Những loại lá rừng đặc sản trên vùng núi Tây Nguyên
(Dân trí) - Từ xa xưa, bà con trên dãy Trường Sơn đã biết dùng những loại lá rừng để phục vụ cho bữa ăn. Ngày nay, những loại lá rừng chỉ xuất hiện trên vùng núi Tây Nguyên này đã trở thành đặc sản mà nhiều du khách khi tới đây đều không khỏi xuýt xoa.
Lá Blu Kít ở xứ sở sương mù
Vượt gần 100km từ TP. Kon Tum, chúng tôi mới đến được với lòng chảo xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Nơi này được mệnh danh là thánh địa của các loại sâm. Tuy nhiên, “mẹ thiên nhiên” cũng đã ban tặng nơi đây một loại lá rừng mang tên Blu Kít.
Già A Ngôm (người đồng bào Xê Đăng, làng Đăk Hơn, xã Măng Ri) dẫn chúng tôi đi lên dãy núi Ngọc Linh có độ cao gần 2.000m để tìm và hái loại lá này. Vượt lên những con dốc dựng đứng, mây mù bao quanh chúng tôi mới lên tận khu rừng mà bà con thường hái lá Blu Kít.
Già A Ngôm chia sẻ: “Lá Blu Kít có nghĩa là đùi ếch. Loại lá này thường mọc từng đám dày đặc trong rừng sâu. Lúc này, thú rừng đều đến ăn loại lá này nên bà con đã hái về ăn… Dần dần, loại lá này đã quen thuộc trong các bữa ăn, ngày hội và các dịp lễ tết của người dân”.
“Thường loại lá này có vị hơi chua, chát nhẹ. Chính vì vậy, người dân đã dùng lá này để cuốn với thịt nướng. Những ngày nóng, người Xê Đăng còn nấu canh sâm dây và dùng lá này để nhúng lẩu. Vị chua khiến người dùng đỡ ngán và tăng cảm giác lạ miệng khiến những du khách từ miền xuôi rất thích thú”, già Ngôm bộc bạch.
Lên vùng dãy núi Ngọc Linh, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến dưới thảm rừng xanh toàn là cây Blu kít. Nhấm nháp những chiếc lá non, chúng tôi cảm giác có một vị chát pha lẫn chua trong miệng. Gần tương tự như lá cây lộc vừng ở miền xuôi. Được biết, loại cây này chỉ mọc ở dưới tán rừng trên độ cao gần 2.000m. Nơi này khí hậu ẩm ướt, nhiệt độ lạnh, quanh năm sương mù phủ kín.
Lá rau dớn giữa vùng Trường Sơn Đông
Một loại rau được mọc vùng núi Trường Sơn Đông đã không còn xa lạ với bà con đồng bào là rau dớn. Cây rau dớn không chỉ là một loại rau đặc sản mà còn là một cây thuốc quý. Theo đó, rau dớn là loài dương xỉ thường mọc ở bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, tránh ánh nắng mặt trời, bên những tảng đá…Loại rau dớn được mọc thành vạt rộng dưới những tán cây rừng râm mát. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi trồng được.
Theo chân Lê Văn Quang (Phó Chủ tịch xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai) đi học con suối làng Đăk Pling để hái những bó rau dớn về xào thịt bò và nhúng lẩu. Anh Quang chia sẻ: “Loại rau này là món ăn từ bao đời nay của bà con người Banar nơi đây. Lúc ở nhà, người dân chỉ nấu cơm sau đó lên rừng hái loại rau này và ăn cơm cho nóng. Chiều về, bà con lại hái những bó rau dớn này về vừa trao đổi với người dân trong làng để đổi lương thực. Phần thì để dùng trong gia đình. Khi người Kinh lên đây, thấy món này ngon nên đã quảng bá xuống huyện và thành phố. Mỗi khi du khách lên đây đều muốn thử món rau dớn xào thịt bò, rau dớn luộc hay nhúng lẩu...”.
Anh A Beng (làng Đăk Plinh, xã Kon Pne) cho biết: “Rau dớn nhiều và non nhất vào tháng 10 Âm lịch. Sau những trận mưa rừng, rau dớn đua nhau mọc khắp các bìa rừng, dọc các khe đá. Đây được coi như món ăn chính của mỗi gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều người ở các vùng khác cũng thích ăn rau dớn nên bị thu hái quá nhiều. Giờ muốn ăn phải đi xa hoặc đợi mùa mưa mới có.
"Khi bà con còn sống trong rừng thì nó được luộc. Nhưng dần, bà con đã biết dùng dầu ăn xào với các loại thịt gà, heo của người đồng bào…Rau dớn có vị nhớn và thơm hơn so với các loại rau ở miền xuôi. Đồng thời, rau dớn được mọc tự nhiên và được xem như dược liệu giúp an thần, thanh lọc cơ thể”, anh A Beng nói.
Phạm Hoàng