Nữ giám đốc trẻ khát khao đi tìm tương lai mới cho trẻ bại não
(Dân trí) - Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đặng Thị Phương Thảo không chỉ được biết đến là một sinh viên năng động, nhiều thành tích xuất sắc trong học tập mà còn là một người giàu lòng nhân ái, luôn miệt mài với công việc giúp đỡ trẻ khuyết tật.
Mối “duyên nợ” với trẻ bại não
Chị Phương Thảo cho biết, “Ngay từ những ngày còn là sinh viên trường Y Hải Dương, được thực tập tại bệnh viện và tiếp xúc với trẻ bại não tôi đã khao khát mình phải làm được điều gì đó để giúp đỡ các bé.”
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp, chị Thảo mỉm cười nói: “Có vẻ khó tin nhưng đúng là tôi có duyên nợ với trẻ bại não, ra trường được nhận vào làm ở một tập đoàn y dược nổi tiếng, sau một thời gian làm việc tôi có được vị trí cao và mức thu nhập khá lý tưởng, nhưng đam mê luôn hối thúc tôi quay trở lại với trẻ bại não, với những nghiên cứu còn dang dở. Tôi quyết định xin nghỉ việc.”
“Suốt một năm sau đó, tôi không nghỉ ngơi ngày nào, ban ngày thì chạy “lông nhông” ngoài đường từ nhà bé này đến bé khác để hướng dẫn cho phụ huynh và tập luyện cho các bé, tối lại cặm cụi với công việc nghiên cứu và học tập. Tôi may mắn được nhiều chuyên gia trong ngành giúp đỡ để học tập nâng cao kiến thức. Đó là quãng thời gian hết sức vất vả nhưng nhiều niềm vui, hạnh phúc.”
Câu chuyện khởi nghiệp từ tâm
Cách đây vài năm, Phương Thảo thân gái một mình đi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam để giúp đỡ cho cộng đồng phụ huynh và các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Phương Thảo cho rằng, bản thân mình có sức trẻ - có thể mang hy vọng đến với nhiều mảnh đất xa xôi khác, nơi có nhiều trẻ bại não không đủ điều kiện tập luyện và học tập. Cũng chính vì nhiệt huyết đó mà “cô Thảo” (cách gọi thân mật mà các phụ huynh dành cho Phương Thảo) dần trở thành cái tên quen thuộc với cồng đồng phụ huynh có con mắc bại não trên cả nước.
Nhắc đến cô giám đốc trẻ Phương Thảo, chị V.T.M – một phụ huynh có con mắc bại não tại Củ Chi cho biết: “Gia đình tôi không đủ điều kiện để đưa con đi điều trị, tình cờ trong một buổi chia sẻ của cô Thảo tại Bệnh viện, tôi được tham gia vào nhóm hỗ trợ trẻ bại não do cô Thảo thành lập, không chỉ đến tận nơi đánh giá tình trạng và lên kế hoạch tự tập luyện cho các con, cô Thảo còn thường xuyên gửi các video hướng dẫn tự tập luyện lên nhóm, đánh giá cách tự tập của phụ huynh cho con xem đã đúng chưa...Chúng tôi lại cảm thấy con mình có nhiều hy vọng hơn”.
Khao khát khẳng định mình của nhà nghiên cứu trẻ
Sau một thời gian dài chỉ tập trung vào công tác nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng, Đặng Thị Phương Thảo quyết định cùng một số đồng nghiệp trình bày tâm huyết của mình - công trình nghiên cứu về can thiệp toàn diện cho trẻ bại não, chậm phát triển với Trung ương Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, được sự hưởng ứng và đánh giá cao từ phía hội đồng các giáo sư, tiến sĩ thuộc hội đồng chuyên môn. Các chuyên gia cho rằng, đây không phải là vấn đề mới trên thế giới nhưng lại chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều ở Việt Nam.
Từ đó Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục hòa nhập và Phục hồi chức năng Vina Health (gọi tắt là Trung tâm Vina Health) ra đời với Đặng Thị Phương Thảo được Trung ương hội giao nhiệm vụ làm giám đốc. Trung tâm Vina Health của những nhà nghiên cứu trẻ hiện được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về năng lực và tâm huyết.
Theo đại diện tổ chức Cerebral Palsy Alliance (CPA) đến từ Úc - Trung tâm Vina Health có khá nhiều kinh nghiệm thực tế, sáng tạo trong công tác nghiên cứu và ứng dụng cũng như có rất nhiều tâm huyết với trẻ với bại não.
Trước đây rất ít người theo ngành này vì giáo dục và can thiệp cho trẻ bình thường đã rất vất vả, với các trẻ mắc bại não thì công việc còn phức tạp hơn rất nhiều lần. Chính những thành công mà đội ngũ trẻ ở Trung tâm Vina Health đạt được đã góp phần không nhỏ trong việc truyền lửa cho các bạn trẻ khác, nhu cầu theo học các ngành liên quan cũng phát triển trong những năm gần đây.
Nhìn cách họ làm việc, có thể thấy họ yêu nghề, say mê với nghề mình đang theo đuổi đến nhường nào, họ khóc cùng phụ huynh mỗi lần trẻ đau ốm, họ hạnh phúc cùng trẻ trong mỗi bước chân, tiếng gọi đầu đời.
Ở tuổi 30, khi các bạn đồng trang lứa đã an bề gia thất, Đặng Thị Phương Thảo vẫn cặm cụi với công việc từ sáng sớm cho tới tối khuya, cô dường như trót “đánh rơi” một phần thanh xuân của mình cho công việc, hỏi Phương Thảo có bao giờ thấy mệt mỏi với công việc không, cô trả lời:
“Đam mê chỉ thành công khi bạn thực sự nghiêm túc và theo đuổi nó đến cùng. Khi nhìn vào tôi bạn sẽ chỉ thấy một cô gái vóc dáng nhỏ bé nhưng khi nhìn vào chất lượng đội ngũ và các cơ sở của Vina Health, nhìn vào nụ cười hài lòng từ phụ huynh bạn sẽ thấy tôi khổng lồ.”