Hà Tĩnh:

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi

(Dân trí) - Trước ảnh hưởng đợt nắng nóng tiêu cực kéo dài, người nông dân Hà Tĩnh đã phải chủ động triển khai một loạt các biện pháp để “giải nhiệt” cho đàn vật nuôi.

Đợt nắng ở Hà Tĩnh bắt đầu từ ngày 31/5 tới nay đã kéo dài 16 ngày liên tục, trong đó từ ngày 4/6 trở đi là nắng nóng gay gắt diện rộng. Các địa phương như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, đạt mức 39,1 – 39,3 độ C, riêng khu vực ven biển có nền nhiệt cao nhất đạt 38,5 độ C.

Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt đời sống của người dân Hà Tĩnh, trong đó đáng kể nhất là ngành chăn nuôi.

Lắp thêm quạt, tăng thêm nước cho vật nuôi

Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề là chăn nuôi. Theo ghi nhận của PV Dân trí, do nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài, những ngày qua, người nông dân tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã phải chủ động triển khai các giải pháp: tăng quạt mát, chia khẩu phần ăn ra nhiều bữa và thả vật nuôi ở những nơi thoáng, rộng để “giải nhiệt” cho đàn vật nuôi.

Có mặt tại khu chuồng trại chăn nuôi hươu của của gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn- một trong những địa phương được ghi nhận có nền nhiệt cao nhất ở Hà Tĩnh- chúng tôi mới cảm nhận được hết sự lo lắng của gia đình anh về sự phát triển của đàn hươu trị giá gần 200 triệu đồng của gia đình anh trong đợt nắng nóng này.

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi - 1

Anh Nguyễn Văn Trung tăng cường nước cho hươu uống trong những ngày nắng nóng.

Anh Trung cho biết, hươu nuôi lấy nhung thương phẩm chủ yếu được nuôi nhốt trong chuồng, thế nên nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày khiến gia đình anh rất lo lắng.

“Hươu là con nuôi khó tính, nên khi thời tiết nắng nóng, khô khốc, nền nhiệt độ tại các chuồng nuôi cũng tăng cao, môi trường sinh sống của  hươu bị ảnh hưởng. Rõ nhất là những ngày nắng nóng cực điểm nhất, chúng không háu ăn như những ngày bình thường”- anh Trung nói.

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi - 2

Những con hươu cũng mệt mỏi thấy rõ trong đợt khô nắng kéo dài.

Trước tình trạng trên, những ngày qua anh Trung đã phải che chắn thêm cho các chuồng nuôi, chia khẩu phần ăn ra nhiều bữa, đặc biệt là tăng cường thêm nước uống cho hươu. Những ngày cao điểm, anh còn tăng cường thêm cả quạt điện để tạo môi trường thông thoáng cho hươu nuôi của mình.

“Thật sự là những ngày nắng nóng này chăm hươu vất vả hơn rất nhiều”- anh Trung nói thêm.

Cũng như anh Trung, những ngày qua, ông Vũ Trọng Hoài ở thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm (Hương Sơn) cũng đã thực hiện nhiều biện pháp giải nhiệt cho đàn hươu, như: Cho hươu uống nước thường xuyên, che bạt tại khu vực nuôi, bổ sung thêm khẩu phần ăn cho vật nuôi. Vệ sinh chuồng trại tạo thông thoáng, tránh các mầm bệnh gây hại cho hươu cũng được ông Hoài đặc biệt chú ý.

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi - 3

Ông Hoài tăng cường che chắn cho chuồng hươu.

Ngoài ra, gia đình ông còn trao đổi với cán bộ thú y để có những biện pháp chống nóng, phòng dịch bệnh đúng kỹ thuật để đảm bảo đàn hươu sinh trưởng tốt trong mùa nắng nóng này.

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi - 4

Ông Hoài cho hươu uống nước

Đợt nắng nóng năm 2019, gia đình chị Phan Thị Hải, thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) thiệt hại hơn 40 triệu đồng do không thực hiện các biện pháp chống nóng, khiến hàng trăm con gà trong trại bị chết vì cảm nắng và bệnh tiêu chảy.

Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, ngay từ những ngày đầu hè năm nay, gia đình chị Hải đã che thêm bạt, bổ sung thêm quạt điện để làm mát khu vực nuôi gà con, cung cấp đủ nước sạch, bổ sung chất điện giải cho đàn gà nhằm tăng sức đề kháng.

Chị Hải cũng cho biết thêm, đợt nắng nóng kéo dài này, chị chia khẩu phần ăn của gà thành nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa để gà không bị căng diều.

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi - 5

chị Hải dùng thêm quạt điện để làm mát cho chuồng gà. Ảnh: Văn Chung.

Ông Phan Trọng Nhã ở thôn 2, xã Phú Phong (Hương Khê) cho biết: “Đợt nắng nóng kéo dài này, khiến nguồn thức ăn xanh trong vườn đã bị khô héo, không đủ để cung cấp cho đàn bò nên gia đình đã mua thêm cám ngô, thức ăn tổng hợp để bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi”.

Tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, trước những diễn biến tiêu cực của đợt nắng nóng này, thời gian qua đơn vị đã có tăng cường khuyến cáo người dân, cơ sở chăn nuôi các biện pháp tăng cường bảo vệ vật nuôi.

Cụ thể, đối với gia cầm: Nuôi nhốt với mật độ vừa phải như: Gà bé 50 - 60 con/m2, gà 0,5 - 1 kg nhốt 20 - 30 con/m2, gà 2 - 3 kg nhốt 7 - 10 con/m2, Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.

Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3 - 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cho uống đủ nước và tiết kiệm. Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn nếu có điều kiện có thể tiết kiệm 80% nước tắm lợn và nước rửa chuồng trại kết hợp với các biện pháp chống nóng. Thu gom định kỳ chất thải rắn từ chăn nuôi để ủ compost sử dụng nuôi giun quế (Perionyx excavatus), giun đỏ (Lumbricus rubellus) để có nguồn đạm bổ sung cho vật nuôi và tiết kiệm nước để làm sạch nền chuồng.

Đối với trâu, bò, dê, cừu chăn thả: những ngày trời nắng nóng, buổi sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non. Nếu có điều kiện nên di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn nước và bổ sung thức ăn tại chuồng.

Nông dân “mướt mồ hôi” giải nhiệt cho vật nuôi - 6

Người chăn nuôi trâu, bò Hà Tĩnh được khuyến cáo: sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn.

Đặc biệt, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Đồng thời, phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng, cần quan tâm nhất là các bệnh đường ruột và tiêu hóa bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh.

Sau những đợt khô hạn kéo dài, đàn gia súc thường mệt mỏi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng... Vì vậy cần có kế hoạch bổ sung khoáng, vitamin và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn.

Văn Dũng