Những lưu ý giúp dân văn phòng xua tan nỗi lo "bệnh nghề nghiệp"

(Dân trí) - Gai đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, đau nhức chân tay hay mỏi mắt có lẽ là những căn bệnh chung của hầu hết dân văn phòng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chỉ cần tập cho mình một tư thế làm việc khoa học thì “tứ chứng nan y” này hoàn toàn có thể được phòng ngừa một cách dễ dàng.

Phòng ngừa đau chân

Tuyệt đối không ngồi bắt chéo chân khi làm việc. Bởi vì, tư thế này khiến các mạch máu bị chèn ép, gây cản trở sự tuần hoàn của máu, khiến chân không được nghỉ ngơi, về lâu về dài sẽ gây ra chứng đau chân.

Những lưu ý giúp dân văn phòng xua tan nỗi lo "bệnh nghề nghiệp" - 1

Để có một tư thế chân đúng, điều đầu tiên ta cần làm là điều chỉnh lại độ cao của ghế ngồi. Cần đặt làm sao cho mặt ghế sẽ cao hơn đầu gối khi ngồi. Ngoài ra cũng không nên để chân lơ lửng mà cần đặt lên sàn hoặc chỗ kê chân. Tốt nhất, góc được tạo ra ở khuỷu chân nên lớn hơn 90 độ một chút.

Tạm biệt cơn đau lưng

Chiếc ghế của bạn cần có kích thước tương ứng với cơ thể. Nếu chẳng may phải sử dụng một chiếc ghế quá lớn, mà lưng không thể chạm tới phần tựa, thì bạn nên đặt một chiếc gối ra đằng sau, để hạn chế việc lưng chịu nhiều áp lực dẫn đến đau nhức.

Những lưu ý giúp dân văn phòng xua tan nỗi lo "bệnh nghề nghiệp" - 2

Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ bị gù, phần tựa của ghế cần được làm bằng chất liệu mềm, thoải mái và có hình dạng cong khớp với phần lưng. Và cần nhớ rằng, việc tập một tư thế ngồi đúng sẽ khiến cơ thể có cảm giác không thoải mái trong thời gian đầu. Vì vậy, điều cần nhất ở mỗi người trong công cuộc bảo vệ sức khỏe chính là tính kiên trì.

Giúp tay không bị nhức, mỏi

Đối với dân văn phòng, việc thường xuyên phải gõ máy tính, sẽ gây một áp lực liên tục lên cả cánh tay. Trong trường hợp này, nếu bạn còn có một tư thế gõ phím phản khoa học, thì chắn chắn áp lực gây ra trên cánh tay sẽ còn lớn hơn nhiều và dễ dẫn đến nguy cơ của chứng đau, mỏi tay.

Những lưu ý giúp dân văn phòng xua tan nỗi lo "bệnh nghề nghiệp" - 3

Để đảm bảo một tư thế đúng, phần cẳng tay cần được tì lên bàn nhằm giảm sự căng cơ. Bên cạnh đó, ta cũng nên điều chỉnh vai và lưng sao cho góc ở khuỷu tay đạt xấp xỉ 90 độ.

Để không còn mỏi cổ khi làm việc

Để phòng ngừa chứng đau cổ và đầu, ta cần chú ý đến màn hình máy tính, nếu màn hình được đặt quá thấp, bạn sẽ phải gập lưng và cổ để nhìn rõ. Tư thế này làm tăng áp lực chèn ép lên phần trước của đĩa đệm đốt sống, dẫn đến chứng thoát vị đĩa đệm mà nghiêm trọng nhất là với vùng đốt sống cổ.

Những lưu ý giúp dân văn phòng xua tan nỗi lo "bệnh nghề nghiệp" - 4

Để giải quyết tình trạng này, chấm dứt cơn đau cổ kinh niên, bạn cần đặt lại màn hình sao cho, khi ngồi ở một tư thế chuẩn, mắt nhìn thẳng thì tâm điểm của màn hình cần nằm ngay trước tầm mắt là được.

Giúp mắt không còn nhức mỏi

Mỏi mắt, giảm thị lực là căn bệnh chung của dân văn phòng do thời gian làm việc dài trước màn hình máy tính. Để giảm bởi các tác động xấu lên mắt, dân văn phòng cần chú ý:

Những lưu ý giúp dân văn phòng xua tan nỗi lo "bệnh nghề nghiệp" - 5

- Chỉnh lại vị trí màn hình: Các bác sĩ cho rằng, khoảng cách tối ưu nhất từ màn hình vi tính đến mắt là 50 cm. Ngoài ra, như đã nói ở trên, tâm điểm của màn hình cũng nên nằm ở ngay trước tầm mắt.

- Giảm độ lóa của màn hình: Nếu máy tính đặt cạnh cửa sổ, ta cần kéo rèm để chắn ánh nắng mặt trời làm lóa màn hình gây hại mắt. Ngoài ra, bạn cũng cần điều chỉnh độ sáng, độ tương phản, và cỡ chữ sao cho mắt cảm thấy dễ chịu khi làm việc.

- Tập thể dục mắt: Mỗi tiếng một lần, ta nên tiến hành bài tập thể dục cho mắt bằng cách nhìn ra ngoài trời, các vật ở xa, hoặc đảo mắt xung quanh phòng trong khoảng 20 giây.

Minh Nhật

Theo BS