Phụ nữ Thái ở Sơn La thay đổi cuộc sống nhờ hạt cà phê
(Dân trí) - Nhờ dám mạnh dạn thay đổi, những phụ nữ Thái ở Chiềng Chung với những sản phẩm cà phê chất lượng đã góp phần phát triển kinh tế xã hội gia đình và địa phương.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền đang tự mình vươn lên bằng con đường khởi nghiệp. Họ làm ra rất nhiều sản phẩm góp phần làm giàu cho quê hương, bản làng.
Mô hình hợp tác xã cà phê của những phụ nữ Thái ở xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là một ví dụ.
Cây cà phê xuất hiện ở Sơn La cách đây gần 80 năm và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian trước, nhiều hộ gia đình chỉ biết trồng cà phê bán tươi hoặc phơi khô rồi bán mà chưa biết nâng tầm, tạo ra những sản phẩm chất lượng từ cây cà phê.
Chị Cầm Thị Mòn sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Chung. Gia đình chị có khoảng 2ha cà phê nên người phụ nữ này hiểu nỗi vất vả của những người làm nương rẫy, trồng được hạt cà phê thường bị thương lái ép giá vì thiếu kiến thức, kỹ năng, chưa biết cách chọn lựa để làm sao có những hạt cà phê ngon nhất, đều nhất đem bán.
Xuất phát từ những khó khăn của gia đình và cộng đồng, người phụ nữ này quyết tâm tìm hiểu các kiến thức để trồng cây cà phê chất lượng cao, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cà phê thơm ngon từ mảnh đất Sơn La.
Chị Mòn cùng nhiều chị em người Thái thành lập Hợp tác xã cà phê Ara-Tay Cofee. Nghe về định hướng phát triển của hợp tác xã, nhiều người trước đây có ý định chặt cây cà phê để trồng cây ăn quả đã thay đổi, quyết cùng đồng tâm hiệp lực phát triển kinh tế với mô hình sản xuất mới.
Chị Mòn cùng người dân bản làng đã tìm đến những người đi trước, tham quan những vùng trồng cà phê uy tín trong làng cà phê Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm.
Theo tìm hiểu, sản phẩm của hợp tác xã do chị Mòn đứng đầu được chế biến từ giống cà phê đặc sản Arabica do chính tay những người phụ nữ dân tộc Thái sản xuất. Trong tiếng Thái, "Ara" có nghĩa là Arabica, "Tay" là người Thái.
Tên gọi Ara-Tay mang hàm ý chỉ bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái với cây cà phê, thể hiện tình yêu của người dân tộc dành cho cây cà phê vùng Tây Bắc.
Sản phẩm cà phê của xã Chiềng Chung đã có mặt trên thị trường phục vụ những người yêu thích cà phê. Đó là thành quả của những phụ nữ Thái năng động, dám học hỏi, dám quyết tâm thay đổi để phát triển kinh tế, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo chị Cầm Thị Mòn, hợp tác xã có 14 thành viên (canh tác 70ha cà phê của các thành viên) và 300 hộ vệ tinh của các thành viên. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, hợp tác xã tích cực hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ.
Đến nay hợp tác xã đã có 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao với nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ.
Nhờ dám mạnh dạn thay đổi, học hỏi, những phụ nữ người Thái ở Chiềng Chung với những sản phẩm cà phê chất lượng đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, làm tăng thêm giá trị và khả năng cạnh tranh cho hạt cà phê tại địa phương.