Những ngôi làng “tỷ phú” ở Việt Nam
(Dân trí) - Xuất phát điểm từ những vùng đất nghèo khó, thế nhưng nhờ sự thức thời, nhanh nhạy, nhiều ngôi làng ở Việt Nam đã có sự thay da đổi thịt nhanh chóng, nhiều người trở thành triệu phú, tỷ phú. Điều kì lạ hơn, người dân ở đây phất lên nhờ những công việc tưởng như không ai ngờ đến.
Cả làng thành tỷ phú nhờ buôn thịt lợn
Cách đây hơn 10 năm, làng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) được bao quanh bởi bốn bề là đồng ruộng và những căn nhà cấp bốn lụp xụp, xiêu vẹo. Thế nhưng giờ đây, vùng đất nghèo đói ấy đã được thay da đổi thịt, trờ thành một ngôi làng sản sinh ra rất nhiều tỷ phú. Tất cả nhờ vào việc đi buôn thịt lợn.
Kể về người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề buôn thịt lợn, trong thôn ai cũng nhắc đến ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1944). Hiện nay, 3 trong số 4 người con của ông Sinh đều nối gót cha mẹ, làm giàu từ nghề buôn bán thịt.
Ông Sinh nhớ lại, thời điểm những năm 1997, 1998, trung bình một ngày người con trai cả bán hết 6 con lợn, thu lãi 3, 4 triệu/ngày là chuyện bình thường. Đến nay, tất cả các con của ông đều có nhà riêng và có khối tài sản giá trị.
Thấy gia đình ông giàu lên nhanh chóng, người dân trong làng từ đó mới bắt đầu học theo. Nhà nào cũng vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt. Chỉ sau một thời gian ngắn, thôn Miêng Thượng đã thay đổi hoàn toàn. Khắp từ đầu đến cuối thôn, những tòa biệt thự cao tầng nằm san sát, nối đuôi nhau chạy dọc trên con đường khô cằn năm xưa.
Làng buôn đồng nát mua xe hơi, xây biệt thự
Câu chuyện về ngôi làng có nhiều tỷ phú ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng làm nghề đồng nát tại xã Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An đã thực sự làm nhiều người ngỡ ngàng. Dân ở đây xưa kia vốn quanh năm suốt tháng với công việc đồng ruộng. Mỗi nhà chỉ có vài ba sào ruộng khoán nên thu nhập bình quân đầu người thấp nhất huyện, nhà nào nhà nấy đều nghèo xơ nghèo xác.
Tuy nhiên, từ khi chuyển sang buôn đồng nát, cuộc sống của cả làng phất lên nhanh chóng. Ban đầu, họ chỉ đi thu gom ở các huyện, xã của tỉnh rồi sau đó tiếp tục mở rộng địa bàn ra các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Cả làng thu mua đủ thứ, từ xoong nồi, lông vịt đến dép nhựa hỏng, bao bì, chai lọ…. Cũng từ đó, Diễn Tháp còn có tên gọi khác là "Làng phế liệu".
Khi phế liệu trong nước dần khan hiếm hơn, họ lại lân ra sang tận Lào để thu mua. Thời điểm đó, giá phế liệu tại Lào vô cùng thấp, thế là người dân trong xã lại ồ ạt kéo nhau sang nước bạn. Mỗi chuyến phế liệu từ Lào về sau công đoạn phân loại, tái chế,… thì được đưa trở lại Lào bán với giá cao. Dần dần, Diễn Tháp phất lên nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An.
Bắt đầu từ năm 2000, người dân Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng, biệt thự. Chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã mang một bộ mặt hoàn toàn mới. Hai bên đường dẫn vào xã là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau. Hai bên vỉa hè, hàng loạt những chiếc ô tô tải nằm im lìm, chờ những chuyến hàng tiếp theo để xuất hàng sang Lào.
Đổi đời nhờ… buôn tóc
Nghề buôn tóc không lạ, nhưng việc buôn tóc kiếm được tiền tỷ, xây nhà lầu, mua xe hơi,… thì quả thực ít ai ngờ. Nhờ tóc mà người dân xã Hồng Đà (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được người ta biết đến, nhờ tóc mà hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên, và cũng nhờ tóc mà Hồng Đà dần dần được người ta gọi với cái tên "làng tỷ phú".
Người dân nơi đây nhớ lại, những ngày đầu đi buôn tóc, người may mắn có khi kiếm vài triệu một ngày. Số tiền quá lớn ấy khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Từ đó, họ bảo nhau tràn đi khắp nơi, kể cả tận những bản làng xa xôi để thuyết phục người ta bán tóc. Sau này, người dân chuyển địa bàn thu mua sang tận nước bạn Lào, Campuchia.
Những lúc đỉnh cao, cả xã có tới 400 người đi “chợ tóc” thì có tới hơn 200 người đi xuyên Đông Dương để thu mua. Mỗi chuyến xuất ngoại của người dân Hồng Đà kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, hầu hết những chuyến đi như vậy đều thắng lớn. Người may mắn có thể gom được cả tạ tóc, trung bình cũng được vài chục cân tóc đẹp. Trừ mọi chi phí, mỗi người cũng được cả vài chục triệu.
Cán bộ xã Hồng Đà cũng phải thừa nhận, người dân bây giờ chẳng tha thiết với đồng ruộng. Theo thống kê, vào năm 2008, cả xã có tới 9 hộ rơi vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, ngân hàng đã làm thủ tục để niêm phong nhà. Vậy mà chỉ sau 2 năm đi chợ tóc, số nợ đã trả hết, kinh tế khá giả lên trông thấy. Có nghề tóc, đời sống nhân dân cũng tốt hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn, nhà cao tầng mọc lên san sát…
Làng ở biệt thự, đi xe biển Lào
Hiện tại, về thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), ít ai ngờ rằng cách đây hơn chục năm, nơi đây là một trong những làng khó nghèo nhất nhì xã. Bây giờ, làng nghèo đã thay da đổi thịt. Nhà lầu, biệt thự, xe sang lũ lượt kéo nhau về làng mỗi khi Tết đến.
Kể về ngôi làng giàu có, Bí thư xã cho hay, thanh niên trong làng sang Lào làm công nhân xây dựng, ông chủ cũng là người làng nên nương tựa nhau. Chỉ cần bỏ sức làm, ăn ở thì có chủ nuôi, đến khi hết việc về quê ông chủ thanh toán nên gom được món tiền về xây nhà. Nhờ đó, bộ mặt làng quê thay đổi hẳn. Đường bê tông được xây dựng. Nhiều người đi Lào đứng ra đóng góp tiền làm đường, kéo điện thắp sáng cho thôn xóm.
Trong số hàng chục nhà tầng, biệt thự được xây, to lớn và lộng lẫy nhất huyện Hòa Vang phải kể đến ngôi biệt thự của ông Nguyễn Bảy - ông chủ thầu xây dựng nổi tiếng của làng trên đất Lào. Đó là một khối nhà 3 tầng, đồ sộ giữa không gian làng quê yên bình.
Ông Nguyễn Bảy sang Lào làm ăn từ năm 1997 và cùng một nhóm bạn đứng ra thành lập công ty. Công việc ban đầu khá khó khăn. Nhưng sau vài năm, nhờ cần mẫn cộng với sự chăm chỉ, ông đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Câu chuyện về làng giàu và những nông dân đi chân đất, cưỡi ô tô sang lấy vợ ngoại về làng xây biệt thự như ông Bảy không hiếm. Bí thư chi bộ thôn cho biết, nhẩm tính trong thôn có cả chục người như ông Bảy. Phần lớn họ đi lên từ đôi bàn tay trắng, vài người qua Lào làm ăn rồi cưới luôn vợ Lào và chung sống khá hạnh phúc.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp