Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Những phận người trên “xóm không chồng”

(Dân trí) - Nằm cheo leo trên sườn đồi C5 (xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai) có một ngõ không chồng. Ngày ngày, những người phụ nữ trong ngõ ấy tần tảo làm thuê, làm mướn nuôi các con ăn học. Thấu hiểu cảnh khó khăn của những người phụ nữ không chồng, chính quyền địa phương đã xây nhà tình nghĩa, động viên giúp họ vượt lên trong cuộc sống.

Đổi thay “xóm không chồng”

Buổi chiều cuối tuần, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ để vào (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) vào thăm “ngõ không chồng”. Cái rét trong ngõ nhỏ xuyên thấu chiếc áo lạnh của chúng tôi, nhưng xa xa bóng những người phụ nữ với chiếc áo mỏng, nhuộm mùa đất đỏ vẫn đang miệt mài hái cắt cành cà phê trước khi màn đêm buông xuống.

Chỉ tay về phía những người phụ nữ đang hái cà phê, anh Lý Minh Hoàng - Phó Chủ tịch xã Ia Krai nói: “Những người phụ nữ đó đều là sống trong cảnh đơn thân, một mình tần tảo đi làm thuê để chăm các con ăn học. Họ sống gần nhau trong cái ngõ nhỏ này và được người dân địa phương gọi là “ngõ không chồng”. Trước kia ngõ này khổ lắm vì không có đàn ông nên những người phụ nữ này phải sống trong những ngôi nhà tạm, xiêu vẹo. Thấu hiểu được khó khăn của các chị nên chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây nhiều nhà tình nghĩa nhằm tạo điều kiện cho các chị em yên tâm phát triển kinh tế…”.

Những phận người trên “xóm không chồng” - 1
Ngõ nhỏ nơi có 6 người phụ nữ không chồng sống nuôi con

Theo đó, đầu những năm 1980, một số đơn vị quân đội trên địa bàn đã lập nên các nông trường cà phê. Sau đó, tuyển hàng nghìn thanh niên từ Hải Dương và miền Trung về làm công nhân, trong đó có nhiều đội sản xuất toàn nữ độc thân. Hồi đó, những nữ độc thân về đây sống quay quần và tạo nên "xóm không chồng" này. Trải qua thăng trầm thời gian, xóm không chồng này còn lại 6 người phụ nữ trung tuổi như bà Trần Thị Bổng (Sn: 1969), bà Nguyễn Thị Dựng (Sn: 1968), Trần Thị Ngoan (Sn: 1963), Trần Thị Thảnh (Sn: 1969), Trần Thị Nụ (Sn: 1964), Trần Thị Bé (Sn: 1971).

Đi sâu vào con ngõ nhỏ, chúng tôi thấy có 6 nóc nhà nằm cạnh nhau. Trong đó có hai căn nhà nhà đại đoàn kết, một căn nhà tình thương, còn lại là nhưng căn nhà còn lụp xụp che nắng, mưa của các chị em phụ nữ không chồng này. Ghé vào một căn nhà nằm sâu trong lùm chuối là hình bóng kham khổ của Trần Thị Bé (47 tuổi, quê Hải Dương) vẫn đang hì hục xới đám rau trước nhà để cải thiện thêm bữa ăn. Rót ly nước chè xanh, chị Bé bộc bạch: “Không giấu gì các chú, hoàn cảnh của tôi cũng giống như các chị em quanh đay đều không có chồng. Mấy chị em quanh năm lủi thủi đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền về nuôi các em ăn học. Bản thân tôi đã có 3 cháu, trong đó có 1 cháu đang học đại học và 2 cháu đang học cấp 2. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng những đứa con là hy vọng của tôi, là niềm vui, hạnh phúc để tôi cố gắng…”.

Những phận người trên “xóm không chồng” - 2

Căn nhà chị Trần Thị Bé vẫn đang lụp xụp giữa đồi

“Chúng tôi vào đây từ khi những cây cà phê còn chưa có quả, giờ đây cũng đã gần 30 năm trời. Chúng tôi cũng đã già đi nhiều nhưng vẫn lủi thủi trong cảnh nghèo, đói. Đến giờ, tất cả chị em đều chưa có mảnh đất “cắm dùi”, chủ yếu đi làm thuê kiếm cơm qua ngày…”, bà Trần Thị Thảnh (Quê Hải Dương) ngậm ngùi nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông  - Chủ tịch xã Ia Krái (huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết: “Năm 1998 khu vực này đã thành lập các thôn xóm trên địa bàn. Xóm không chồng này cũng thành lập vào năm này, chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi và công nhân cà phê. Cũng vì cuộc sống di cư vào Nam làm ăn khó khăn nên những năm gần đây chính quyền đã chung tay hỗ trợ rất nhiều để bà con phát triển kinh tế trên vùng đất mới. Cụ thể, hàng năm mỗi nhà được 15kg gạo và các nhu yếu phẩm để ăn tết. Hội phụ nữ xã đã xây dựng “Hũ gạo tình thương” và cho các chị em vay vốn nhằm mở rộng sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no”.

“Đặc biệt, với sự quan tâm của Mặt trận tổ quốc huyện Ia Grai và Hội phụ nữ đã xây 3 căn nhà tình thương và đại đoàn kết vào năm 2011 và 2012 nhằm xóa nhà tranh trẻ đột nát cho các chị trên đồi C5 này. Với sự hỗ trợ từ các cấp ngành, giờ đây cuộc sống của các chị đã ổn định, không phải lo cơm ăn áo mặt hay cái đói khi tết đang cận kề…, ông cho biết thêm.

“Những đứa con là mùa xuân của chúng tôi”

Sống một mình nơi xứ “rừng thiêng, nước độc”, những người phụ nữ không chồng đều mong muốn sẽ có một chỗ nương tựa lúc tuổi già, nhưng điều đó khó có được. Vượt qua số phận “phu phụ”, tổn thương qua lời bông đùa, các chị chỉ có nguyện vọng là xin một đứa con để ấm lòng, nương tựa khi tuổi xế chiều. Và rồi, các chị cũng tìm cho mình được những đứa con. Nhưng đổi lại là cảnh một mình trải qua “9 tháng thai nghén”, vượt cạn, lủi thủi chăm những đứa con trước những lời đàn tiếu của hàng xóm. Cuộc sống trôi dần đi, những đứa con của các chị đều đã lớn khôn, học giỏi cũng phần nào xua tan đi được những lời dị nghị.

The đó, trên đồi C5 này có 6 người không có chồng và có 11 người con. Chia sẻ về chúng tôi về những cuộc tình “không tên” chị Trần Thị Bé trải lòng: “Phận người phụ nữ ai cũng ao ước được làm mẹ, nhưng tuổi đã lớn nên cũng không có ý định đi thêm bước nước. Lúc đó, tôi cũng đi xin một đứa con để san sẻ tình thương hay tâm sự những đêm vắng giữa rừng. Lúc con lớn nó hỏi cha đâu tôi cũng lặng lẽ chia sẻ thật để con hiểu và thông cảm. Thấu hiểu được những khó khăn, gian khổ khi sinh các con ra nên những đứa con của tôi đều chăm ngoan, ngày học ngày đi làm giúp mẹ. Giờ đây, các con tôi cũng đã lớn và 1 đứa đã đi làm có thu nhập, đứa kia đang học tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Những đứa con chính là mùa xuân đã làm thay đổi của đời khốn khổ xưa nay….”.

Những phận người trên “xóm không chồng” - 3
Chính quyền luôn tạo điều kiện hỗ trợ và xây dựng nhà tình nghĩa giúp các chị phát triển kinh tế

Ông Lý Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krái cho biết, cả 6 người phụ nữ ở “xóm không chồng” đều có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm chính quyền xã cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ như cấp phát về giống, phân bón và vật nuôi. Bên cạnh đó, trật tự trị an khu vực này luôn được đảm bảo. Các cháu nơi đây, dù sinh ra thiếu vắng sự dạy bảo của cha, nhưng chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Trái lại, chúng còn chăm lo học hành và làm ăn, có hiếu với mẹ nên kinh tế gia đình ngày một tốt hơn”.

Rời con ngõ vắng để lại sau cuộc sống thường nhật của những người phụ nữ tần tảo nuôi các con ở xóm không chồng, chúng tôi càng thấm thía hơn về tình cảm người mẹ. Sau những vất vả, giờ đây xóm không chồng đã nhộn nhịp tiếng cười trong dịp xuân về. Những đứa con chính là hy vọng vươn lên cho những người mẹ đã chịu nhiều tổn thương và vất cả trong cuộc sống.

Phạm Hoàng