Những chất độc nguy hiểm có trong loại đũa ăn dùng một lần

Đũa ăn một lần giờ đã trở nên quá quen thuộc trong bữa ăn của nhiều người. Vậy nhưng bạn nên biết những chất độc có thể có trong đũa ăn một lần dưới đây.

Đũa ăn dùng một lần được nhiều người khá chuộng vì đây là loại đũa được khá tiện dụng lại không cần phải làm vệ sinh sau khi dùng. Thế nhưng,thông tin những “bê bối” về loại đũa ăn này đã khiến nhiều người giật mình.

Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Đài Loan đã phát hiện sản phẩm đũa dùng 1 lần của Việt Nam có chứa chất độc hại và yêu cầu thu hồi toàn bộ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trang Taipei Times đưa thông tin, FDA Đài Loan đã thu 250 mẫu đũa tại 170 cửa hàng lớn nhỏ buôn bán các bộ đồ ăn dùng 1 lần, trong đó phát hiện có 1 mẫu chứa chất biphenyl và 3 mẫu khác có chứa chất hydrogen peroxide.

Đây là 2 chất tẩy trắng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Việc tiếp xúc với hai loại chất này có thể gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người dùng. Đặc biệt, biphenyl có nguy cơ tiềm ẩn là phá hủy phổi, dạ dày và tuyến tụy. Ở liều lượng thấp trong thời gian ngắn có thể gây hại cho gan, tuyến giáp, tiếp xúc lâu dài nguy cơ dẫn đến ung thư gan và các khối u ác tính.

Trước đó, loại đũa ăn một lần này cũng đã từng bị phản ánh bị “ngậm” lưu huỳnh. Để tẩy trắng và chống nấm mốc đũa ăn một lần, người ta sử dụng SO2, chất tẩy trắng và nấm mốc công nghiệp như sulfite, sulfite natri. Đây là những chất chứa độc tố lớn, tác dụng tẩy trắng, khử khuẩn rất tốt nhưng chỉ được sử dụng trong công nghiệp. Nếu dùng trong thực phẩm sẽ nguy hại sức khỏe.


Đũa ăn một lần bị phát hiện những hóa chất nguy hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Đũa ăn một lần bị phát hiện những hóa chất nguy hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Các chuyên gia hóa học khẳng định, sản phẩm có sử dụng lưu huỳnh, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất chống mốc không đúng với quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù lượng hóa chất tồn dư trên đũa có thể không nhiều, khó xảy ra trường hợp ngộ độc cấp tính nhưng sẽ dẫn đến tổn thương mạn tính. Các hóa chất có gốc lưu huỳnh có thể gây loét niêm mạc đường tiêu hóa, rối loạn vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là những vi khuẩn dẫn đến tiêu chảy. Với những đôi đũa này, khi bóc lớp nilon đi sẽ ngửi thấy mùi hăng hắc.

Ngoài ra, để làm đẹp, đũa ăn một lần được đưa qua nước ôxy già. Đây là loại nước có tính tẩy rất mạnh. Được biết, oxi già khi ở nồng độ rất thấp (dưới 5%) được sử dụng phổ biến để tẩy tóc người. Với nồng độ cao hơn nó có thể làm cháy da khi tiếp xúc. Ở nồng độ thấp hơn được sử dụng trong y học để rửa vết thương và loại bỏ các mô chết. Bột tan được sử dụng trong khâu đánh bóng, lâu ngày tích tụ trong người sẽ gây ra bệnh sỏi mật.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa HN), nấm mốc cũng là một trong những chất độc có thể có trong đũa ăn một lần. Nguyên liệu sản xuất ra đũa thông thường là tre, gỗ, có chứa nước nếu chưa tiến hành bảo đảm an toàn tuyệt đối rất dễ mốc và sinh ra vi khuẩn độc hại. Vì vậy các loại đũa thường có thời hạn sử dụng không quá nửa năm. Quá thời gian này, người sử dụng rất dễ bị nhiễm các loại khuẩn khác nhau.

Liên quan đến thông tin Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Đài Loan đã phát hiện sản phẩm đũa dùng 1 lần của Việt Nam có chứa chất độc hại và yêu cầu thu hồi, phía Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi văn bản cho Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin chi tiết sản phẩm của công ty nào ở Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn nêu trên để tiến hành kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm. Khi có thông tin mới, Cục An toàn thực phẩm sẽ thông báo.

Có thể nói phương tiện dùng cho đồ ăn tại nước ta hiện vẫn bị thả nổi. Bởi vậy người dân hãy tự bảo vệ mình trước bằng việc thận trọng hơn trong cách lựa chọn của mình.

Theo Gia đình & Xã hội