Quảng Nam:

Nông dân tiếc hùi hụi vì lúc được giá lại… hết kiệu

(Dân trí) - Những ngày này, vựa kiệu Bình Phục (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng. Điều đáng nói là thời điểm này, khi giá kiệu được đẩy lên gấp đôi so với đầu vụ thì bà con lại không còn kiệu để bán.

 

Những ngày này giá kiệu tăng đột biến nhưng bà con lại không còn nhiều kiệu để bán
Những ngày này giá kiệu tăng đột biến nhưng bà con lại không còn nhiều kiệu để bán

Tết vui trên đất kiệu

Huyện Thăng Bình được xem là vựa kiệu lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam, trong đó vùng cát xã Bình Phục là nơi trồng kiệu nhiều nhất nhì của huyện. Theo như đa số người dân trồng kiệu ở đây cho biết, mùa kiệu năm nay năng suất đạt hơn năm ngoái, củ to và đẹp, được khách hàng ưa chuộng, đem lạ thu nhập lớn cho người trồng loại cây này.

Kiệu Bình Phục củ to, màu trắng đẹp được nhiều nơi ưa chuộng
Kiệu Bình Phục củ to, màu trắng đẹp được nhiều nơi ưa chuộng

Bà Trần Thị Thìn (thôn Tất Viên, Xã Bình Phục)  đang nhổ những luống kiệu cuối cùng hồ hởi: “Năm nay kiệu được mùa, củ to, đẹp nên thương lái không ép giá. Nhà tôi trồng gần một mẫu đất, tính cũng được bốn năm chục triệu. Vậy là năm ni ăn Tết to”.

Chú Vinh, thương lái thu mua kiệu tại địa phương cho biết: “so với mọi năm thì kiệu năm nay khá đẹp và đều. Kiệu Bình Phục được khá nhiều nơi ưa chuộng nên tôi xuất vào tận Sài Gòn”.

Cô Võ Thị Mai, có 5 sào đất trồng kiệu, hồ hởi chia sẻ: “Cây kiệu hợp với đất cát pha nên mùa này bà con chủ yếu trồng kiệu. Bắt đầu xuống giống từ tháng bảy âm lịch, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết đều cho năng suất cao. Hộ trồng ít nhất cũng được chục triệu”.

Ông Trương Lại, vừa thu hoạch xong 2 sào kiệu cho biết: “Tính ra cây kiệu đứng chân trên đất này đã hơn 10 năm. Thời kì đầu chỉ thu được kiệu củ nhỏ, màu xanh không đẹp. Bây giờ bà con đã có kinh nghiệm, kiệu Bình Phục không chỉ cho củ to, trắng đẹp mà còn thơm ngon hơn hẳn”. Nói về bí quyết, ông Lại không ngần ngại chia sẻ: “Trời cho xứ Bình Phục thứ đất cát pha đặc biệt hợp với cây kiệu. Bên cạnh đó, nếu bón phân bánh dầu hoặc thân cây đậu phụng ủ hoi thì năng suất kiệu sẽ cao hơn nhiều”.

Dạo quanh thôn Tất Viên, đâu đâu cũng thấy nét tươi vui trên mặt người dân nơi đây. Chị Hoàng vừa đi từ đồng về vui vẻ nói: “Tôi không có đất trồng kiệu nhưng hễ cứ mùa này là tôi đi cắt kiệu suốt. Từ ngày dân đây trồng kiệu, tôi có việc làm thêm mấy ngày cuối năm. Thu nhập từ việc cắt kiệu thuê cũng khá, ngày hơn 150 ngàn đồng”.

 

Cô Võ Thị Mai tranh thủ làm luôn trưa để đủ kiệu cân cho thương lái
Cô Võ Thị Mai tranh thủ làm luôn trưa để đủ kiệu cân cho thương lái

So với cây lúa và hoa màu khác thì cây kiệu cho năng suất cao hơn từ ba đến năm lần. Nhờ cây kiệu mà năm nay bà con Bình Phục có một cái Tết đầy đủ hơn.

Vui nhưng vẫn tiếc

Lại chuyện người nông dân luôn mãi thấp thỏm lo âu cho đầu ra của nông sản. Những ngày này thương lái mua kiệu với giá từ 25 đến 26 ngàn đồng 1kg. Tuy giá kiệu được đẩy lên gấp đôi so với đầu vụ nhưng nhiều hộ dân lại tiếc hùi hụi vì không còn kiệu để bán.

Số kiệu còn lại của xã Bình Phục hiện rất ít, chủ yếu là kiệu giống
Số kiệu còn lại của xã Bình Phục hiện rất ít, chủ yếu là kiệu giống

Ông Phan Kim nói: “Năm ni trúng vụ kiệu bà con ai cũng nửa mừng nửa tiếc. Biết trước kiệu giá cao như ri thì tôi đã không bán sớm. Nhưng cũng đành chịu, không ai dám giữ kiệu chờ giá cao. Có năm thương lái ép giá không mua, bà con chỉ còn nước đem đổ bỏ”.

Hiện tại, xã Bình Phục đã có hơn 70% diện tích kiệu được thu hoạch. Số kiệu còn lại cũng sẽ được bà con nhổ bán trong vài ngày tới. Bà con bày tỏ nguyện vọng thời gian tới chính quyền địa phương có phương án khoanh vùng các hộ trồng kiệu lại để sản xuất, nâng cao thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, cũng mong muốn có được nhà máy chế biến kiệu tại chỗ để củ kiệu Bình Phục không bị phụ thuộc giá cả vào thương lái.

Thanh Mai – Nguyễn Liên