NSƯT Trần Lực dạy con 5 giá trị sống khi chơi thể thao
Là một trong những ông bố tiên phong ủng hộ phong cách sống năng động, luôn tạo điều kiện để con thoải mái phát triển khả năng và chơi môn thể thao con yêu thích; mới đây Đạo diễn Trần Lực đã chia sẻ bé Bờm đặc biệt hứng thú với môn bóng đá. Ông bố hot nhất “Bố ơi mình đi đâu thế” còn đóng vai “chuyên gia tâm lý” đưa cách giải quyết 5 tình huống “đau đầu” phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ khi chơi bộ môn này.
Trong quá trình chơi bóng, điều đầu tiên có thể kể đến là trẻ rất dễ nản chí, bỏ cuộc. Với kinh nghiệm của gia đình mình, anh có lời khuyên gì với các bố mẹ khác trong việc khuyến khích tinh thần quyết tâm cho con?
Khi chơi thể thao, bố mẹ phải tạo không khí vui vẻ và bình đẳng, đúng nghĩa là “chơi” để khích lệ bé. Nên đồng cảm với thất bại của con, từ đó tạo cho sự tự tin và quyết tâm hơn.
Đặc biệt, nên hướng dẫn con về một mẫu hình thần tượng để con tập trung noi theo, luyện tập mỗi ngày. Bố mẹ có thể kể những câu chuyện về cách cầu thủ nổi tiếng đã kiên trì, quyết tâm tập tâng bóng, dắt bóng mỗi ngày ra sao... để con được khuyến khích tập luyện, luôn quyết tâm với mục tiêu của mình.
Trong việc giáo dục con ngày nay, rất nhiều cha mẹ đề cao, khuyến khích con tự lập. Nếu con mình đang chơi bóng mà chẳng may đá bóng lên cành cây, anh sẽ hướng dẫn con tự tìm cách lấy quả bóng xuống hay gợi ý cho con cùng bạn bè nghĩ cách lấy?
Tôi cho rằng, tự lập là tốt nhưng không nhất thiết phải giải quyết tình huống một mình. Với trường hợp này, tôi sẽ lấy giúp trong lần đầu tiên nhưng đến lần sau nữa thì tôi khuyến khích con nhờ bạn bè đến hỗ trợ lấy bóng xuống mà chơi tiếp... để con có được kĩ năng, tinh thần đoàn kết làm việc nhóm.
Vậy anh sẽ xử lý như thế nào nếu anh chị bị hàng xóm sang nhà than phiền vì các con chơi bóng cùng bạn gây ồn ào ảnh hưởng giờ nghỉ ngơi của mọi người?
Tôi sẽ gợi ý các con chuyển giờ chơi bóng, tránh làm phiền lúc hàng xóm nghỉ ngơi. Dù là ở nhà hay trên sân bóng thì con cũng cần tuân theo các quy định, tôn trọng những thỏa hiệp đã đề ra.
Sự tự mãn là điều khó tránh khỏi trong một số tình huống khi trẻ đạt thành tích nổi trội quá sớm. Theo anh, mình nên dạy con điều gì khi con có biểu hiện hiếu thắng?
Theo tôi, không nên quá khen ngợi thành tích của con và khiến con tự mãn, cần dạy con tính khiêm tốn khi chơi thể thao, biết khen ngợi bạn cùng chơi vì bạn cũng sẽ có những thứ để mình học hỏi. con muốn giỏi, muốn tiến xa hơn, muốn được mọi người yêu mến thì càng phải biết khiêm tốn.
Nếu trẻ mải mê chơi bóng, vô tình đá bóng làm vỡ đồ đạc, sợ bị mắng nên không dám nhận lỗi, anh sẽ xử lý ra sao?
Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn cần những “trái tim dũng cảm” trên sân cỏ. Đó là thái độ biết hối lỗi, chịu trách nhiệm với hành động của mình và tìm cách sửa sai. Để làm được điều này, bố mẹ cần dạy trẻ cách xin lỗi ngay từ sớm vì việc nhận lỗi là một biểu hiện của lòng dũng cảm, dù không cố tình nhưng đã gây ra lỗi thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này cũng vậy, nếu con đã biết nhận lỗi thì không người lớn nào trách mắng đâu!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
PV
5 bài học về đoàn kết, khiêm tốn, tôn trọng, quyết tâm, dũng cảm là 5 giá trị chung mà mối quan hệ hợp tác giữa MILO và Barcelona hướng tới. Chương trình hợp tác này đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, mối quan hệ này là bước tiến tiếp theo của chương trình “Năng động Việt Nam” do MILO khởi xướng, khuyến khích trẻ em thường xuyên tập thể thao, rèn luyện sức khỏe cũng như phát huy 5 giá trị sống mà thể thao mang lại cho các em. Cái “bắt tay” này cũng giúp trẻ em Việt Nam có cơ hội phát huy tài năng, được tham gia nhiều hoạt động thú vị do MILO tổ chức trong suốt năm 2017…