Nơi người dân chật vật khống chế đàn lợn rừng đẻ nhanh xâm chiếm thành phố
(Dân trí) - Giới chức ở các quốc gia châu Âu đang chật vật tìm cách khống chế loài lợn rừng có tốc độ sinh sản nhanh đang xâm chiếm nhiều thành phố.
Chật vật khống chế loài lợn rừng đẻ nhanh "chưa từng thấy"
Vào một đêm tiết trời mát mẻ cuối tháng 9, nhà động vật học Andrea Monaco lặng lẽ đi bộ qua những vùng đất đầy cát sỏi ở Presidential Estate of Castelporziano, một khu vực được bảo vệ ở ngoại ô thành phố Rome, Italy. Khi trông thấy bóng người, 8 con lợn con và lợn mẹ nặng vài tạ tìm cách chui ra khỏi chiếc bẫy hình tròn nhưng bị đẩy ngược trở lại.
Ông Monaco và đồng nghiệp giải thoát cho đàn lợn, sau đó họ bước vào khu chuồng để bắt những con khác phục vụ cho việc nghiên cứu.
Một số hệ sinh thái vùng Địa Trung Hải như đầm lầy, rừng thông, đụn cát, đang trở thành nơi ở của quần thể lợn rừng lâu đời nhất Italy. Loài động vật bản địa này có trọng lượng lên tới 136kg.
Theo thống kê từ nhà động vật học Monaco, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Viện bảo vệ môi trường (ISPRA), ước tính hơn 1 triệu con đang sống lang thang trên khắp Italy. Chúng là nguyên nhân gây ra mùa màng bị phá hủy, khiến ít nhất 2.000 vụ tai nạn xe hơi xảy ra mỗi năm.
Vào đầu năm 2022, bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên một cá thể lợn rừng Italy, làm dấy lên những lo ngại rằng loài động vật hoang dã này có thể lây lan virus tử vong cho những con lợn nhà vốn nuôi để lấy thịt.
Vấn nạn lợn rừng không chỉ là câu chuyện riêng của giới chức Italy. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh khiến quần thể lợn rừng mất môi trường sống. Chúng "xâm chiếm" khắp châu Âu. Nhiều cuộc va chạm giữa người và lợn rừng được ghi nhận tại các thành phố lớn như Berlin (Đức), Madrid (Tây Ban Nha) cho tới Warsaw (Ba Lan).
Lợn rừng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, bắt đầu xuất hiện ở châu Âu cách đây 5 triệu năm trước và trở thành nguồn thực phẩm được ưa chuộng ở nhiều nơi. Chúng sống thành bầy đàn, có khả năng sinh sản nhanh.
Tại Italy, loài vật này gây thiệt hại hơn 22 triệu Euro mỗi năm với ngành nông nghiệp. Một số thành phố có cơ chế bồi thường thiệt hại cho người nông dân, nhưng mức chi trả chỉ đạt phần nào.
Ông Marco Massera, nông dân trồng hoa màu ở Genova cho biết, suốt 15 năm qua đã chật vật tìm cách ngăn đàn lợn rừng mò vào trang trại rộng 7,7ha của mình.
"Nếu chúng lọt vào trong sẽ tìm mọi cách ăn rễ cây, đào sâu dưới đất tìm củ quả", ông Marco nói.
Vài năm trở lại đây, ông nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ của đàn lợn. Chúng xâm chiếm các cánh đồng gần thị trấn, xuất hiện cả ở những con phố đông người và phương tiện giao thông.
Kết quả nghiên cứu gần đây của nhà động vật học Monaco cho thấy, so với 10 năm trở lại, loài động vật này đang phổ biến ở 105 thành phố tại Italy.
"Loay hoay" tìm cách đối phó
Tương tự như Italy, số lượng lợn rừng tại Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ.
Những thợ săn ở Italy tiêu diệt khoảng 295.000 con lợn rừng mỗi năm. Nhưng chúng thậm chí sinh sản nhanh hơn. Mỗi năm, quần thể lợn tăng 150%.
Tại Ba Lan, kể từ năm 2017, hoạt động săn bắt lợn rừng diễn ra quanh năm. Vào năm 2021, các thợ săn nước này đã bắn giết 269.000 cá thể, nhưng chúng vẫn lấn sâu vào nhiều đô thị lớn. Ước tính thành phố Warsaw hiện có tới hơn 1.000 con. Tây Ban Nha cũng ghi nhận số lượng loài này có thể tăng gấp đôi vào năm 2025, dù mỗi năm có tới hơn 400.000 con bị săn giết.
Ngoài kế hoạch tiêu diệt, chính quyền Cadaques, thị trấn ở phía đông bắc Barcelona, đưa ra hàng loạt giải pháp. Một trong số đó sẽ áp dụng mức phạt đối với các cá nhân cho lợn ăn và mở chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Phần đông người dân đồng tình với việc cần chấm dứt thói quen cho lợn ăn.
Ở Rome (Italy), giới chức địa phương cho lắp đặt nhiều lưới quanh thùng rác và thu được thành công nhất định. Chính phủ Đức tiêu diệt lợn rừng bằng loại bẫy chuyên dụng. Trong khi đó, đại diện một số tổ chức vì động vật cho rằng cần triệt sản lợn cái và đề xuất tiêm thuốc gây vô sinh cho lợn nái thay vì giết chúng. Tuy nhiên, phương pháp này còn nhiều hạn chế như chi phí và tính hiệu quả.