Hưng Yên:

“Ông vua” đồng hồ cổ đất Bắc

(Dân trí) - Từ ngày “xiêu lòng” đồng hồ cổ cho đến nay, sau 25 năm đi sưu tầm, đến nay ông Thủy đã sở hữu gần 1000 chiếc đồng hồ cổ trong tay, nhiều cái có niên đại hàng trăm năm. Chính vì vậy mà ông được giới cổ vật miền Bắc phong là “Vua” đồng hồ cổ.

“Ông vua” đồng hồ cổ là biệt danh mà mọi người đặt cho ông Trịnh Thủy (67 tuổi), ở thôn Trà Lân, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Không chỉ sở hữu gần 1000 chiếc những chiếc đồng hồ phương Tây, nhiều cái có niên đại hàng trăm năm và có giá trị nhất hiện nay, ông Thủy còn là thợ chữa đồng hồ nổi tiếng khắp vùng.

Trong căn nhà ba gian với lối kiến trúc cổ kính của ông Thủy, luôn vọng ra những âm thanh tích tắc của gần 1000 chiếc đồng hồ. Từ ngày “xiêu lòng” đồng hồ cho đến nay, khắp các gian nhà ông Thủy chỗ nào cũng treo đồng hồ. Những tiếng kêu tích tắc rồi nhịp chuông kêu vang của đồng hồ khi chạy đã khiến người đàn ông này thêm si mê và gắn bó với chúng, coi như một người bạn tâm giao, tri kỷ.

z1-c5937
"Ông vua" đồng hồ cổ Trịnh Thủy

Ông Thủy vốn là thợ cơ khí làm việc nhà máy dệt Nam Định, sau 26 năm làm việc tại Nam Định, năm 1992 ông nghỉ hưu sớm rồi về Hưng Yên sinh sống. Nói về cơ duyên đến với đồng hồ cổ, ông Thủy cho biết, trong một lần đến nhà của một người quen chơi. Ông nhìn thấy chiếc đồng hồ dây cót để trên bàn, bản tính tò mò nên ông cầm lên vặn thử. Nhưng vừa lên dây cót một vòng thì chiếc đồng hồ bật tung hết các bộ phận. Lúc này, chủ nhà định vứt cái đồng hồ hỏng đi, nhưng ông Thủy xin lại về để sửa.

Sau thời gian mày mò, lại là thợ cơ khí nên ông Thủy cũng sửa chữa xong chiếc đồng hồ. khi lên dây cót xong thì chiếc đồng hồ hỏng đã hoạt động như thường. Chính vì cái duyên lần đầu đến với chiếc đồng hồ cổ ấy, dần dần, ông bị những tiếng tích tắc của đồng hồ “mê hoặc”.

Cái “máu” mê đồng hồ cổ ngấm vào da thịt ông cũng từ đấy mà ra, bắt đầu từ đấy ông Thủy đã đi khắp nơi sưu tập nhiều đồng hồ cổ với đầy đủ chủng loại, kích cỡ và có “quốc tịch” ở nhiều nước như: Pháp, Đức, Nga...

Hầu hết, nơi nào có đồng hồ cổ ông đều tìm đến “gạ” chủ nhân để lại cho mình bằng được, kể cả đồng hồ đã hỏng. Với kinh nghiệm làm thợ cơ khí, nên nhiều chiếc đồng hồ cổ đã được ông Thủy sửa chữa thành công. Nhờ vậy mà ông nổi tiếng khắp vùng không chỉ với việc sưu tập đồng hồ cổ mà còn lại tài sửa chữa.

Ông Thủy cho biết: “Khi sửa chữa những đồng hồ hỏng, nhiều chi tiết được làm bằng tay rất tinh xảo, sửa dần dần rồi cũng quen, kinh nghiệm nhiều lên, sau này khi nhìn là biết chiếc đồng hồ biết bệnh gì”.

z2-dae6f
Trong nhà ông Thủy treo đủ loại đồng hồ cổ lớn nhỏ

Để “thỏa” cái thú vui với đồng hồ cổ, ông phải kinh doanh, mua đi bán lại mới có thể đủ tài chính để sưu tập. Tất nhiên, những chiếc nào ông thích thì ông giữ lại, chứ không phải toàn bộ là kinh doanh.

Ông Thủy tâm sự: “Sưu tập đồng hồ cổ tốn tiền lắm, lúc ban đầu tôi chỉ là thợ cơ khí về hưu làm gì có tiền mà chơi đồng hồ cổ, chỉ dám mơ những chiếc bé vừa tiền. Nhiều chiếc có giá đến chục triệu rồi trăm triệu. Vì thế, để có tiền “rước” những chiếc đồng hồ cổ mình thích về, tôi phải bán lại để có tiền đầu tư và nhập về chiếc khác”.

Để có một không gian sống tích tắc tiếng chuông đồng hồ, ông Thủy phải tốn rất nhiều công lao và tiền của mới mang được chúng về nhà. Suốt 25 năm qua, ông đã sở hữu được gần 1.000 chiếc đồng hồ cổ trong tay và được đông đảo giới sưu tầm tìm về hỏi mua với giá cao ngất ngưởng tới hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, ông chỉ giao bán với những chiếc đồng hồ mà ông coi là mặt hàng để kinh doanh, còn nhiều chiếc có niên đại thì ông vẫn giữ gìn cẩn thận, coi như những món quà vô giá, một người bạn tâm giao của cuộc đời mình.

z3-ae50a
Nhiều chiếc đồng hổ cổ trong đó có niên đại hàng trăm năm

Kể về những kỷ niệm của các chuyến đi xa xôi ấy, ông Thủy chia sẻ: “Có rất nhiều trường hợp khi tôi đến tận nơi hỏi mua nhưng rồi họ không muốn bán nữa. Tôi phải thuyết phục đến cả chục lần thì người chủ mới chấp thuận”.

Kể từ biết ông Thủy có nhiều đồng hồ cổ, hằng tháng có hàng trăm người đến nhà tham quan và chiêm ngưỡng đồng hồ cổ. Còn với ông, mỗi ngày được nghe tiếng tích tắc, tiếng chuông đồng hồ vang lên khiến cuộc sống xô bồ hiện đại trở nên thật ý nghĩa và thanh tịnh. Ông vẫn ví những âm thanh lúc trầm lúc bổng của tiếng chuông kêu như bản tình ca viết riêng cho cuộc đời ông.

Đức Văn

“Ông vua” đồng hồ cổ đất Bắc - 4