Đà Nẵng:

Những truyền nhân cuối cùng của "tuyệt kỹ luyện thúng" trăm năm

Hoài Sơn

(Dân trí) - Từng có hàng trăm thợ miệt mài làm việc cho kịp đơn hàng, nhưng nay chỉ còn lại vỏn vẹn 2 người thợ cuối cùng còn lưu giữ được "tuyệt kỹ luyện thúng" ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Một thời vàng son

Làng biển Mân Thái (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là làng đan thuyền thúng nổi tiếng từ bao đời nay. Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ làm thuyền thúng, vậy mà giờ đây không mấy ai còn mặn mà với việc ngồi đan lát này nữa.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 1

Anh Lý Hữu Tiến - một trong 2 người còn lại ở quận Sơn Trà vẫn theo nghề làm thúng truyền thống.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Lý Hữu Tiến (50 tuổi) - một trong 2 người thợ hiếm hoi còn lưu giữ được nghề đan thuyền thúng truyền thống của Sơn Trà.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 2

Ngay từ nhỏ, anh Tiến đã thành thạo việc chẻ nan, đan mê để làm thuyền thúng.

Khi thấy chúng tôi hỏi về cách làm thuyền thúng, anh Tiến trầm ngâm kể: Cách đây hơn hai mươi năm về trước, mảnh đất này từng là nơi tập trung của nhiều ngư dân đánh bắt hải sản. Vì vậy nhà nào cũng đan thuyền thúng nên nghề này vô cùng hưng thịnh.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 3

Tùy vào độ to của thúng, người thợ sẽ chẻ tre, lấy phần cật rồi đan thành mê.

Qua quá trình mở mang đô thị, từ một bãi biển heo hút giờ đã có con đường nhựa thênh thang, phố xá đã mọc lên sầm uất. Ngày ngày, biển tấp nập khách du lịch đến tắm, tham quan.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 4

Khó nhất là công đoạn lận vành, bởi nó đòi hỏi sự chính xác của người thợ.

Cùng với đó là sự xuất hiện của các loại thúng nhựa, tàu thuyền gỗ có công suất lớn đã dần thay thế cho những chiếc thuyền nan; thúng chai bán ra ế ẩm nên nhiều người lần lượt rời bỏ cây rựa, long tre để tiếp cận với những nghề khác có thu nhập cao hơn.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 5

Tre phải được lựa chọn kỹ lưỡng vì đây là yếu tố quyết định tạo nên chất lượng của thúng.

Từ đó nguồn nhân lực của nghề đan thuyền thúng cứ thế vơi dần rồi chỉ còn 2 người ở làng này cố níu với nghề.

"Trước đây nghề này thịnh lắm, từng có hàng trăm thợ làm việc, bạn hàng từ các nơi tìm đến mua, mở mắt ra là làm cắm cúi đến khi đi ngủ mà không kịp giao hàng. Còn chừ thì…", anh Tiến không giấu được sự ngậm ngùi.

Lênh đênh con đường giữ nghề

Nắng đã lên đến đỉnh đầu, chúng tôi rời căn chòi nhỏ của anh Tiến tìm đến cơ ngơi của người thợ đan thuyền thúng còn lại của làng biển Đà Nẵng là anh Phan Ánh (43 tuổi).

Những truyền nhân cuối cùng của nghề đan thuyền thúng ở Đà Nẵng

Cả 3 thế hệ trong nhà anh Ánh đều có nghề đan thuyền thúng nhưng khi chúng tôi nhắc đến nghề gia truyền của gia đình, đôi mắt anh cụp xuống nhìn vào chiếc thuyền thúng còn đang dang dở, giọng nói buồn buồn: "Giờ đến đời tôi chắc là thế hệ cuối cùng theo nghề rồi chú à!"

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 6

Công việc làm thúng hoàn toàn thủ công, không có máy móc phụ trợ.

Theo anh Ánh, muốn theo được nghề không chỉ cần sự khéo tay mà cần phải có sự kiên trì, sức khỏe và chịu khó. Kiên trì để bám trụ với nghề, tỉ mỉ để tập trung quan sát vì để hoàn thành một chiếc thuyền thúng cần trải qua gần 20 bước và phải làm cật lực trong hơn 10 ngày.

Chỉ riêng bí kíp chọn tre, chẻ tre rồi vót nan đã chiếm 4-5 ngày. Thuyền thúng rất kén nguyên liệu vì vậy tre phải chọn cây to, già và chỉ lấy phần tre cật. Trong khi đó, ở vùng biển không có loại tre này nên anh phải mua tre ở các địa phương khác mang về.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 7

Anh Phan Ánh - người thợ đan thuyền thúng thứ 2 còn lại của làng biển Đà Nẵng.

Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng phải rành nghề, khéo tay để từng chiếc nan đan vào nhau phải khít, thẩm mỹ. Như vậy độ bền của thúng mới được cao.

Đan xong rồi đến công đoạn lận vành, dùng dây cước để nứt vành. Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tính toán rất tỉ mỉ, nếu làm to quá hay nhỏ quá đều phải vứt bỏ.

Công đoạn tiếp theo là trét kín các kẽ nan bằng phân bò tươi, sau đó phơi khô và quét dầu rái để chống thấm.

Một chiếc thúng như vậy bán được 5-6 triệu đồng, trừ tất cả chi phí tính ra tiền công của anh mỗi ngày được khoảng 300 nghìn đồng.

Những truyền nhân cuối cùng của tuyệt kỹ luyện thúng trăm năm - 8

Những người thợ như anh Tiến, anh Ánh là những truyền nhân cuối cùng để níu lại tinh túy vàng son của làng nghề.

Tuy nhiên, nghề đan thuyền thúng không phải lúc nào cũng có việc. Nghề này chỉ thịnh vào mùa nắng to. Đó là lúc vào mùa ngư dân làm ăn, cũng là lúc tre nhiều và phơi được nắng. Còn vào mùa mưa, thợ đan thuyền thúng chỉ biết ngồi ngó ra biển.

"Nghề khó, cần sự khéo léo nên ít người còn mặn mà. Nhà tôi 3 đời làm thuyền thúng nhưng giờ đến đời tôi thì coi như hết rồi. Mai này tôi mất đi, không biết lấy ai theo nghề giữ nghiệp", nói vừa dứt câu, anh Ánh đưa ánh mắt nhìn về phía biển như đang nhớ một thời vàng son của cái nghề "cha truyền con nối" khắp làng.

Nghề đan thuyền thúng với hai người thợ cuối cùng của Sơn Trà không chỉ là nghề kiếm cơm mà còn là cái "nghiệp" theo suốt cuộc đời, giống như câu nói của anh Phan Ánh "Nghề có từ đời cha ông, đã hàng trăm năm rồi. Chừ bỏ nghề thì không đành".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm