Phiên chợ lạ toàn cá, dân xếp hàng chia phần chẳng cần cân ở Bắc Giang

Thảo Trinh

(Dân trí) - Sau khi đánh bắt cá từ dưới khu vực ao chung lên, người dân Bắc Giang chia và xếp từng mẻ cá nhỏ thành các suất đều nhau, đặt kín sân cho các gia đình đến nhận, mang về chế biến.

Mới đây, những hình ảnh ghi lại hoạt động bắt cá ở ao rồi chia đều cho người dân trong làng được chị Nguyễn Hà (37 tuổi, sống ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đăng tải trên mạng đã nhanh chóng thu hút nhiều sự chú ý. Đa phần ai nấy đều tỏ ra thích thú, ngạc nhiên với khung cảnh chia cá đều tăm tắp, xếp kín khoảng sân rộng của bà con nơi đây.

"Nhìn cảnh chia cá độc đáo quá, mình chưa thấy bao giờ", "Ở quê có nhiều hoạt động thú vị, mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm nữa", "Bà con nơi đây tuyệt vời quá, cá mua đâu chẳng được nhưng phát thế này có ý nghĩa hơn",...

Phiên chợ lạ toàn cá, dân xếp hàng chia phần chẳng cần cân ở Bắc Giang - 1

Bài viết và hình ảnh về khung cảnh chia cá độc đáo nơi làng quê ở Bắc Giang "hút" hàng nghìn lượt tương tác và được chia sẻ rộng rãi (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Hà cho biết, khoảnh khắc chia cá thành từng mẻ đều nhau, xếp kín sân rồi phát cho người dân được ghi lại tại thôn Phương Lạn 6, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

"Từ khi mình còn nhỏ, làng đã có truyền thống độc đáo này. Đây là khu vực ao hợp tác xã, người dân trong thôn sẽ cùng nhau đóng tiền mua cá giống rồi thả tự nhiên. Sau hai năm sẽ tiến hành thu hoạch, chia làm hai lần vì số lượng cá rất nhiều", chị Hà nói.

Phiên chợ lạ toàn cá, dân xếp hàng chia phần chẳng cần cân ở Bắc Giang - 2

Người dân thôn Phương Lạn 6 nhộn nhịp chia cá từ sáng sớm (Ảnh: Nguyễn Hà).

Theo người phụ nữ 37 tuổi, khu vực ao rất rộng, trong thôn có khoảng 200 hộ dân. Hàng năm, các hộ dân góp tiền mua một số loại cá giống như cá mè, cá chép, cá trôi rồi nuôi thả tự nhiên ở ao.

Trước khi thu hoạch, mỗi gia đình thường đóng góp khoảng 50.000 đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ thuê người kéo và chia cá. Số tiền dư còn lại sẽ được trích vào khoản mua cá giống cho vụ sau.

"Sau buổi thu hoạch cá, trưởng thôn sẽ họp và thông báo số tiền còn lại rồi lấy ý kiến người dân xem kinh phí mua cá đợt tiếp theo là bao nhiêu. Hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình từ các hộ gia đình trong thôn ", chị Hà chia sẻ.

Phiên chợ lạ toàn cá, dân xếp hàng chia phần chẳng cần cân ở Bắc Giang - 3

Các hộ dân trong thôn cùng mua cá giống, nuôi thả tự nhiên trong khu vực ao hợp tác rồi thu hoạch sau 2 năm (Ảnh: Nguyễn Hà).

Người phụ nữ này cho biết thêm, thông thường, vào dịp nghỉ lễ hoặc ngày chủ nhật của tháng 4 đến tháng 5 hàng năm, dân làng sẽ bắt đầu thu cá. Từ sáng sớm, các thanh niên trai tráng, đàn ông khỏe mạnh trong thôn nhộn nhịp đến khu vực ao hợp tác xã rồi tập trung kéo lưới, bắt cá. 

Sau đó, tổ chia cá gồm nhiều phụ nữ tiếp tục tiến hành các công việc tiếp theo như phân loại cá, xếp thành từng phần khác nhau. Mỗi phần cá tương ứng với một suất là một hộ gia đình, được chia đều tăm tắp, thẳng hàng và đặt kín khoảng sân rộng.

Phiên chợ lạ toàn cá, dân xếp hàng chia phần chẳng cần cân ở Bắc Giang - 4

Một người dân hào hứng, vẻ mặt rạng rỡ sau khi thu hoạch được mẻ cá lớn (Ảnh: Nguyễn Hà).

Phiên chợ lạ toàn cá, dân xếp hàng chia phần chẳng cần cân ở Bắc Giang - 5

Những con cá to, nặng khoảng vài cân được gom thành từng suất. Mỗi suất 3 con, được xếp đều nhau thành từng hàng thẳng tắp, chờ người dân đến lấy (Ảnh: Nguyễn Hà).

Chị Hà tiết lộ, trước đây, mỗi lần chia cá, làng thường gõ kẻng. Ngày nay, phương tiện thiết bị hiện đại hơn, người ta dùng loa phát thanh, thông báo các hộ dân tới lấy cá. 

Khung cảnh chia cá nhộn nhịp, người dân xếp hàng đông đúc xung quanh tạo bầu không khí như phiên chợ. Tuy nhiên, "phiên chợ" này khá đặc biệt bởi mặt hàng chỉ toàn là cá. Việc phân chia thực tế cũng được ước chừng, chẳng cần cân đo mà vẫn đảm bảo đồng đều nhau, không theo một tiêu chí cụ thể nào.

"Bây giờ đi đâu mua mà chẳng có cá nhưng các hộ dân khi được gọi đi nhận cá tươi sống, nuôi trong ao đều rất vui, không khí nhộn nhịp từ sáng sớm. Đây chính là nét đẹp truyền thống của quê mình, được lưu giữ suốt nhiều năm và mình rất tự hào về điều đó", chị Hà tâm sự.