình làm nghề, anh còn chứng kiến những vụ tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng hơn.

Anh Nhật Linh kể: “Chuyện xảy ra với người đồng nghiệp của tôi. Anh này mới vào nghề MC, thường xuyên dẫn dắt ở các đám cưới khu vực ngoại thành Hà Nội. Hôm đó thông qua bạn bè, anh được thuê làm MC cho một đám cưới ở tỉnh Hòa Bình. Chủ nhà cũng nhờ anh bố trí ca sỹ và âm thanh để biểu diễn trong đám cưới”.

Trong đám cưới, nam MC giới thiệu ca sỹ lên hát nhưng ca sỹ đang hát thì họ hàng hai bên bất ngờ đứng dậy ra về. Trước khi ra về, họ còn tỏ thái độ bức xúc. Gia đình nhà trai thì bực bội, yêu cầu ca sỹ phải ngừng ngay phần trình diễn.

Sau đó MC này mới biết, ở Hòa Bình, các đám cưới rất kiêng kỵ chuyện hát văn. Việc hát văn chỉ được biểu diễn ở các đình đền miếu mạo. Bởi vậy ca sỹ của anh lại biểu diễn 1 bài hát văn khiến hai họ phản ứng mạnh.

“Vụ đó, cô dâu thì khóc hết nước mắt. Gia đình chú rể thì bức xúc còn vị MC thì không biết phải giải quyết ra sao ngoài việc nói lời xin lỗi”, MC Nhật Linh cho biết.

Theo MC Nhật Linh, ở một vài địa phương, việc hát văn trong đám cưới rất được khuyến khích.

“Trong những địa phương đó, một đám cưới gia đình phải yêu cầu ca sỹ hát vài giá văn. Tuy nhiên có những nơi, việc hát giá văn trong đám cưới lại là kiêng kỵ. Cũng như nhạc vàng, ở nhiều địa phương, họ chuộng thể loại nhạc này. Đám cưới, ca sỹ, thanh niên đều hát nhạc vàng. Thế nhưng cũng có nơi, ca sỹ hát nhạc vàng tại đám cưới lại bị la ó phản đối”, anh giãi bày.

Anh cho rằng, để không phạm phải sai sót, trước khi làm chương trình, MC phải làm việc với gia chủ hoặc tìm hiểu thói quen, sở thích và văn hóa của người dân địa phương, sau đó mới chọn bài hát và lối dẫn cho phù hợp.

“Lại có trường hợp khác, cũng vì sai sót của cá nhân mà đám cưới bị dở dang”, Nhật Linh kể tiếp. Anh cho biết, trong đám cưới này, sai sót không thuộc về MC mà thuộc về người đại biểu đại diện họ nhà trai.

“Theo đăng ký của gia đình, MC giới thiệu vị đại diện này lên phát biểu. Không ngờ trong lúc phát biểu, thay vì nói: “Thay mặt cho họ nhà trai… ” ông lại nói: “Thay mặt cho ban tang lễ… ” khiến MC chưa kịp đỡ lời thì phía dưới, họ nhà gái đã la ó và đòi đuổi vị đại diện này xuống. Thì ra vị đại diện này vốn là trưởng ban tang lễ của thôn. Trong các đám tang, ông đều là người dẫn chương trình nên quen miệng phát biểu”, MC Nhật Linh nhớ lại.

Nam MC cho rằng, đây là sai sót khó chấp nhận. Vì thế anh luôn khuyên những người em muốn làm MC rằng, đã làm MC đám ma thì không nên làm MC đám cưới kẻo 1 lời nhầm lẫn có thể phá hỏng chuyện lớn của cả một gia đình…

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm