Chuyện ở “thủ phủ” bánh kẹo nhái La Phù:
Nơi “tụ họp” của các lái buôn mỗi dịp Tết về
(Dân trí) - Không chỉ nổi tiếng vì bánh kẹo nhái, La Phù còn được nhắc đến như “thiên đường” dành cho giới lái buôn khi luôn sẵn sàng cung cấp số lượng lớn các mặt hàng bánh kẹo giá rẻ. Chưa bàn về chất lượng, nhưng riêng vấn đề nguồn gốc và nhãn mác sản phẩm cũng đủ gợi ra những mối quan ngại về tình hình bánh kẹo cho thị trường Tết.
Một vốn bốn, năm lời
Giữa bầu không khí ngột ngạt, đặc quánh mùi bụi, mùi xăng xe của làng La Phù, một người đàn ông trạc 50 tuổi vừa đưa tay lau mồ hôi, vừa thở phào nhẹ nhõm khi thắt xong nút buộc hàng cuối cùng. Lân la hỏi chuyện, được biết chú đang đi lấy hàng cho một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Người đàn ông này chia sẻ thêm, trong tháng này, đây là lần thứ 3 chú đến La Phù lấy hàng cho dịp Tết Nguyên đán. “Cứ vào thời điểm này, đến đây thế nào cũng gặp anh em bạn bè thân quen.”
Một điều dễ nhận thấy, tất cả các cửa hàng ở La Phù đều không ghi số nhà, thậm chí có nơi còn chẳng có tên đại lý. Trên các biển hiệu, chỉ thấy độc nhất dòng địa chỉ “Làng La Phù- Hoài Đức- Hà Nội”. Lý giải cho thắc mắc này, người chở hàng tặc lưỡi: “Người ta ai lấy hàng ở đâu phải có móc nối. Những ai bán buôn ở chợ, lấy nhiều hàng thì thuê xe lam, xe tải rồi dặn dò lái xe đến đúng đại lý đấy. Còn người buôn bán nhỏ lẻ thì tự đánh hàng bằng xe máy. Tóm lại là có nguồn quen hết rồi, cần gì số má.”
Không chỉ có bánh kẹo nhái, La Phù còn là nơi sản xuất, đưa ra thị trường hàng trăm loại mặt hàng với mức giá rẻ đến bất ngờ. Dạo quanh nhà kho của một đại lý phân phối lớn, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nghe nhân viên giới thiệu về những sản phẩm, tính ra giá chỉ khoảng… 2000 đồng. Thậm chí, những thức quà ăn vặt xanh đỏ thường được bày bán trước cổng trường có thể được mua chỉ với vài trăm đồng (tính theo giá lẻ).
Kho hàng với đủ các loại bỏng, khoai,… đang được bán tràn lan trên thị trường.
Dưới đất, la liệt những bọc to đựng bỏng, quẩy xoắn, khoai chiên,… Ở Hà Nội, không khó để tìm ra chỗ bán các mặt hàng này. Trên thân túi chỉ có duy nhất mẩu giấy nhỏ, ghi sơ sài về thành phần, nơi sản xuất và hạn sử dụng. Theo lời người bán, mỗi bọc 5kg có giá dao động từ 80.000 – 90.000 đồng tùy loại. Thử làm phép toán nhỏ: một lạng khoai chiên thường được bán với giá 5.000 đồng. Tính sơ sơ, bán một túi khoai, người bán sẽ thu về 250.000 đồng, lãi gấp 4 lần so với giá mua ở nơi sản xuất.
Cần cân nhắc với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng
Tìm đến những ki-ốt ở chợ Đồng Xuân, có thể thấy rất nhiều loại bánh kẹo được bày bán đều có xuất xứ từ “thủ phủ bánh kẹo nhái”. Mặt hàng kẹo cân thường bị “đội” giá gấp 2, gấp 3 lần. Người bán không đưa ra bất cứ nhãn mác, bao bì nào khi khách hàng yêu cầu mà chỉ luôn miệng khẳng định: “Bánh kẹo Việt được sản xuất với công nghệ cao”. Và đương nhiên, hạn sử dụng cũng là yếu tố bị bỏ qua khi người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm này.
Các mẫu kẹo được bày trong đại lý ở La Phù để khách hàng lựa chọn.
Ở một cửa hàng khác trên phố Hàng Buồm, nhân viên nhanh nhảu giới thiệu bánh kẹo đều có nguồn gốc từ Thái Lan. Nhưng nhìn kĩ, vẫn thấy sự xuất hiện của các loại kẹo “made in La Phù”. Và dường như, việc nằm giữa hàng chục rổ bánh kẹo “nhập khẩu” đã vô tình nâng giá trị cho những chiếc kẹo ngô, kẹo sữa này khi chúng được bán với mức giá lên đến 120.000 đồng/ kg.
Không chỉ bánh kẹo, ngay cả nước khoáng cũng được đặt tên gần giống thương hiệu nổi tiếng.
Trao đổi thông tin về những mặt hàng bánh kẹo nhái thương hiệu nổi tiếng, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Với những trường hợp làm nhái thương hiệu, Nhà nước đã có những nghị định, quy định rõ ràng: cấm các doanh nghiệp sử dụng tên trùng hoặc gần giống với các loại thương hiệu có sẵn. Nếu cố tình làm giống, doanh nghiệp đó đã vi phạm luật về nhãn hàng hóa và có hành vi gian lận thương mại. Khi phát hiện, các cơ quan chức năng có thể lập tức thu giữ, chưa nói đến việc để các sản phẩm được bán ra ngoài thị trường.”
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định thêm: “Chưa có cơ sở nào để khẳng định đây là sản phầm kém chất lượng vì chưa thể biết họ dùng các thành phần nào, công nghệ ra sao để làm nên bánh kẹo. Nhưng với những sản phầm không rõ hạn sử dụng hay có sự nghi ngờ về nguồn gốc, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc khi cho con trẻ sử dụng.”
Bài và ảnh:
Hoàng Ngọc