Những cổ thụ ngàn năm tuổi, tiền tấn không thể mua
Những cây này đều thuộc hàng đại cổ thụ với tuổi đời ngoài 1000 năm. Không chỉ thế, cây còn gắn liền với văn hóa, lịch sử dân tộc.
Cổ thụ có từ thời Vua Hùng
Đứng đầu danh sách các cổ thụ có tuổi đời ngoài 1000 năm phải kể đến "đại mộc thần" gắn liền với sự tích thiêng của đền Thiên Cổ, xã Trưng Vương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Tương truyền, ngôi đền này nằm trên đất kinh đô của nước Văn Lang xưa. Tại đền có cây táu cổ thụ. Theo tính toán của các nhà khoa học, cây táu này đã hơn 2100 năm tuổi.
Theo Ngọc phả để lại, ngôi đền Thiên Cổ thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và thục nương Nguyễn Thị Thục, người có công dạy dỗ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương đời thứ 18.
Khi vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang mất, nhân dân địa phương đã chôn cất và lập đền thờ ngay tại làng. Tương truyền, cây táu quý được cổ nhân trồng từ thời đó.
Trải qua hơn 2100 năm, cây là chứng nhân của lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của địa phương. Hơn thế, "đại mộc thần" này còn chứa đựng những giá trị vô giá về văn hóa, tâm linh.
Cây táu cổ được hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) công nhận là Cây di sản vào ngày 28/5/2012.
"Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương"
Người dân thôn Giữa (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng tự hào khi sở hữu Dã Hương đại thụ có tuổi đời khoảng 1000 năm.
Cổ thụ nghìn tuổi này có đường kính 2,59m, cao gần 30m và thuộc nhóm cây cực kì quý hiếm. Bởi, tinh dầu có ở tất cả các bộ phận của cây.
Ngoài ra, rễ cây chứa chất safrol là thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm. Hơn thế, đại thụ này được công nhận là một trong hai cây Dã Hương lớn nhất thế giới.
Theo các nhà sử học, cây này được vua Lê Cảnh Hưng phong cho là "Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương" (cây dã lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larausse của Pháp và giới thiệu ảnh tại hội chợ Maseille (Pháp) năm 1932; được trường Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp hạng là cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam.
"Thị thần" nghìn tuổi
Từ ngàn xưa, người dân xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã phong cây thị ngàn năm tuổi tại miếu thờ Đức Thánh Tản Viên (khu 6, xã Dị Nậu) là "thần cây", "thị thần".
Gốc thị xù xì, thô ráp chu vi 7,96m (đường kính khoảng 2,45m, chiều cao từ gốc đến ngọn khoảng 18,45m), 5 người trưởng thành vòng tay ôm cũng chưa kín gốc.
Tương truyền, "thị thần" có từ đời Vua Đinh Bộ Lĩnh (970 - 979). Khi xây dựng miếu thờ Đức Thánh Tản Viên (258 TCN), dân làng đã trồng cây lấy bóng mát, đồng thời như muốn tạo dựng một vị thần canh gác, trấn giữ Miếu thờ.
Trong khi đó, Ngọc phả của làng đang được Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ ghi lại rằng miếu thờ Đức Thánh Tản Viên được dân làng lập từ năm 258 TCN để thờ cúng các danh tướng thời vua Hùng thứ 18.
Về sau các cụ đã trồng cây thị trước miếu thờ Đức Thánh cho thêm phần linh thiêng. Như vậy, tính đến nay, cây thị này đã hơn 1000 năm tuổi.
Đại cổ thụ "bàn tay Phật"
Đó là cây duối nghìn năm tuổi nằm trong khu du lịch vườn chim Thung Nham (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Dáng cây hình "bàn tay Phật" độc lạ và mang trong mình giá trị lịch sử gắn liền với vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo truyền thuyết, vua Đinh Tiên Hoàng trong lúc đi tuần quanh kinh đô Hoa Lư đã sai quân lính trồng cây này ngay trên một tảng đá tại Thung Nham.
Cây có dáng rất độc, lạ giống với "bàn tay Phật" bởi thân chính và 3 thân phụ khác của cây mọc thẳng đứng nằm cạnh nhau như 4 ngón của bàn tay khi được chắp lại. Còn một nhánh mọc xiên và nghiêng về hướng khác.
Nhiều người trong giới chơi cây đến tham quan và đánh giá, đây là cây duối là có dáng, thế đẹp độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Để xác định tuổi đời của cây, các nhà chuyên môn về sinh vật cảnh trong nước đã về đây thẩm định và cho biết cây duối này có niên đại 1.000 năm tuổi.
Cổ thụ Trôi "cô đơn"
Đứng trơ vơ trên cánh đồng xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội), cây trôi cổ thụ rợp bóng mát được người dân gọi vui là cây trôi "cô đơn". Nhìn từ xa, cây như một chiếc ô đang xòe rộng.
Cây có đường kính khoảng 15m. Chu vi gốc cây khoảng 8m và phải 5 - 6 người ôm mới hết.
Theo ước tính, cây trôi tại xã này phải trên 1.000 năm tuổi. Cây còn được người dân địa phương gọi là cây âm - dương, bởi ở cây có tính phong thủy cùng nhiều đặc điểm riêng biệt lạ thường. Sau 2 năm, cây mới ra hoa kết trái một lần và thường rơi vào tháng 12 âm lịch.
Nếu năm nay nửa cây phía Đông ra lộc non, lá xanh tốt thì nửa cây phía Tây ít ra lộc, lá thưa, có màu vàng vàng. Đến năm sau thì ngược lại, nửa cây phía Tây ra lộc non, lá xanh tốt và nửa cây phía Đông ít ra lộc, lá thưa, có màu vàng.
Tương truyền, cây trôi được Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, thời Đinh Bộ Lĩnh trồng làm mốc ranh giới giữa làng Bình Đà và làng Sinh Quả, xã Bình Minh. Đến nay, sau hơn 1.000 năm, đại thụ vẫn còn xanh tốt và trở thành nhân chứng lịch sử của người dân trong làng.