Những sai lầm tai hại khi nấu cơm bà nội trợ nào cũng mắc

(Dân trí) - Vo gạo quá kỹ, nấu cơm bằng nước lạnh, mở vung ngay sau khi nồi cơm điện chuyển nút… là những thói quen sai lầm trong khi nấu vừa làm giảm dinh dưỡng trong gạo, vừa khiến cơm không thơm ngon, tơi xốp.

Chọn gạo quá trắng

Nhiều người nghĩ gạo càng trắng càng sạch mà không nghĩ rằng gạo được xát quá kỹ bản thân nó đã mất đi những dưỡng chất quan trọng của hạt gạo. Thêm vào đó, gạo càng trắng, càng ít dưỡng chất và càng nhiều chất đường bột. Đó là chưa kể đến việc nhiều cơ sở sản xuất gạo hiện nay dùng hóa chất để làm hạt gạo trắng, bóng hơn.

Bạn nên chọn gạo mẩy đều, màu trắng tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Bạn nên chọn gạo mẩy đều, màu trắng tự nhiên. (Ảnh minh họa)

Tiêu chí đầu tiên của cách chọn gạo ngon và sạch đó phải là gạo mới. Cứ đến mùa nào ăn gạo mùa đó là ngon nhất, vì gạo để càng lâu càng bớt thơm và ngọt. Trong đó, gạo mới hạt gạo thường mẩy đều, còn nguyên phôi trắng ít vỡ hạt, ít hạt ngà vàng và sẽ có mùi hương nhẹ nhàng, thoang thoảng. Còn gạo cũ không có mùi thơm, đôi khi còn có mùi hắc hôi khó chịu. Và khi nấu, gạo thường mất mùi khi nấu chín hoặc bay hết mùi sau vài ngày mua về.

Vo gạo quá kỹ

Nhiều người thường có thói quen vo 4 - 5 lần nước đến khi nước gạo mất đi màu trắng đục và chỉ còn lại màu trắng trong. Đây chính là thói quen sai lầm làm mất đi chất dinh dưỡng trong gạo. Theo nghiên cứu, lượng sắt, kẽm mất đi trung bình trong quá trình vo gạo, nấu cơm dao động từ 79,9% - 96,5%. Vitamin nhóm B cũng bị mất đi tới 70% - 95% trong quá trình xay xát và vo gạo.

Vo gạo quá kỹ sẽ làm giảm chất dinh dưỡng có trong hạt gạo. (Ảnh minh họa)
Vo gạo quá kỹ sẽ làm giảm chất dinh dưỡng có trong hạt gạo. (Ảnh minh họa)

Để giữ được lượng dinh dưỡng quý giá bạn chỉ nên vo 1 - 2 lần nước để loại bỏ hết bụi bẩn đi là được. Các vitamin chủ yếu ở ngoài hạt gạo, nếu bạn vo gạo kỹ quá khi nấu cơm sẽ bị mất đi dưỡng chất.

Theo các chuyên gia bạn nên vo gạo ngay trong nồi cơm, tức là đổ nước và khoắng nhẹ, chắt bụi bẩn và vỏ trấu, không nên chà xát gạo mạnh.

Ngâm gạo trước khi nấu cơm

Việc ngâm gạo trong nước sẽ khiến hạt gạo bị trương, khi nấu cơm dễ bị nát và các chất dinh dưỡng cũng dễ bị hòa tan trong nước (Ảnh minh họa)
Việc ngâm gạo trong nước sẽ khiến hạt gạo bị trương, khi nấu cơm dễ bị nát và các chất dinh dưỡng cũng dễ bị hòa tan trong nước (Ảnh minh họa)

Để tiết kiệm thời gian, mọi thường ngâm gạo trước khi nấu cơm trước khi nấu. Việc ngâm gạo trong nước sẽ làm cho hạt gạo bị trương khiến cho các chất dinh dương bị hòa tan trong nước. Lúc này hạt gạo sẽ không còn giá trị dinh dưỡng nữa. Bởi vậy, tránh ngâm quá lâu gạo trong nước trước khi nấu.

Nấu cơm bằng nước lạnh

Thói quen này khá phổ biến ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nấu cơm bằng nước nóng sẽ tốt hơn nấu cơm bằng nước lạnh. Bởi nước sôi vừa giúp hạt gạo nhanh chín hơn khiến thời gian nấu cơm ngắn đi vừa làm hạt gạo chín đều và dẻo hơn nhờ các chất dinh dưỡng ít bị mất.

Bạn nên nấu cơm bằng nước nóng để cơm ngon, tơi xốp. (Ảnh minh họa)
Bạn nên nấu cơm bằng nước nóng để cơm ngon, tơi xốp. (Ảnh minh họa)

Nấu cơm bằng nước lạnh sẽ khiến hạt gạo trương lên, hạt gạo thường bị nát khi chín, đặc biệt các chất dinh dưỡng đồng thời cũng tan ra trong nước. Nếu nấu cơm bằng nước nóng, lớp ngoài của hạt gạo sẽ co nhanh lại và tạo thành lớp màng bảo vệ giúp hạt gạo không bị vỡ nứt, từ đó các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại, nồi cơm cũng thơm, dẻo và ngon miệng hơn.

Mở vung ngay khi nồi cơm điện nhảy sang chế độ hâm nóng

Nên để cơm chuyển sang chế độ hâm nóng từ 5 - 10 phút mới mở vung. (Ảnh minh họa)
Nên để cơm chuyển sang chế độ hâm nóng từ 5 - 10 phút mới mở vung. (Ảnh minh họa)

Thông thường khi nấu bằng nồi cơm điện nó sẽ tự động nhảy sang nút hâm nóng khi cơm chín. Nếu bạn mở nắp vung nồi cơm ngay lúc này thì sẽ thấy lớp cơm trên bề mặt bị nhão còn tầng dưới quá chặt gây khó khăn khi lau rửa nồi. Để cơm ngon, không bị dính nồi bạn nên để thêm khoảng 5 – 10 phút sau khi nồi nhảy sang chế độ hâm nóng rồi mới đảo vung, xới cơm.

Để cơm chín quá lâu mới sử dụng

Dù bạn nấu bằng nồi điện hay nồi ga, nồi từ thì cũng nên ăn cơm ngay sau khi cơm chín. Khi nồi cơm bật nút ủ được khoảng 10 – 15 phút là có thể sử dụng luôn. Nếu để quá lâu, cơm sẽ bị ôi khô và không được tơi xốp, ngọt như khi vừa nấu xong.

Lưu ý: Bên cạnh những mẹo nhỏ trên, để gia đình luôn có những bữa cơm ngon thì bạn cần phải biết cách bảo quản gạo. Do gạo không ưa nước, dễ ẩm mốc nên bạn cần phải tích trữ gạo trong các lọ có nắp đậy kín, để nơi khô thoáng trong tủ bếp hoặc kệ bếp. Không được để gạo tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và nhiệt độ cao vì những yếu tố này sẽ làm giảm chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của gạo.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm