Những điều nên tránh vào ngày cúng ông Công ông Táo
(Dân trí) - Người xưa thường nói "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Ngày ông Công ông Táo về chầu trời nên tránh những điều gì để đem lại may mắn cho gia chủ?
Theo dân gian, ông Công ông Táo là các vị thần bếp trông nom cuộc sống của gia đình. Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.
Không nên đặt mâm cúng tùy tiện
Theo dân gian, ông Táo là các vị thần bếp nên một số người cho rằng nên đặt mâm cơm và đồ lễ cúng ông Công ông Táo ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia phong thủy, khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo, nên thắp hương trên ban thờ của gia đình.
Về ý nghĩa tâm linh, ban thờ được coi là nơi kết nối giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần với các vị thần linh, do đó khi tiến hành thờ cúng, gia chủ chỉ được phép dâng đồ lễ và cầu thỉnh tại chính ban thờ của gia đình.
Nên cúng lễ trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp
Theo truyền thuyết thì đúng vào chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời. Chính bởi vậy mà nghi lễ cúng ông Công ông Táo được cho là nên tiến hành trước khoảng thời gian này.
Nếu như bạn cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, ý nghĩa của ngày này sẽ không còn trọn vẹn, ông Công ông Táo đã bay về trời mà chưa được gia chủ báo cáo, thể hiện lòng thành kính.
Một số gia đình không có điều kiện về thời gian, có thể thực hiện nghi lễ cúng này vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp. Đó là lưu ý quan trọng dành cho gia đình bạn khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo sắp tới đây.
Không cầu khấn quá nhiều
Như đã nói, ngày lễ cúng này để tiễn các vị thần về chầu trời, các vị Táo quân canh giữ cuộc sống của gia đình trong năm qua sẽ tâu với Ngọc Hoàng về những chuyện tốt - xấu của gia chủ chứ không đề cập đến vấn đề tài lộc.
Chính bởi vậy khi cầu khấn trong nghi lễ bạn nên tránh xin tài lộc để tránh làm "phật lòng" các vị thần linh. Vào ngày ông Công ông Táo chỉ nên tạ ơn các vị thần đã đem lại may mắn cho gia đình trong suốt một năm vừa qua, như vậy sẽ đúng hơn với ý nghĩa ngày này.
Tuyệt đối không thả cá từ trên cao
Thả cá là một nghi lễ mang ý nghĩa tốt đẹp. Theo truyền thuyết dân gian, ông Công ông Táo về trời phải cưỡi cá chép. Bởi, cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự thịnh vượng và có thần lực đặc biệt. Không chỉ vậy nghi lễ phóng sinh cũng tạo nên những giá trị nhất định về môi trường và hệ sinh thái.
Hầu hết các gia đình đều mua cá vàng còn sống để cúng và thả xuống sông hồ với mong muốn các vị Táo quân có phương tiện để bay về trời.Tuy mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng khi thực hiện tục thả cá này, có rất nhiều người thực hiện hành động phản cảm khi thả cá từ trên cao xuống khiến cá bị chết.
Điều này thực sự không nên và bạn cũng nên tránh khi muốn thể hiện lòng thành kính của mình với các vị thần linh một cách trọn vẹn nhất. Để làm lễ phóng sinh cá vàng, bạn nên tìm những nơi có nguồn nước sạch, nhẹ nhàng thả cá và để chúng tự bơi ra xa.
Sự tùy tiện khi thờ cúng là điều kỵ trong tâm linh, đặc biệt là trong những ngày cuối năm và trước dịp đón Tết Nguyên Đán. Vì vậy bạn cần tìm hiểu thật kỹ và chu đáo để hoàn thành mọi nghi lễ trong dịp quan trọng của một năm.