Những mốt thời trang “quái chiêu” nhất trong lịch sử
(Dân trí) - Năm 1482, Vua Edward IV ban hành một đạo luật oái oăm chưa từng có: tất cả đàn ông trong nước - trừ những người ngang hàng quyền quý với Nhà Vua - phải để lộ “chỗ kín” ra trước bàn dân thiên hạ. Dân chúng chỉ còn biết ngậm ngùi sáng tạo ra phụ kiện thời trang trước nay chưa từng có: túi đựng “cậu nhỏ”.
Suốt một thời gian dài, đàn ông Phục hưng đeo những chiếc bao vải được may cắt gọn ghẽ, ôm khít khao bộ phận thầm kín nhằm hạn chế mức độ “lộ thiên” theo quy định của nhà vua.
Áo nhìn xuyên thấu
Dưới thời trị vì của Hoàng đế Nero, mọi thần dân La Mã cổ bắt buộc phải mặc áo choàng trong suốt. Vậy là những bộ phận tế nhị nhất của cả đàn ông và đàn bà được thỏa sức “khoe”, đến mức triết gia Seneca đã phải thốt lên chua chát: “Phụ nữ chẳng còn gì để hé lộ riêng cho người tình trong phút riêng tư trên giường ngủ, bởi bao điều thầm kín của họ đã bị phơi bày hết ở ngoài đường”.
Trong khoảng 200 năm sau thế kỷ thứ 14, trang phục phụ nữ thời Phục hưng ngoài váy áo truyền thống còn có thêm 1 tấm vải choàng qua cổ, được thiết kế với mục đích... hứng chấy rận ở trong người. Thỉnh thoảng nhàn rỗi, họ cởi khăn ra và giũ mạnh để cho rận rơi ra ngoài.
Mốt “lòng thòng”
Nước Anh thời trung cổ, những quý ông được coi là ăn mặc đẹp nhất phải biết để bộ phận tế nhị của mình “rơi” thập thò dưới lớp áo chùng thắt ngang lưng. Nếu “rơi” không đủ thấp xuống dưới mép áo, các chàng trai thường phải chèn thêm miếng độn cùng màu da, giống hệt kiểu phụ nữ độn ngực bây giờ.
Tục bó chân
“Cơn sốt” bó chân xuất hiện ở Trung Quốc từ thế kỷ 12, đầu tiên chỉ dành riêng cho kiều nữ thuộc các gia đình quyền quý vương giả. Một bàn chân đẹp hoàn hảo thường có độ dài từ 7-10cm. Chân càng nhỏ, nghĩa là người con gái ấy càng đẹp, và càng có nhiều cơ hội kén chồng danh giá.
Nghi lễ buộc chân bắt đầu khi các bé gái lên 5-7 tuổi. Người ta dùng dây vải buộc chặt 4 ngón chân - trừ ngón cái - ép cứng vào nhau, sau khoảng 1 năm thì xương bàn chân cong gập lại thành hình “hoa huệ”. Nam giới Trung Quốc nhiệt liệt hưởng ứng hủ tục gây đau đớn này vì họ cho rằng, người đàn bà với đôi bàn chân bé xíu sẽ không thể lén đi lang chạ với người đàn ông khác.
Đức lang quân của Nữ hoàng Victoria đã lấy tên mình đặt cho kiểu trang phục nam một thời vốn rất phổ biến ở Anh: để giữ cho nếp quần chẽn thẳng hàng tinh tươm từ trên xuống dưới, Albert đã đeo thêm một chiếc vòng sắt vào “chỗ ấy” của mình sau đó kẹp chặt vào mặt đùi trong.
Lông mày giả
Xu hướng làm đẹp độc đáo này không chỉ được các chị em mà ngay cả nam giới cũng đặc biệt ưa chuộng suốt những năm đầu thế kỷ thứ 19. Vốn làm từ lông chuột và được dính chặt lên mắt bằng keo con cá, những đường lông mày giả luôn tạo ra phong cách “sốc” và rất hợp thời trang lúc bấy giờ.
Hải Minh
Theo Radar Online