Bình Định:
Những cụ ông gần 80 tuổi miệt mài bảo vệ "lá phổi xanh" đầm Thị Nại
(Dân trí) - Không ít diện tích rừng ngập mặn bị san lấp làm dự án du lịch, khu biệt thự… Song, ở một góc đầm Thị Nại (Bình Định), vẫn còn những lão nông ở cái tuổi "xưa nay hiếm" đang thầm lặng bảo vệ rừng.
"Báu vật" rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn chống xâm thực thủy triều, chống biến đổi khí hậu, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật hữu ích. Xác định vai trò rất quan trọng của hệ sinh thái này, cuối năm 2010, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng ngập mặn giai đoạn 2010 - 2020 với tổng diện tích hơn 460 ha.
Diện tích rừng ngập mặn được quy hoạch tập trung chủ yếu ở các bãi bồi ven 2 đầm lớn là đầm Thị Nại (thuộc địa bàn TP Quy Nhơn cùng huyện Tuy Phước) và đầm Đề Gi (thuộc địa bàn 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ).
Riêng đầm Thị Nại được quy hoạch gần 240 ha, trong đó diện tích rừng hiện có là 70 ha; còn đầm Đề Gi có diện tích quy hoạch gần 222 ha.
Ông Dương Văn Tường (77 tuổi, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) nhận khoán bảo vệ 3 ha ngập mặn cho hay, trước đây tổ bảo vệ rừng có 10 người, mỗi năm nhà nước hỗ trợ 300.000/ha, sau đó mọi người xin nghỉ rồi giao ông bảo vệ.
"Cực khổ nhất là 3 năm đầu trồng rừng, hàng ngày chúng tôi phải lội bùn, bị hàu cứa đứt chân để gỡ từng đám rong rêu, túi ni lông bám, phủ kín cây mỗi khi thủy triều xuống. Nếu không gỡ rác đọng, cây sẽ chết, vì lúc đó cây vừa nhỏ, bộ rễ cũng chưa phát triển mạnh", ông Tường chia sẻ.
Theo ông Tường, khi mới trồng cây xuống, người dân còn nhổ phá để dễ dàng khai thác thủy sản. "Lúc đó, nhiều người chưa hiểu hết giá trị của việc trồng phục hồi rừng ngập mặn, mà chỉ nghĩ lợi ích trước mắt. Thời điểm đó, chúng tôi còn bị người dân chửi, bị nhổ phá vì người dân cho rằng trồng cây làm mất diện tích mặt nước mà lâu nay người dân mưu sinh", ông Tường bộc bạch.
Công việc cực khổ là vậy, trong khi tiền thù lao cũng chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra. Song, ông Tường vẫn miệt mài công việc bảo vệ rừng ngập mặn khi được nhà nước giao khoán.
"Mấy năm đầu chăm sóc, bảo vệ cực khổ đến mấy chúng tôi còn giữ được. Giờ cây phát triển tốt cao tận nóc nhà, cành lá xum xuê nhìn thích lắm. Tôi nghĩ giống như mình trồng cây trong vườn nhà vậy, nếu được chăm sóc tốt thì cây sẽ không phụ lòng người", ông Tường nói thêm.
Tôm cá, chim muông về trú ngụ
Chèo sõng (thuyền) dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu rừng ngập mặn 4 ha ven đầm Thị Nại được nhà nước giao khoán bảo vệ, ông Trần Hữu Khánh (76 tuổi, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), phấn khởi: "Nhờ có rừng ngập mặn này mà cá, tôm về trú ngụ rất nhiều, những người làm nghề khai thác thủy sản có thu nhập khá hơn. Nhận thấy lợi ích từ việc phục hồi rừng ngập mặn, người dân ven đầm Thị Nại đã chung tay bảo vệ rừng. Giờ đây, tôm cá, kể cả chim cò cũng về trú ngụ ngày càng nhiều hơn".
Theo ông Khánh, hiện diện tích rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống xói lở và cố định các bãi bồi ven đầm, đặc biệt góp phần đa dạng sinh học.
"Chẳng nói đâu xa, vào mùa mưa bão khu rừng này góp phần chắn gió thổi trực tiếp vào làng, bảo vệ nhà cửa. Trước đây, các bờ nuôi tôm của các hộ dân thường bị sóng đánh sạt lở, nhưng nay đã hạn chế rất rõ", ông Khánh nói thêm.
Trần Văn Thọ (84 tuổi, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận), từng thành viên tổ trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven đầm Thị Nại cho hay: Rừng ngập mặn giờ đã thành hình hài, bà con được hưởng lợi nên chẳng còn ai phá nữa.
"Tuy nhiên, điều tôi cũng như người dân lo lắng nhất hiện nay, có doanh nghiệp đang bơm, hút cát san lấp mặt bằng làm dự án khu du lịch sinh thái, biệt thự… có nguy cơ xóa sổ diện rừng mà chúng tôi bỏ công sức ra trồng, chăm sóc bao năm qua", ông Thọ băn khoăn.
Theo ông Trần Quang Nhựt - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, dự án dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại không ảnh hưởng diện tích rừng ngập mặn phục hồi do đơn vị quản lý, mà chủ yếu là diện tích cây trồng quanh các hồ nuôi trồng thủy sản của người dân và một ít rừng ngập mặn tự nhiên ven đầm.
Trung tâm đang xây dựng các mô hình trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản, nhằm kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế của hộ nhận khoán mà vẫn phát huy được hiệu quả của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Đồng thời, có cơ chế chuyển đổi nghề đối với những hộ dân khai thác thủy sản trên các bãi bồi ven biển để giảm áp lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.
Ngoài ra, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo những giống cây ngập mặn có khả năng thích nghi cao, sức sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tại nơi trồng...
Cần bảo vệ "lá phổi xanh" của thành phố
Ðầm Thị Nại nằm phía Đông Bắc TP Quy Nhơn (Bình Định), là đầm nước mặn - lợ có diện tích tự nhiên khoảng 5.000 ha. Từ lâu, rừng ngập mặn nơi đây được ví là "lá phổi xanh" với hệ sinh thái đa dạng độc đáo, tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân phố biển Quy Nhơn.
Tháng 8/2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, dự án san lấp hơn 500.000 m2 để xây dựng biệt thự, công trình thương mại dịch vụ…
Tuy nhiên, UBND tỉnh mới chấp thuận chủ trương khảo sát, thăm dò, lập hồ sơ cấp phép nhưng chủ đầu tư đã tiến hành hút cát trên đầm Thị Nại để san lấp mặt bằng. Nhiều diện tích rừng ngập mặn tự nhiên bị san lấp, ảnh hưởng đến "lá phổi xanh" của đầm Thị Nại.