Những đôi quang gánh mưu sinh ở cảng cá

(Dân trí) - Chợ đầu mối Thọ Quang (Đà Nẵng) là cung cấp hải sản cho toàn TP Đà Nẵng. Nửa đêm, khi mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ, tại đây một cuộc sống khác lại bắt đầu.

Khi các tàu thuyền với cá chất đầy khoang đua nhau cập bến, cũng là lúc hàng trăm con người đang chờ việc trên bờ. Trong bóng đêm, cảng cá vang lên tiếng gọi nhau của cánh bạn hàng, tiếng giục của chủ thuyền và bước chân lầm lũi của những phụ nữ gánh cá thuê.

Những người phụ nữ tất cả mưu sinh ở cảng cá
Những người phụ nữ tất cả mưu sinh ở cảng cá

Họ, những phu gánh cá thuê xuất thân từ nhiều vùng quê khác nhau, từ Đà Nẵng, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Huế,… tề tựu về đây mưu sinh. Dù khác nhau nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đều chung một công việc đó là nghề “thợ đụng”, tức đụng đâu làm đó, ai thuê gì làm nấy; chung một hoàn cảnh đó là sự lam lũ, nghèo khó. Ở quê nhà, họ là những người thất nghiệp, không có ruộng vườn. Gia cảnh thì muôn phần túng bấn, vì vậy mà họ phải ly hương…

Số tiền công ít ỏi nhận được
Số tiền công ít ỏi nhận được

Dạt trôi đến cảng cá Thọ Quang, tất cả đều nhập cuộc mưu sinh bằng chính sức lao động và đôi quang gánh của mình. 23 giờ mỗi đêm, những người đi gánh cá thuê đều phải có mặt ở cảng cá để tìm kiếm công việc,…

Cô Nguyễn Thị Hai (quê Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ : “Ở quê cuộc sống nghèo khó, túng quẩn nên cô phải ra Đà Nẵng kiếm sống. Mỗi gánh được dăm ba ngàn, cao nhất cũng mười mấy ngàn nhưng phải chịu khó gánh nhiều, gánh nặng, ai có sức khỏe mới làm được, làm tối mặt đến 8-9 giờ sáng cũng chỉ vài chục ngàn”.

Xếp cá vào gióng chuẩn bị mang đi.
Xếp cá vào gióng chuẩn bị mang đi.

Người có thâm niên nhất ở đây cũng ngót nghét gần 60 tuổi, với công việc không phân biệt tuổi tác, chỉ cần có sức lao động là làm được nên thu hút khá nhiều phụ nữ về đây mưu sinh. Công việc vất vả, nặng nhọc, trời nắng thì mùi cá tanh bốc lên nồng nặc, mùa mưa nước xối xả, nhiều hôm gánh cá chạy lỡ trượt chân té ngã thế là phải ngồi hốt lại từ đầu.

Những bước chân thoăn thoắt, lầm lũi trong không gian ồn ã, náo nhiệt của chợ cá, như những cánh cò lẻ loi trong đêm. Khi thành phố chìm trong giấc ngủ, một cuộc sống khác lại bắt đầu nơi đây, ồn ào, nhộn nhịp chẳng kém gì đô thị phồn hoa ngoài kia. Điều khác biệt đó chính là những phận người mưu sinh trong đêm khuya, như “chú ong” chăm chỉ, cần mẫn dệt những tia sáng cho bình minh ngày mai.

Nhiều tàu cập bến mang công ăn, việc làm đến cho phụ nữ gánh cá thuê
Nhiều tàu cập bến mang công ăn, việc làm đến cho phụ nữ gánh cá thuê

Vừa gánh xong cho chủ này, chưa nghỉ được mươi giây có người gọi là các chị lại tất bật chạy ngay nếu trễ người ta giành mối. Càng về sáng sương sớm càng lạnh, lại thêm nước từ gánh cá làm cơ thể họ run lên bần bật, nhiều chỗ nước trơn phải di chuyển chậm, khiến gánh cá trở nên nặng nề.

Đôi vai gầy của người phụ nữ như oằn xuống bởi sức nặng của đôi quang gánh, của thời gian dần ăn mòn sức khỏe. Điều kiện làm việc khắc nghiệt, giờ giấc không đảm bảo, người khỏe mạnh nhất sau thời gian gắn bó thì sức khỏe cũng dần sa sút. Tai nạn nghề nghiệp thường xuyên xảy ra, nào té ngã, sướt gối chảy máu, việc gánh nặng hàng ngày làm cho đôi vai gầy sưng phù, nhiều chỗ tụ máu phải xoa bóp thường xuyên mới mong sớm khỏi. Nhiều chị mới đau hôm trước, hôm sau vừa thuyên giảm đã tất bật quay trở lại công việc vì còn phải lo cuộc sống, tương lai con em.

Đang xoa bóp đôi vai sưng phù sau mấy tiếng làm việc vất vả, cô Sáu (Quế Sơn, Quảng Nam) chia sẻ: “ Nhà ở quê nghèo lắm, làm miết không đủ ăn mà con cái cần tiền để học nên chịu khó thôi. Cô với chồng bàn nhau dù khổ đến đâu cũng không để con nghỉ học được, nó học mới có tương lai hơn cha mẹ nó. Nhiều lúc nhớ con cũng ráng mà chịu chứ răng bỏ ngang mà về, tiền đâu nuôi tụi nhỏ”.

Với khoản tiền công ít ỏi, dè sẵn lắm mới dư được vài trăm gửi về nuôi con ăn học và lo liệu việc nhà. Nhiều lúc, biển chẳng chiều lòng người, có hôm biển động, cá ít công việc cũng theo đó mà giảm dần. Công việc ít đi thì tính cạnh tranh cũng cao hơn, người làm thì nhiều mà công việc không bao nhiêu. Xô xát, đánh nhau giành mối làm ăn là chuyện thường xuyên xảy ra, tất cả cũng bởi hai chữ mưu sinh.

Nhiều phụ nữ ở đây đã lo được cho con cái học hành đến nơi, đến chốn, có đứa đỗ đại học, cao đẳng.

Dì Năm bộc bạch: “Chỉ cần con chăm ngoan, học giỏi, biết thương bố mẹ thì dù vất vả đến đâu cũng chịu được. Mong sao dì có thật nhiều sức khỏe làm việc chăm chỉ để còn lo cho tương lai các con của mình”.

Vì tương lai của con em mình, dù phải gánh nặng, gánh nhiều, vất vả hay cực nhọc đến bao nhiêu chăng nữa thì họ vẫn gắng hết sức mình. Những cánh cò vẫn ngày đêm lặn lội ngược xuôi vì tương lai con em mình.

N.Linh