Nữ thạc sĩ Việt dựng vườn hoa bốn mùa rộng 300 m2 giữa lòng thành phố Đức
(Dân trí) - Ngày chuyển sang sống tại miền nam nước Đức, chị Thùy Dung cùng chồng tự tay thiết kế khu vườn hoa rộng 300 m2, tràn ngập hương sắc quanh năm với đủ màu và giống cây các loại.
Đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng phải tới khi theo học ở trời Tây, chị Thùy Dung và chồng mới có cơ hội quen biết nhau. Cả hai cùng tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại một ngôi trường đại học hàng đầu nước Đức rồi nên duyên và "về chung một nhà".
Vì tính chất công việc, chị Dung và chồng có nhiều cơ hội "ngao du" đó đây, làm việc tại một số thành phố lớn trên thế giới. Sau đó, cặp vợ chồng trẻ lần lượt chào đón hai người con tại đảo quốc Singapore. Khi các bé đến tuổi đi học, vợ chồng chị bàn bạc quay trở lại Đức, "tậu" một căn nhà vườn yên bình ở phía nam.
Khu vườn của gia đình chị Dung rộng 300 m2, bao quanh căn nhà và được thiết kế đẹp mắt. Chị trồng đủ loại cây và hoa bốn mùa để vườn tràn ngập hương sắc quanh năm.
Mùa xuân, vườn đẹp như tranh bởi sắc hoa anh đào, hoa mộc lan, tử đằng, tử đinh hương, hoa mẫu đơn và rất nhiều loài tulip. Sang mùa hè, khu vườn "chật kín" những giống hồng bụi, hồng leo với nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau.
Chị Dung trồng nhiều giống hồng như hồng đỏ Honor of Veterans, hồng cam, hồng leo Aloha, hồng vàng Sunsprite hay David Austin, Botticelli, Sunsprite,... để thỏa mãn niềm đam mê chinh phục "nữ hoàng các loài hoa".
Mùa thu, cây cối trong vườn hầu hết đều đổi màu, nổi bật nhất là cây phong lá đỏ của Canada và cây lá đỏ xuất xứ từ Nhật. Riêng mùa đông chỉ còn rặng thông xanh tươi, toát lên vẻ đẹp lạ khi phủ tuyết trắng xóa.
Thời gian đầu làm vườn hoa, người phụ nữ Việt cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc phải rèn sự kiên nhẫn. "Khi trồng cây, không thể cứ muốn nhanh mà được. Mình phải chờ đợi từ lúc cây bắt đầu chỉ là những bộ rễ, đến khi phát triển thành mầm lá, nảy nụ rồi ra hoa. Có thời điểm, cây bị sâu bệnh và hỏng, mình phải cặm cụi cắt bỏ hết, làm lại từ đầu. Dần dần, mình học được tính kiên nhẫn nên những khó khăn ban đầu lại trở thành đức tính tốt cho bản thân", chị Dung nói.
Nữ thạc sĩ trẻ cũng tiết lộ, khí hậu ôn đới tại địa phương giúp việc làm vườn, trồng hoa trở nên thuận lợi hơn. Mùa hè, thời tiết nắng nóng, chị chú ý tưới nhiều nước cho cây.
Tuy nhiên, mùa đông nơi đây rất lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều cây bị đóng đá. Một số khác thì không sống được qua giai đoạn này. Lúc đó, chị Dung sẽ đắp rễ cây bằng rơm rạ, lá khô và dùng một tấm phủ chuyên dụng che chắn, bao bọc cho cây khỏi dính tuyết lạnh.
"Vào khoảng tháng 3, tháng 4, khi thời tiết ấm lên thì mình bắt đầu bón phân để cây có sức trổ hoa vào tháng 6. Sau khi hoa nở đợt một, mình tiến hành cắt tỉa những bông đã tàn và lại bón phân để cây khỏe, chuẩn bị nở tiếp lần hai vào tháng 8", chủ nhân khu vườn cho hay.
Mỗi ngày, sau giờ làm việc, chị Dung thường dành khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ ra vườn ngắm nghía, quan sát để kịp thời phát hiện và đối phó khi cây có bọ trĩ hoặc sâu.
Để phòng tránh sâu bệnh, chủ nhân khu vườn ưu tiên chọn giống cây khỏe mạnh và sử dụng một số dung dịch pha loãng từ những nguyên liệu có sẵn trong bếp như nước rửa bát, baking soda. Chị cũng dùng dầu neem để trị bọ trĩ, thậm chí tự tay bắt sên trần giúp hoa nở tươi tốt hơn.
Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vợ chồng chị Dung phải làm việc tại nhà, còn các con chuyển sang học online. Nhờ có khu vườn tràn ngập các loài hoa mà bốn thành viên không còn cảm thấy bức bối hay nhàm chán. Họ cũng có thêm điểm đến thú vị ngay tại gia, cùng nhau chăm sóc cây cối và lưu giữ những kỷ niệm quý giá.