Nữ giáo viên nghỉ không lương kể chuyện "mắc kẹt" lại Sài Gòn giữa đại dịch

Băng Châu

(Dân trí) - Nhiều lao động nhập cư tại TPHCM bị mất việc, nghỉ không lương trong mùa dịch. Họ lo lắng Covid-19 bùng phát, không dám rời TP về quê vì sợ ảnh hưởng đến gia đình và người thân.

Nỗi lo thất nghiệp giữa tâm dịch

Hai lần giãn cách xã hội trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến cuộc sống nhiều người lao động ở TPHCM vốn đã khó khăn, nay còn khó hơn gấp bội. Với lao động nhập cư, làm thuê ở thành phố, mỗi tháng chi phí cứng họ phải chi trả gồm tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống… cùng hàng loạt khoản không tên.

Nữ giáo viên nghỉ không lương kể chuyện mắc kẹt lại Sài Gòn giữa đại dịch - 1

Cuộc sống của người nhập cư tại Sài Gòn gặp vô vàn khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (Ảnh minh họa: Hải Long).

Đã qua 3 tuần giãn cách, nhiều công việc không thiết yếu tại TP buộc phải tạm ngưng để tránh lây lan dịch bệnh.

Anh Thành Long (33 tuổi, quê ở Sóc Trăng), đang thuê nhà tại quận 11 mở dịch vụ làm đẹp, trang điểm, phun xăm thẩm mỹ, kể suốt mấy đợt dịch vừa qua, tiệm của anh hết đóng, lại mở… liên tục. Mất khách, tiền sụt giảm và đến nay anh mất hẳn thu nhập.

"Mỗi tháng chi phí thuê nhà 7 triệu, nếu công việc ổn định, thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng cũng giúp tôi đủ xoay sở. Từ ngày dịch bùng phát, khách hàng cắt giảm chi tiêu, họ làm việc ở nhà nên tiệm tôi cũng phải đóng cửa", anh Long kể và cho hay đây là giai đoạn phải cắt giảm mọi chi phí và "chọn cách sống lay lắt để cầm cự".

Chị Mai Trâm (30 tuổi), quê ở Đắk Lắk hiện là giáo viên mỹ thuật của một trường tư tại quận 10, TPHCM chia sẻ, từ cuối tháng 5, khi cơ sở giáo dục phải tạm đóng cửa để phòng dịch, cũng là lúc chị nghỉ… không lương. 

"Giáo viên dạy cuối cấp hay các môn luyện thi có thể dạy online, đủ thu nhập. Riêng môn của tôi thì không. Giờ cũng đành chịu chứ biết làm sao, đó đã là quy định", chị Trâm nói buồn bã.

Vừa ở nhà phòng dịch, chị vừa chờ đợi ngôi trường mình đã gắn bó hơn một năm có khoản gì đó hỗ trợ cho những giáo viên nghỉ không lương như mình. Nhưng đó vẫn chỉ là… hy vọng.

"Mỗi ngày tôi càng thấy lo lắng hơn khi dịch chưa có dấu hiệu giảm, việc đi dạy hè như mọi năm có lẽ bất khả thi" - chị Trâm than.

Không thể về quê vì sợ gia đình ảnh hưởng

Đối mặt với bộn bề lo toan trong cuộc sống khi chi phí sinh hoạt ở TPHCM cao hơn hẳn quê nhà, nhưng nhiều lao động nhập cư không dám về quê tránh dịch. Họ nói mình đang "bị kẹt" lại thành phố.

Sáng 17/6, khi dịch ở TPHCM đang nóng bỏng, chị Mai Trâm ở nhà mở báo mạng ra đọc tin liền bị "đập" vào mắt dòng tít: "Ai cũng có thể là F0". Thông tin càng khiến nữ giáo viên quê Đắk Lắk lo lắng.

Nghỉ việc không lương đã gần 2 tháng, chị Trâm mong mỏi được về quê tránh dịch nhưng để đưa ra quyết định này thật khó.

"Tôi về quê chịu cách ly 21 ngày cũng không sao, nhưng lo cả gia đình bị ảnh hưởng. Ở nhà tôi, một số người không 'hoan nghênh' người về từ thành phố", chị Trâm buồn bã cho biết.

Anh Thành Long đồng cảnh ngộ, cũng không thể về Sóc Trăng vì lo ảnh hưởng đến gia đình. 

"Tôi muốn về quê và có nhờ em trai hỏi chính quyền địa phương thì được biết quy định ai về từ TPHCM phải cách ly. Ba mẹ ở quê đều lớn tuổi, tôi lo lỡ mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều người".

Việc nhiều tỉnh thành hạn chế xe khách đi và đến TPHCM khiến khoảng cách từ thành phố về quê… càng xa tắp.

Nữ giáo viên nghỉ không lương kể chuyện mắc kẹt lại Sài Gòn giữa đại dịch - 2

Nhiều người lao động nhập cư tại TPHCM bị mất việc, nghỉ không lương trong mùa dịch (Ảnh minh họa: Hải Long).

Chị Mai (26 tuổi) đang làm tự do, trọ tại quận Gò Vấp cho biết, gia đình ở Đồng Nai, cách TPHCM vài chục km nhưng từ thời điểm bùng dịch đến nay không dám về nhà, phần vì lo lắng ảnh hưởng đến gia đình, bà con hàng xóm.

"Về nhà thì phải ở chung với gia đình, mình có gắng đảm bảo an toàn thế nào đi nữa cũng khó tránh khỏi sự e ngại của người xung quanh. Tôi chọn ở lại thành phố, chờ ngày… hết dịch rồi về", chị Mai trải lòng.