Quảng Nam:

Những đứa trẻ ở “thung lũng da cam”

(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng vẫn còn một cuộc chiến khác đang hằng ngày dai dẳng bám lấy cuộc sống của những phận người ở “thung lũng da cam” xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Cuộc chiến mang tên da cam/đioxin.

Sở dĩ người ta đặt cho Đại Hồng cái tên “thung lũng da cam” cũng bởi lẽ nơi đây là một trong số những điểm nóng về chất độc da cam/đioxin của huyện Đại Lộc nói riêng và Quảng Nam nói chung. Bên cạnh đó, địa hình đồi núi bao quanh khiến cho Đại Hồng như một thung lũng được bao bọc bởi xung quanh là đồi núi trùng điệp.

Nỗi đau mang tên da cam/đioxin

Hơn 200 người bị nhiễm chất độc da cam, gần 1/3 trong số đó là trẻ em, những đứa trẻ vô tội đang hằng ngày gánh chịu nỗi đau dai dẳng sẽ theo các em đến hết phần đời còn lại.

Em Nguyễn Thị Tú Trinh
Em Nguyễn Thị Tú Trinh

Em Nguyễn Thị Tú Trinh (19 tuổi), mặc dù không được tỉnh táo nhưng em vẫn nhận biết được mọi người xung quanh, điều đáng tiếc là em không thể nói chuyện và đi lại bình thường.

Thấy khách đến, Trinh nở một nụ cười thánh thiện. Thoạt nhìn, không ai nghĩ cô bé đang mang trong mình căn bệnh quái ác. Lúc mới chào đời, Trinh vẫn như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng khi lên 3 em vẫn không biết đi, chỉ cần nhích chân là ngã ngay, em cũng không nói cười như chúng bạn cùng tuổi. Lo lắng, gia đình vội đưa con đi khám và chết lặng khi bác sĩ thông báo Trinh nhiễm chất độc da cam.

Mẹ Trinh cho biết: “Ngày xưa ông nó có tham gia cách mạng, lúc giặc rải chất độc da cam/đioxin, ông của Trinh gần như ướt nhẹp cả. Gia đình không biết gì cả, cô chú nó đều bình thường nhưng không ngờ đến lượt con mình lại bị lây nhiễm”.

Gia đình có đưa Trinh đi khám tại khoa phẫu thuật chỉnh hình Đà Nẵng nhưng bác sĩ bảo trường hợp của con rất khó. Nếu phẫu thuật đôi chân để đi lại thì trí tuệ, sức khỏe của Trinh sẽ còn tệ hơn bây giờ. Nghĩ thương con nên gia đình lại đưa Trinh về chăm sóc.

Chị Thu Thùy và bé Ngọc Trân
Chị Thu Thùy và bé Ngọc Trân

Cô Phạm Thị Thơm (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng) là mẹ của em Nguyễn Lam Trường cho biết; cô mồ côi cha mẹ ở với bà, những ngày còn nhỏ theo bà đi lượm củi thường thấy mảnh màu trắng bám ở mặt đất nên thường nhặt lên xem. Lúc đó cũng không biết là gì, đến khi lập gia đình đứa con trai đầu vẫn lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng trớ trêu thay em lại không có hậu môn.

Gia cảnh khó khăn, suốt ngày phải đi làm rẫy ở xa, tiền xăng xe không đủ bù lại tiền công bỏ ra nên nhiều lúc phải mang theo đứa con nhỏ đi làm cùng. Nhà cũng phải ở nhờ nhà người anh, thiếu thốn trăm bề nhưng cô vẫn luôn cố gắng lo cho các em nên người.

Cô nghẹn ngào: “Tôi không ngờ cái thứ mình hay lượm lúc nhỏ lại ảnh hưởng đến con cái mình sau này, đi khám bác sĩ bảo nó bị nhiễm chất độc da cam. Lúc đó, gia đình như chết lặng, nhiều người trong xã cũng bị nhiễm cái chất độc ấy, hoàn cảnh ai cũng khó khăn, không ngờ nó lại rơi trúng ngay con mình”.

Cô Phạm Thị Thơm, mẹ bé Lam Trường
Cô Phạm Thị Thơm, mẹ bé Lam Trường

Tất cả chi phí phẫu thuật của em Trường có thể lên đến 70-80 triệu đồng, chưa kể phải ở lại bệnh viện chăm con có thể mất cả năm trời. Là trụ cột chính trong nhà, lại phải nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, công việc không ổn định, với cô đó là số tiền quá lớn.

Cháu Văn Thị Ngọc Trân (6 tuổi), có lẽ là một trong số những em bé nhỏ nhất trong xã đến hiện giờ nhiễm phải chất độc da cam, cháu sinh ra đã không được như những đứa trẻ khác, cứ trái gió trở trời chân tay bé lại ê buốt, đau nhức khắp người.

Chị Trần Thị Thu Thùy (mẹ bé Trân) chia sẻ: “Tôi không ngờ con mình lại bị nhiễm da cam, cả gia đình từ trước đến nay đâu ai bị lây nhiễm gì. Nhìn con mà tôi xót quá, vợ chồng phải bỏ tất cả công việc để tập trung lo cho cháu. Vì còn nhỏ nên mỗi khi đau ốm cháu hay quấy khóc, đến ăn cũng là một cực hình với cháu. Chồng tôi bảo, thôi kệ con mình đẻ ra mình cứ nuôi không biết nó sống với vợ chồng mình đến ngày nào nên phải dồn sức lo cho nó được mạnh khỏe”.

Gia đình nạn nhân da cam chia sẻ với PV

Từ ngày bỏ việc lo cho con, mọi gánh nặng đều đặt lên vai người chồng, chồng chị cũng không nỡ đi làm xa vì nhỡ con có chuyện gì thì ân hận cả đời. Với công việc kế toán trước đây của chị với tiền làm công của anh cũng đủ sống, nhưng bây giờ tất cả gánh nặng đều đặt lên vai chồng chị, chị luôn phải túc trực để lo cho con.

Em Bùi Thị Thúy (23 tuổi) cũng bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, hơn 6 tuổi mà em mới biết đi chập chững, nói tiếng được tiếng mất, thấy người lạ vào là em lại khóc ré lên.

Gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn, cha em là ông Bùi Xanh bị tật nguyền ở chân nên không đi lại được. Mọi công việc đều dồn hết lên đôi vai người mẹ ốm yếu.

Mắt ngấn lệ, mẹ em Thúy lo lắng: “Gia đình tôi sao khổ quá vậy trời, cha nó tật nguyền giờ đến đứa con gái duy nhất ông trời cũng không buông. Không biết mai này khi vợ chồng tôi mất đi ai sẽ lo cho nó, tôi thương nó quá nhưng cũng chẳng biết làm sao. Cái nghèo cứ mãi đeo đẳng, lại thêm nhiễm chất độc da cam, vòng lẩn quẩn này không biết bao giờ mới dứt”.

Em Nguyễn Văn Thịnh là thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam từ ông nội mình. Ông nội em là ông Nguyễn Đức Thắng từng là thanh niên xung phong. Từ lúc sinh ra Thịnh đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, em bị yếu cơ không đi lại được, môi bị sức nặng nên dù đã hơn 11 tuổi nhưng vẫn cứ ấm ứ như trẻ lên 2. Bên cạnh đó, Thịnh còn bị bại não nên mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người thân giúp đỡ.

Những nghị lực sống vươn lên

Không ai được quyền chọn số phận, gia đình để sinh ra, số phận cay đắng khiến các em mang trong mình căn bệnh quái ác. Tưởng chừng, những bất hạnh đó sẽ làm gục ngã các em, nhưng không, càng khó khăn, vất vả bao nhiêu nghị lực sống trong các em càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Những “chiến binh bé nhỏ” ấy vẫn luôn từng ngày trỗi dậy, sống mạnh mẽ, sống có ích không phụ lòng đấng sinh thành. Vượt lên số phận những “mảnh đời da cam” ấy có thể làm được những việc khiến người khác khâm phục và ngưỡng mộ, như một phép nhiệm màu.

Cái tên Trương Thị Thương có lẽ đã quá quen thuộc không chỉ với người dân đất Quảng. 12 năm trời trên đường làng đất sỏi là 12 năm trời cha của Thương, một người nông dân ít học vẫn hằng ngày miệt mài cõng con vượt hàng cây số đến với cửa sổ tri thức, dù nắng hay mưa vẫn không bỏ buổi học nào.

Không phụ công cha và người thân, 12 năm liền Thương luôn là học sinh giỏi, xuất sắc của trường và được tuyển thẳng vào trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Không chỉ vậy, suốt 4 năm trên giảng đường ĐH, cô gái bé nhỏ chỉ cao 70cm càng khiến nhiều người khâm phục khi em luôn là sinh viên dẫn đầu lớp về thành tích học tập cũng như những suất học bổng của trường, thành phố. Em là tấm gương sáng về ý chí vươn lên vượt khó để nhiều bạn trẻ noi theo.

Bên cạnh đó, còn có em Trần Quốc Doanh đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam cho sang Nga du học 1 tháng và giờ đây em đang tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình. Dẫu biết rằng ước mơ cần rất nhiều sự nỗ lực phi thường, nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên của em thì chúng ta luôn tin rằng “sỏi đá cũng thành cơm”.

Rồi mai đây, khi các em bước đi trên con đường mơ ước của mình, chính nghị lực sống, sự can trường mạnh mẽ của mình các em sẽ viết tiếp những ước mơ tươi đẹp của mình.

N.Linh-C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm