Quảng Nam:

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết

(Dân trí) - Những ngày này, người dân vùng rau xã Đại An (huyện Đại Lộc, nơi trồng rau nổi tiếng của Quảng Nam) đang vào độ thu hoạch rộ lứa chính vụ đông xuân. Tuy nhiên nông sản rớt giá liên tục, đầu ra bấp bênh khiến người dân đứng ngồi không yên, lo sợ cái tết không đủ đầy.

Theo khảo sát của phóng viên, giá khổ qua hiện chỉ còn 2.500- 3.000 đồng/kg, dưa leo 2.000 đồng/kg, đậu tây 5.000 đồng/kg…

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết - 1

Nông sản rớt giá liên tục khiến nông dân điêu đứng, lo mất tết

Nông sản rớt giá từng ngày khiến người dân cũng lao đao theo, không còn những nụ cười trúng vụ mà thay vào đó là nỗi lo lắng khi rau củ quả đã vào độ thu hoạch nhưng giá cả lại bấp bênh, tiền thu về không đủ chi phí công sức và tiền của đã bỏ ra.

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết - 2

Các loại la-ghim đang thu hoạch rộ, dù giá xuống thấp nhưng người dân vẫn phải hái bán vì quá lứa thì không bán được

Ông Trần Văn Trường (người dân làng Phước Yên, thôn Phú Phước, xã Đại An) buồn bã chia sẻ, gia đình ông trồng 1,5 sào dưa leo, 2 sào khổ qua, và 2 sào đậu cô-ve. Nông sản đã vào độ thu hoạch chính vụ đông xuân nhưng giá cả liên tục “tuột dốc”, tiền thu về không đủ bù công sức và chi phí đầu tư.

Mỗi sào dưa ông thu được khoảng 1 tấn dưa nhưng giá chỉ 2.000 đồng/kg, khổ qua 2.500 đồng/kg… Sau khi trừ tất cả chi phí mỗi sào ông thua lỗ khoảng 2 triệu đồng/sào.

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết - 3

Nông sản được mùa, cộng thêm lượng lớn từ các tỉnh phía trong đổ về đẩy giá tại đây xuống thấp

“Năm nay nông sản được mùa nhưng lại rớt giá, năm nào cũng điệp khúc “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” khiến nông dân chúng tôi điêu đứng. Giá chúng tôi bán tại ruộng rất thấp, nhưng nghe nói đến tay người tiêu dùng thì vẫn cao. Tư thương ép giá nhưng biết tìm ai để bán, nông sản đến độ thu hoạch không hái thì phải đổ bỏ, nhiều người đã bỏ ruộng không chăm sóc nữa vì lỗ vốn”, ông Trường cho hay.

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết - 4

Dưa lớn thương lái mới thu mua

Năm nay không bão lũ nên cũng không có phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, nông dân phải đầu tư, bỏ công chăm sóc nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Chín (người dân làng rau Bàu Tròn, thôn Phú Phước, xã Đại An) cho hay, gia đình bà trồng 2 sào đậu cô-ve, 1 sào dưa leo, 2 sào khổ qua hiện đang vào độ “chín mùi” phải thu hoạch, nếu quá lứa phải đổ bỏ. Nhưng giá cả xuống rất thấp, mỗi sào sau khi trừ chi phí bà Chín thua lỗ khoảng hơn 2 triệu đồng/sào.

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết - 5

Giá cả quá thấp, nhiều chủ vườn cũng chẳng mặn mà chăm sóc

“Cứ đà này thì lỗ nặng, mỗi lần thương lái gọi điện thoại báo “rớt giá” là tôi lại đứng ngồi không yên. Năm nay nắng nóng kéo dài, lại không có phù sa bồi đắp nên công chăm sóc cũng lớn hơn. Giá hiện tại quá thấp, không đủ bù chi phí chứ nói gì đến lời lãi. Người có tiền nhà “đắp” vào thì còn đỡ, người không có thì phải thiếu nợ đến mùa sau lại bù vào”, bà Chín rầu rĩ nói.

Nông sản rớt giá, nông dân lo mất tết - 6

Nông dân hy vọng giá nông sản sẽ tăng trở lại để người dân có cái tết vui vẻ

Theo ông Trần Văn Hùng (Giám đốc HTX nông nghiệp Đại An, Đại Lộc) cho biết, các loại rau củ quả tại các vùng rau đang rớt giá, nguyên nhân do năm nay nông sản được mùa và từ các địa phương phía trong đổ về rất lớn nên đẩy giá nông sản tại địa phương xuống thấp. Không riêng gì xã Đại An, mà tại nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Năm nay, xã Đại An trồng khoảng 300 ha rau màu các loại, trong đó rau củ quả (la-ghim) chiếm phân nửa. Theo dự báo, đến sát tết có khả năng giá nông sản lên trở lại nhưng cũng không nhiều”, ông Hùng cho hay.

Nông dân chia sẻ về nông sản rớt giá

Tại các vùng bãi bồi Phúc Khương, Phúc Mỹ (xã Đại Cường), nông dân cũng thấp thỏm bởi giá la-gim “rẻ như bèo”, phải “đỏ mắt” chờ thương lái.

Nông dân Trần Văn Xinh (xã Đại Cường) nói: “Bây giờ giá la-gim giảm mạnh quá, người ta không mua theo ký nữa mà chuyển sang mua bao. Giá đã xuống thấp mà thương lái còn kì kèo khiến nông dân chúng tôi càng thêm khó khăn. Dưa leo trái loại lớn người ta mới lấy, dưa trái nhỏ thì phải bỏ. Nghe nói sát tết có khả năng lên lại chút ít, nhưng lúc đó còn gì nữa mà bán”.

Ông Đỗ Văn Hà (thương lái thu mua nông sản tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Giá dưa hiện nay thu mua 2.000 đồng/kg, khổ qua 2.500-3.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, đậu cô-ve 5.000-6.000 đồng/kg…

Chúng tôi phải mua giá thấp do các loại nông sản ở Quảng Ngãi, Tây Nguyên, miền trong đổ về với số lượng rất lớn, cả rau củ Trung Quốc trôi nổi nên đầu ra rất khó khăn. Năm nay không mưa bão, được mùa nên nông sản cung ứng thị trường rất lớn, cứ đà này đến tết mà thêm hàng đổ về nữa thì giá sẽ giảm”.

Công Bính-Ngô Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm