Trà Vinh:

Phiên dịch giúp đồng bào Khmer làm giàu

(Dân trí) - Suốt 7 năm qua, ông Thạch Kiên, dân tộc Khmer làm phiên dịch để làm cầu nối giữa đồng bào dân tộc Khmer và cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy nhiều người nắm vững kỹ thuật trồng lúa giúp tăng năng suất, vươn lên làm giàu.

Ông Kiên, 49 tuổi sinh ra và lớn lên ở ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh)  – nơi có 93% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Năm 2004, ông Kiên được bà con nơi đây tính nhiệm bầu giữ chức vụ trưởng ấp. Ông Kiên nhớ lại: “Hầu hết bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer đều không biết tiếng Việt nên tôi đứng ra lý giải để bà con hiểu. Các tờ rơi, tờ bướm cũng rất ít bà con biết đọc và hiểu nên mình phải giải thích cặn kẽ bằng tiếng Khmer mới hiểu được…”.

Phiên dịch giúp đồng bào Khmer làm giàu
Ông Thạch Kiên (bìa phải) phiên dịch để làm cầu nối giữa cán bộ kỹ thuật và đồng bào Khmer ở địa phương

Việc trở thành phiên dịch đến với ông Kiên một cách rất tình cờ vào năm 2007. Khi đó, đoàn cán bộ của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang có chương trình cùng nông dân ra đồng đã chọn ông để làm phiên dịch cho bà con đồng bào dân tộc Khmer ở đây. Bởi vì, lúc đó cán bộ kỹ thuật tuyên truyền bằng tiếng Việt nhưng đa số bà con không hiểu tiếng Việt. Vì vậy, ông Kiên phải đi theo để hướng dẫn cho bà con hiểu cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa. Mỗi tuần, khi cán bộ kỹ thuật họp ở nhà dân hay đồng ruộng thì ông Kiên phải theo sát phiên dịch giúp bà con dân tộc Khmer hiểu.

Nhờ là người dân tộc Khmer nên ông hiểu được phong tục tập quán, cách sống, suy nghĩ của đồng bào nên việc phiên dịch rất dễ dàng. Ông Kiên cho rằng, để thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer là việc làm không hề đơn giản chút nào. Chẳng hạn như việc chuyển từ sạ lúa bằng tay qua sạ hàng phải tốn rất nhiều lần thuyết phục và qua vài vụ thành công người dân nơi đây mới làm theo. Nhờ vậy mà đồng bào dân tộc Khmer đã hiểu và từ từ làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra, theo ông Kiên, việc phiên dịch không thể theo nguyên văn cán bộ kỹ thuật mà phải lý giải theo cách nói của đồng bào dân tộc Khmer, thêm vào những từ ngữ vui để đồng bào chú ý và tiếp thu kiến thức nhanh chóng.

Cánh đồng mẫu lớn của đồng bào Khmer ở ấp Cầu Tre
Cánh đồng mẫu lớn của đồng bào Khmer ở ấp Cầu Tre

Cách đây 7 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở ấp Cầu Tre chiếm khoảng 76% gần như cao nhất, nhì của tỉnh Trà Vinh. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn nơi đây đã đổi thay rất lớn, tỷ lệ hộ nghèo kéo xuống dưới 10%. Ông Kiên Ninh – Chủ tịch UBND xã Phú Cần cho biết: “Từ khi xây dựng cánh đồng mẫu năng suất lúa ở ấp Cầu Tre đã tăng lên gấp 2,5 lần đạt từ 8,5 đến 9 tấn/ha nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Những thay đổi ở ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhờ công lao rất lớn của ông Kiên. Theo thống kê, toàn ấp tỷ lệ hộ giàu bây giờ đã lên đến hơn 60%, trên 30% hộ giá giả. Ông Kiên cho biết: “Từ khi xây dựng cách đồng mẫu, bà con nông dân ở đây đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên năng suất rất cao, cuộc sống từ đó đổi thay theo. Bây giờ hầu hết bà con đều nắm vững kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại để đem lại hiệu quả cao nhất”.

Nông dân Khmer ở ấp Cầu Tre ngày càng khá giả nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa
Nông dân Khmer ở ấp Cầu Tre ngày càng khá giả nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa

Cánh đồng mẫu ở ấp Cầu Tre nhiều năm liền đạt hiệu quả rất cao giúp thay đổi diện mạo nông thôn mới của vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ông Kiên vẫn ngày ngày miệt mài làm phiên dịch cho bà con nông dân để áp dụng tiến bộp khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Bây giờ mô hình cánh đồng mẫu của bà con ở ấp Cầu Tre đạt hiệu quả rất cao với trên 90% diện tích được sạ hàng; hầu hết bà con đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Những kỹ thuật sản xuất mới này được áp dụng vào đồng ruộng có công đóng góp rất lớn của ông Thạch Kiên với vai trò làm phiên dịch viên.

Minh Giang